Nhân dịp đón xuân Mậu Tuất 2018, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư (LĐLS) Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh đã chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về hoạt động hành nghề của luật sư năm 2017 và trong thời gian tới.
Thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị pháp lý được Đảng, Nhà nước giao phó
PV: Năm 2017, có thể thấy số lượng và chất lượng luật sư tiếp tục được nâng lên rõ rệt, với nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Xin luật sư chia sẻ về những kết quả đạt được trong năm qua?
Ông Đỗ Ngọc Thịnh: Trong năm 2017, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Trước tiên, có thể kể đến, Liên đoàn đã đóng góp vào hầu hết các văn bản pháp luật được Quốc hội thông qua năm 2017 như dự thảo Bộ luật hình sự, Luật trợ giúp pháp lý, Luật Giám định, Luật Quy hoạch,.v.v. Đồng thời, LĐLS Việt Nam đã từng bước hoàn thiện các thể chế pháp lý để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của Liên đoàn được Luật Luật sư quy định và thực hiện tốt chức năng quản lý luật sư theo chế độ tự quản có kết hợp với quản lý nhà nước về luật sư và nghề luật sư; củng cố, hoàn thiện công tác tổ chức nhân sự của Liên đoàn, góp phần làm cho hoạt động của Liên đoàn và các cơ quan đơn vị thuộc Liên đoàn dần đi vào nề nếp;
Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh. (Ảnh: TH).
Bên cạnh đó, đã tổ chức được nhiều lớp công tác bồi dưỡng luật sư về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư thu hút 4.000 lượt luật sư tham gia, đưa công tác bồi dưỡng luật sư vào nề nếp. Trong đó, bồi dưỡng về quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư được coi trọng, đã góp phần vào việc xây dựng các giá trị chuẩn mực nghề luật sư, hạn chế những vi phạm đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ luật sư.
Công tác bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư, giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan tới luật sư, khen thưởng, kỷ luật luật sư được coi trọng và bảo đảm đúng quy định, tạo lập niềm tin của chính đội ngũ luật sư vào ngôi nhà chung Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Liên đoàn thực hiện nghiêm túc chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước trong quan hệ quốc tế, củng cố và mở rộng quan hệ quốc tế tạo cơ hội cho đội ngũ luật sư giao lưu, học tập và hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
Đáng chú ý, năm 2017, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã hoàn thiện 3 tập cuốn Sổ tay Luật sư. Đây là tài liệu rất hữu ích cho luật sư trong quá trình hành nghề. Sau khi phát hành, bộ sách đã nhận được sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo đội ngũ luật sư.
Năm 2017, một điểm nhấn đáng ghi nhận là Liên đoàn đã thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị pháp lý được Đảng, Nhà nước giao phó. Cụ thể, Liên đoàn đã cử các luật sư tham gia rà soát các thủ tục hành chính theo yêu cầu của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính. Cử hơn 200 luật sư của 05 Đoàn Luật sư là Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam và Hải Phòng tham gia trợ giúp pháp lý tại trụ sở tiếp dân Trung ương tại TP. Hà Nội theo yêu cầu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thanh tra Chính phủ với tổng số 400 vụ, việc. Công tác này đã góp phần vào việc giảm bớt khiếu nại, tố cáo không phù hợp pháp luật; đồng thời cũng giúp cho người dân được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí từ đội ngũ luật sư.
Liên đoàn đã phối hợp với Hiệp hội luật sư Malaysia để hỗ trợ pháp lý cho công dân Đoàn Thị Hương trong vụ án có liên quan tới Kim Chol (Kim Jong-nam) tại Malaysia. Qua đó, được Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và cộng đồng xã hội ghi nhận.
PV: Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đã dành một chương riêng quy định về người bào chữa. Lần đầu tiên khái niệm người bào chữa được ghi nhận trong Bộ luật này. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc bảo đảm quyền hành nghề của giới luật sư, đặc biệt trước tình trạng một số luật sư vẫn còn bị gây khó khăn trong khi tác nghiệp, thưa luật sư?
Ông Đỗ Ngọc Thịnh: Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 dành cả một chương quy định về người bào chữa, điều đó cho thấy sự quan tâm của nhà nước và cộng đồng xã hội đối với vai trò của người bào chữa trong các quan hệ tố tụng. Đồng thời, cũng cho thấy trong các quan hệ tố tụng hình sự, chế định về người bào chữa tồn tại mang yếu tố khách quan không thể thiếu được và ngày càng đóng vai trò quan trọng để xây dựng nền tư pháp văn minh, dân chủ. Từ đó, các bị can, bị cáo, người nhà của họ, xa hơn nữa là cộng đồng xã hội sẽ tin vào công lý, tin vào pháp chế và quan trọng nhất là mọi người sẽ tâm phục khẩu phục vào phán quyết của tòa án.
Việc luật sư còn bị gây khó dễ trong một vài vụ án hình sự, đặc biệt trong giai đoạn điều tra là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tôi cho rằng điều đó phải được loại bỏ trong việc thực hiện Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Hiến pháp 2013.Tôi tin tưởng khi Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đi vào cuộc sống thì những tồn tại đó sẽ được loại bỏ khỏi đời sống xã hội trong các quan hệ tố tụng. Nhận thức và hành động của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng sẽ thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Về phía đội ngũ luật sư tham gia tố tụng hình sự cần phải chứng minh cho các cơ quan tiến hành tố tụng là luật sư tham gia sẽ giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng việc, đúng pháp luật. Cả hai bên đều vì mục tiêu chung là tôn trọng sự thật, khách quan trên cở sở pháp luật để bảo đảm công lý, công bằng xã hội.
Kiên quyết xử lý những luật sư vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp
PV: Thực tế và dư luận xã hội cho thấy, vẫn còn tình trạng luật sư vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong khi hành nghề, tiếp tay cho tiêu cực, tham nhũng. Đề án phòng, chống tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sư đang được Liên đoàn triển khai sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Ngọc Thịnh: Quan điểm của chúng tôi là giới luật sư không bao giờ tiếp tay cho tiêu cực, tham nhũng mà còn có trách nhiệm phòng chống và loại bỏ tiêu cực ra khỏi các quan hệ tố tụng và đời sống xã hội. Đội ngũ luật sư lên án và không đồng tình với hành vi tiêu cực đó. Vì nếu có sẽ làm tổn thương tới nghề luật sư và những luật sư chân chính. Còn nếu luật sư nào có hành vi đó thì dứt khoát sẽ bị LĐLS Việt Nam và các Đoàn luật sư loại ra khỏi đội ngũ luật sư. Có như vậy, khách hàng và cộng đồng xã hội mới tin cậy vào nghề luật sư và đội ngũ luật sư.
Hiện tượng vi phạm đạo đức nghề nghiệp luật sư vẫn còn có ở một số luật sư, điều đó là khó tránh khỏi, nhưng LĐLS Việt Nam và các Đoàn luật sư đang tăng cường công tác bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp luật sư, tăng cường giám sát luật sư hành nghề, kiên quyết xử lý những luật sư vi phạm hoặc tái phạm việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp luật sư. Từ đó, sẽ hạn chế luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp khi hành nghề.
Trong năm 2017, Liên đoàn nhận được 203 đơn thư có nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến luật sư, người tập sự hành nghề luật sư. Phần lớn các đơn thư có nội dung khiếu nại, tố cáo luật sư vi phạm đạo đức, ứng xử nghề nghiệp, tranh chấp về thù lao giữa luật sư với khách hàng. Trong năm 2017, các Đoàn Luật sư đã xử lý kỷ luật xóa tên 06 luật sư, chủ yếu do không nộp phí thành viên và vi phạm đạo đức nghề nghiệp luật sư; xử lý kỷ luật bằng các hình thức khác 10 trường hợp. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như số liệu thống kê cho thấy việc xử lý kỷ luật luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp được thực hiện rất nghiêm túc. Từ đó góp phần làm trong sạch và nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư.
LĐLS Việt Nam đã tích cực triển khai Đề án Phòng chống tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sư tới các Đoàn luật sư và các luật sư khi hành nghề bằng một số nội dung sau: Tuyên truyền về nội dung Đề án Phòng chống tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sư đến Đoàn luật sư và luật sư. Tăng cường công tác giám sát hoạt động hành nghề, phát hiện tiêu cực để giáo dục, uốn nắn luật sư sai phạm. Tăng cường công tác truyền thông ở LĐLS Việt Nam, các Đoàn luật sư, phối hợp với các cơ quan truyền thông để phòng chống tiêu cực về vấn đề này. Tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để cùng phòng chống tiêu cực về vấn đề này.
Chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý những luật sư vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Hàng năm có tổng kết rút kinh nghiệm để rút ra bài học và đề ra phương án hiệu quả hơn.
Kinh tế thăng hoa, nghề luật sư cũng sẽ thăng hoa
PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, còn có ý kiến cho rằng, Việt Nam vẫn đang thiếu một đội ngũ luật sư chuyên nghiệp có thể đáp ứng những yêu cầu cơ bản của hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt vụ tranh chấp pháp lý có yếu tố nước ngoài, doanh nghiệp… Quan điểm của luật sư về vấn đề này như thế nào?
Ông Đỗ Ngọc Thịnh: Đội ngũ luật sư Việt Nam đã và đang ngày càng trưởng thành trong mấy chục năm vừa qua trong việc cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng và cộng đồng xã hội. Điều đó được ghi nhận bằng số lượng vụ việc và chất lượng cung cấp dịch vụ pháp lý của các tổ chức hành nghề luật sư và đội ngũ luật sư trong năm 2017 và các năm trước. Vì thế, tính chuyên nghiệp của hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của nghề luật sư ngày càng được khẳng định. Tuy vậy, việc sử dụng dịch vụ pháp lý của khách hàng và cộng đồng xã hội với luật sư, nghề luật sư cũng phải có thời gian và để thực tế kiểm nghiệm. Nghề luật sư là một nghề rất khó, không thể “một sớm, một chiều” có ngay được sự tin cậy của xã hội và có ngay được một đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, có khả năng đáp ứng các nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội. Khi kinh tế phát triển, nghề luật sư cũng sẽ phát triển theo. Kinh tế thăng hoa, nghề luật sư cũng sẽ thăng hoa. Trong vòng 10 đến 15 năm nữa, cùng với sự cất cánh của nền kinh tế Việt Nam thì đội ngũ luật sư Việt Nam cũng sẽ không thua kém các luật sư ở khu vực và quốc tế. Lúc đó, lượng sẽ biến thành chất, đội ngũ luật sư Việt Nam sẽ khẳng định được vị trí, vai trò trong việc góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.
Đội ngũ luật sư Việt Nam từ truyền thống tới hiện tại và tương lai đang chứng minh khả năng đó. Nghề luật sư là một nghề đang trỗi dậy, sẽ thăng hoa cùng với sự thăng hoa của sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế!
Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa LĐLS Việt Nam và Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (ABA). (Ảnh: TH).
Triển khai thực hiện Đề án Phòng, chống tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sư trong năm 2018
PV: Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và đẩy mạnh cải cách tư pháp, bước sang năm Mậu Tuất 2018, LĐLS Việt Nam đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào để phát triển đội ngũ luật sư chuyên nghiệp có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn cao, qua đó góp phần nâng cao vai trò, vị thế của giới luật sư, thưa ông?
Ông Đỗ Ngọc Thịnh: Trong năm 2018, Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ tập trung vào việc hoàn thiện thể chế về chế độ tự quản của Liên đoàn, các Đoàn luật sư. Kiến nghị và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định để hiện thực hóa Hiến pháp 2013, Bộ luật tố tụng 2015, các quy định khác của pháp luật để bảo đảm quyền hành nghề của luật sư. Qua đó, tạo cơ hội, điều kiện cho đội ngũ luật sư đóng góp vào cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy nhân sự, chuẩn bị cho việc xây dựng Đề án tổ chức Đại hội nhiệm kỳ các Đoàn luật sư, phương án nhân sự Ban Chủ nhiệm và Hội đồng Khen thưởng, kỷ luật, chuẩn bị cho việc xây dựng Đề án Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III.
Mặt khác, tập trung vào công tác bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư, kỹ năng hành nghề luật sư, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, đa dạng hóa hình thức bồi dưỡng luật sư, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư. Tiến hành tổng kết hoạt động hành nghề của luật sư để tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư trong hành nghề.
Đồng thời, LĐLS Việt Nam, các Đoàn Luật sư sẽ phối hợp và tăng cường công tác giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan tới luật sư, một mặt để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho luật sư, mặt khác cũng kiên quyết xử lý kỷ luật các luật sư vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, xây dựng đội ngũ luật sư trong sạch, vững mạnh.
Tiếp tục củng cố và mở rộng các quan hệ quốc tế, tạo cơ hội cho đội ngũ luật sư giao lưu, trao đổi và học tập với luật sư quốc tế, qua đó, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ luật sư có khả năng hội nhập quốc tế, đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển của đất nước
Trong năm 2018, Liên đoàn sẽ triển khai thực hiện Đề án Phòng, chống tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sư đã được Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phê duyệt. Xây dựng LĐLS Việt Nam là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp mạnh, đủ khả năng đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của luật sư có hiệu quả, thực hiện tốt chế độ tự quản của luật sư; coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp luật sư; xây dựng các giá trị chuẩn mực của nghề luật sư, bảo đảm đội ngũ luật sư Việt Nam sẽ phát triển đông về số lượng, mạnh về chất lượng, có phẩm chất chính trị, tư tưởng đạo đức vững vàng trong sáng, có một trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, có khả năng cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng cho cộng đồng xã hội; tạo lập niềm tin vững chắc với Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương và cộng đồng xã hội…
Tôi hy vọng năm 2018 với sự nỗ lực phấn đấu của Thường trực Liên đoàn, Ban Thường vụ Liên đoàn, Hội đồng luật sư toàn quốc và cả đội ngũ luật sư sẽ là năm bản lề tạo sự chuyển biến và những thành tích mới của LĐLS Việt Nam và đội ngũ luật sư Việt Nam sẽ đóng góp vào công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
PV: Xin trân trọng cảm ơn luật sư!