Chưa phát huy tối đa trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quy trình xây dựng pháp luật

Thứ ba, 26/07/2016 16:15
(ĐCSVN) - Sáng 26/7, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận về dự kiến điều chỉnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có trao đổi với báo chí xung quanh nội dung này.

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. (Ảnh: TH) .

Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017?

ĐBQH 
Bùi Sỹ Lợi:  Nhìn chung, các tiêu chí chúng ta đặt ra để xếp thứ tự  ưu tiên chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình ra Quốc hội và các cơ quan thẩm tra là kỹ lưỡng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

Cụ thể, thứ nhất,  xây dựng và sửa đổi các luật đòi hỏi thực tiễn xã hội cần phải có pháp luật để điều chỉnh.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản  của công dân theo quy định của Hiến pháp 2013.

Thứ ba, hệ thống pháp luật của chúng ta phải đáp ứng yêu cầu thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Cuối cùng, chúng ta đang trong thời kỳ hội nhập, tham gia hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vì vậy, hệ thống pháp luật của chúng ta phải làm sao để thể chế kinh tế của ta đáp ứng được nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.

PV:
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều ý kiến cho rằng hoạt động lập pháp vẫn còn những hạn chế chậm được khắc phục như quy định trong một số đạo luật chưa phản ánh đầy đủ, sát thực nhu cầu cuộc sống, tính khả thi chưa cao, cá biệt có văn bản vẫn còn sai sót phải lùi hiệu lực thi hành để sửa đổi? Theo ông nguyên nhân do đâu?

ĐBQH
Bùi Sỹ Lợi: Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy trình xây dựng pháp luật trong nhiều trường hợp chưa được thể hiện và phát huy tối đa, nhất là trong công tác soạn thảo, công tác phối hợp thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội này, có một điểm hết sức lưu ý, chúng ta cố gắng đảm bảo số lượng luật, pháp luật nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo yêu cầu chất lượng, không để xảy ra sai phạm kể cả về mặt kỹ thuật.

Trong đó, quyết tâm Quốc hội đặt ra thứ nhất là trách nhiệm của cơ quan trình Dự án luật. Khi trình phải xin ý kiến các đối tượng điều chỉnh của luật, làm sao cơ chế, chính sách trong luật pháp đưa ra phải đáp ứng yêu cầu, đạt được nguyện vọng của người dân và phải tuân thủ chính sách gắn với ngân sách.

Tôi mong muốn cơ quan Chính phủ phải trình Dự án Luật đúng thời gian và đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của Luật ban hành quy phạm pháp luật.

Sau đó, tiếp theo là trách nhiệm của các Ủy ban, Hội đồng của Quốc hội khi thẩm tra phải đi theo đúng quy trình. Một việc làm rất cần thiết các Ủy ban của  Quốc hội biểu quyết thống nhất cao về cơ chế, chính sách.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định lại về cơ chế, chính sách lớn, ngân sách thực hiện pháp luật.

Ra đến Quốc hội, nếu thấy còn nhiều ý kiến khác nhau, cần đề xuất kéo dài thêm thời gian cho xem xét cho “chín”, kỹ các Dự án luật, tránh để sai sót xảy ra.

PV:
Việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 dựa trên việc ưu tiên các dự án luật, pháp lệnh nhằm tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp; thực hiện các cam kết quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có sửa đổi Bộ luật lao động. Quan điểm của ông về vấn đề này?

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi:
Bộ luật Lao động mới ban hành năm 2012, có hiệu lực thi hành 1/5/2013, lúc sửa toàn diện dựa vào Công ước quốc tế và tư tưởng Hiến pháp 2013. Nhưng khi ra đời 3 năm bắt đầu nảy sinh những vấn đề đòi hỏi theo yêu cầu kinh tế thị trường và đặc biệt là thị trường lao động, chúng ta phải tuân thủ. Đặc biệt tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động bất cập so với thị trường lao động.

Thứ hai, đảm bảo sự đồng bộ thống nhất của hệ thống pháp luật như:. Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư … đặc biệt phải tuân thủ quyền con người, quyền được làm việc, quyền được hưởng lương và quyền được làm việc trong môi trường an toàn.

Cuối năm chúng ta tham gia Cộng đồng các nước ASEAN, dịch chuyển lao động khu vực  và tham gia các Hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chính vì vậy phải sửa đổi đáp ứng  yêu cầu thực tiễn, hệ thống pháp luật, Hiến pháp và hội nhập quốc tế, kinh tế.

Tuy nhiên, theo chương trình, đến tận kỳ họp thứ 4, cuối  năm 2017 mới đưa việc sửa đổi Bộ luật lao động vào chương trình. Tôi cho rằng sẽ chậm tiến độ. Tôi đề nghị,  đưa Dự án Luật này lên đầu năm 2017, để chúng ta đi qua 2 giai đoạn kỳ họp thứ 2 cho ý kiến, kỳ họp thứ 3 thông qua để đảm bảo nếu không có gì thay đổi 2/2018 Hiệp định TPP bắt đầu có hiệu lực, nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế , đặc biệt thị trường lao động, đảm bảo tiêu chuẩn lao động , quan hệ lao động phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế  và Hiệp định TPP.

PV:
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hằng (ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực