Chưa thể chạy thử đoàn tàu Cát Linh- Hà Đông theo kế hoạch

Thứ năm, 28/09/2017 21:36
(ĐCSVN) - Chiều 28/9, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức Họp báo thường kỳ Quý III năm 2017 với các cơ quan thông tấn báo chí. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chủ trì buổi họp báo.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chủ trì buổi họp báo

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT cảm ơn các nhà báo, các cơ quan truyền thông trong cả nước đã đồng hành cùng Ngành GTVT trong suốt thời gian qua, nhất là trong 9 tháng đầu năm 2017. Đây cũng là một yếu tố để Ngành GTVT hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ và nhà nước giao.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng thông báo sơ qua kết quả đạt được của Ngành GTVT từ đầu năm đến nay. Theo đó, ngành GTVT đã hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch 9 tháng đầu năm 2017 với các kết quả nổi bật là: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của ngành được thực hiện hiệu quả. Việc trả lời, xử lý, giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tiếp tục được thực hiện tốt. Công tác quản lý vận tải tiếp tục được tăng cường, chất lượng dịch vụ vận tải được cải thiện. TNGT tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí. Các dự án trọng điểm của ngành như đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Cảng hàng không Long Thành, mở rộng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất... được thực hiện với nỗ lực cao. Quyết toán các dự án hoàn thành, nhất là các dự án BOT đảm bảo tiến độ. Các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã được Bộ GTVT tổ chức thực hiện, triển khai kịp thời, được đánh giá là một trong số các bộ, ngành thực hiện tốt nhiệm vụ 9 tháng năm 2017, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.

Tại buổi Họp báo, các đồng chí lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ đã trả lời nhiều câu hỏi của đại diện cho các cơ quan truyền thông liên quan đến các vấn đề và lĩnh vực mà Ngành GTVT đang thực hiện, như việc rà soát các trạm thu phí, mức giá phí các dự án BOT; kinh nghiệm trong công tác quản lý đầu tư các dự án BOT; đường cao tốc Bắc Nam; sân bay Long Thành; đường sắt Cát Linh - Hà Đông; quy hoạch Ga Hà Nội...

Chia sẻ về trách nhiệm, kinh nghiệm trong công tác triển khai cũng như quản lý các dự án giao thông theo hình thức BOT, Thứ trưởng  Nguyễn Ngọc Đông khẳng định,  làm sao phải có hành lang pháp lý, hệ thống văn bản đồng bộ để dễ thực hiện. Trong giai đoạn Bộ GTVT thực hiện nhiều dự án BOT nhất thì chưa có hệ thống văn bản đầy đủ, do đó Bộ vừa phải làm, vừa xin ý kiến chỉ đạo và hoàn thiện về mặt thủ tục, cơ chế. Nếu có các quy định đầy đủ hơn, rõ ràng hơn thì chắc chắn sẽ không có những vấn đề phát sinh.

Xác định trách nhiệm của Bộ trong việc còn để xảy ra một số trạm thu phí không đúng vị trí,  Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, trước khi triển khai dự án, Bộ đã lấy ý kiến của địa phương và cả cơ quan, đại biểu Quốc hội và rất nhiều cơ quan hữu quan, tuy nhiên có thể vẫn chưa hết nên nảy sinh các vấn đề khi đưa công trình vào sử dụng. Do đó, đây cũng là bài học của Bộ GTVT để sau này khi làm dự án theo hình thức này sẽ phải hoàn thiện hơn, tổ chức rõ ràng, hiệu quả hơn.

Trả lời các cơ quan báo chí về tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt Cát Linh, Hà Đông cho biết, sáng 28/9,  Tổng thầu Trung Quốc đã chạy thử tàu công trình trên một số đoạn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) để khai thông đường ray, kiểm tra kết cấu hạ tầng đường ray. Tàu chạy thử là tàu công trình không phải tàu chở khách. Tàu chạy từ ga Cát Linh đến ga đường Láng với vận tốc 5km mỗi giờ. Sau thời gian đó, tàu công trình tiếp tục chạy nâng tốc độ 10-20km mỗi giờ. Qua chạy thử ghi nhận tàu chạy êm, không rung lắc, ít có tiềng ồn của động cơ.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đây là tàu chạy thử xem hệ thống ray đã hoạt động ổn định hay chưa, còn việc đưa tàu khách chạy thử lại là vấn đề khác vì còn phải hoàn thiện rất nhiều công đoạn. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng cho biết, sở dĩ chưa thể chạy thử đoàn tàu Cát Linh- Hà Đông theo kế hoạch vào tháng 10/2017 vì lý do khách quan, phía Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) vẫn chưa giải ngân khoản vốn 250 triệu USD bổ sung. Do đó, nhà thầu phụ chưa thể có vốn để triển khai dự án và cung ứng thiết bị cho tuyến đường sắt.


Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực