Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến thăm và chúc mừng Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ,
cùng Chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Cùng tham dự với Chủ tịch nước Trần Đại Quang có lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Công an.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng gửi tới Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, chư tôn đức, các đại biểu và qua Đại lão Hòa thượng gửi đến toàn thể tăng ni, đồng bào phật tử cả nước lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng nhân dịp Lễ Phật Đản Phật lịch 2561, Dương lịch 2017.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, gần 2.000 năm có mặt trên đất nước Việt Nam, đạo Phật đã khẳng định vị trí của mình trong lòng dân tộc. Trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, với truyền thống yêu nước, Phật giáo Việt Nam luôn lấy đức từ bi, hỷ, xả, chân - thiện - mỹ để giáo hóa chúng sinh, đề cao tinh thần “Hộ quốc, an dân”, đồng cam cộng khổ, phục vụ Tổ quốc và có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Lịch sử Việt Nam ghi nhận, tri ân những nhà sư có đức, có tài đã đứng ra giúp nước, cứu dân, tiêu biểu là Đại sư Vạn Hạnh, người có công giúp Vua Lê Đại Hành đánh tan giặc Tống và cũng là người khuyên Vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long để tính kế lâu dài cho muôn đời con cháu; Thiền sư Khuông Việt được phong Quốc sư vì có công giúp nhà Đinh và nhà Tiền Lê gây dựng cơ đồ...
Nối tiếp dòng chảy truyền thống 2561 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay đã thông qua hoằng dương Phật pháp vận động tăng ni, phật tử cả nước sống trong chính tín, chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nêu cao đạo đức, thuần phong, mỹ tục, tích cực lao động, sản xuất, hoạt động từ thiện, xã hội, đền ơn, đáp nghĩa, xóa đói, giảm nghèo, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Những hoạt động giàu tính nhân văn đó đã góp phần khơi dậy tinh thần trách nhiệm, tình cảm tương thân tương ái, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng tới xây dựng xã hội tốt đẹp, văn minh, hạnh phúc trong nhân gian… Qua đó, khẳng định Phật giáo Việt Nam luôn gắn đạo với đời, có truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ,
cùng Chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận, đánh giá cao, trân trọng biểu dương và chúc mừng những kết quả, đóng góp thiết thực, đầy ý nghĩa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và toàn thể tăng ni, phật tử trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước thời gian qua.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, tạo điều kiện để đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, thực hiện tốt hoạt động tôn giáo chân chính và làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ quốc.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, năm 2017 này có ý nghĩa đặc biệt đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là năm diễn ra Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017 - 2022. Đây là dịp để Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổng kết, đánh giá công tác Phật sự nhiệm kỳ qua, đề ra phương hướng công tác Phật sự nhiệm kỳ tới và đặc biệt sẽ suy tôn, suy cử Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ mới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn, với trọng trách của mình, Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ tiếp tục lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam đoàn kết, thống nhất, tổ chức thành công Đại hội, đồng thời chỉ dẫn tăng ni, phật tử thực hiện tốt phương châm hoạt động Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội, tích cực góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng quà Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ
Hiện nay, cả nước có khoảng 50.000 tăng ni, trên 17.000 cơ sở thờ tự và trên 12 triệu tín đồ phật tử có điệp Quy y, hàng chục triệu đồng bào yêu mến và tin quý đạo Phật đang sinh hoạt tại các hội quy và đạo tràng các tự viện.
Phật giáo là tôn giáo có đông tín đồ nhất trong các tôn giáo tại Việt Nam. Phật giáo cũng là tôn giáo có lịch sử phát triển lâu đời nhất tại Việt Nam so với các tôn giáo khác. Đặc biệt, Phật giáo Việt Nam có truyền thống “Hộ quốc an dân”, “đồng hành cùng dân tộc” qua các thăng trầm và biến cố của lịch sử, nên văn hóa Phật giáo thấm nhuần với văn hóa dân tộc, có vai trò cộng sinh và tương hỗ cấu thành nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ VII (2012 - 2017), Giáo hội Phật giáo Việt Nam tập trung vào các nhiệm vụ Phật sự trọng yếu. Đó là kiện toàn và phát triển tổ chức Giáo hội; công tác Tăng sự; công tác giáo dục đào tạo tăng ni; công tác hoằng dương chính pháp; công tác văn hóa Phật giáo: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc; công tác nghi lễ Phật giáo; công tác hướng dẫn phật tử; công tác từ thiện xã hội; công tác nghiên cứu Phật học; công tác đối ngoại Phật giáo; công tác truyền thông Phật sự; công tác kinh tế tài chính; và công tác xây dựng bảo vệ Tổ quốc... Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc có tổ chức Đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã 2 lần đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Phật Đản Vesak Liên hợp quốc vào các năm 2008 tại Hà Nội và 2014 tại Bái Đính (Ninh Bình). Qua việc tổ chức Đại lễ Phật Đản, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có dịp giới thiệu hình ảnh, hoạt động văn hóa, kiến trúc Phật giáo Việt Nam đến bạn bè thế giới, góp phần nâng cao vị trí của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và của đất nước trên trường quốc tế./.