Giao Kiểm toán Nhà nước giám định tư pháp có trùng lặp nhiệm vụ?
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Dự thảo Luật lần này là bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện giám định tư pháp khi được trưng cầu và công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý.
Các đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), các ĐB Võ Đình Tín (Đắk Nông), Trần Văn Mão (Nghệ An), Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương)… cho rằng, việc bổ sung quy định này là không cần thiết. Theo quy định của Luật Giám định tư pháp, Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành quy chuẩn chuyên môn áp dụng cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính.
Đồng thời, nguồn nhân lực hiện nay đã đáp ứng tốt nhu cầu giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính.
Đại biểu Ma Thị Thúy nêu quan điểm, Hiến pháp năm 2013 và Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 không quy định Kiểm toán Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ thực hiện giám định tư pháp. Việc bổ sung quy định này trong dự thảo luật là không phù hợp với thực tiễn hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, không đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho rằng bổ sung thêm Kiểm toán Nhà nước sẽ dẫn đến sự trùng lặp trong chức năng nhiệm vụ, không tuân thủ nguyên tắc chức năng của các tổ chức. “Một việc chỉ một cơ quan làm thôi, xu hướng cơi nới thẩm quyền như thế là không đúng”, đại biểu Hồng bày tỏ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học (Phú Yên) phát biểu tại Hội trường Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương ủng hộ quy định bổ sung Kiểm toán Nhà nước tham gia giám định tư pháp khi được trưng cầu.
Theo đại biểu Học, thực tế cho thấy, giám định tư pháp là công việc khó, phức tạp, đụng chạm, xác định hành vi vi phạm pháp luật, xác định tội phạm nên thường có tâm lý né tránh, đùn đẩy giữa các cơ quan có chức năng giám định. Báo cáo cho thấy trong 5 năm qua mới trưng cầu giám định tài chính 244 vụ việc mà tiến độ vẫn chậm, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy. Từ những phân tích trên, đại biểu Học cho rằng, việc bổ sung thêm cơ quan kiểm toán nhà nước với đầy đủ cán bộ có chuyên môn, hoạt động độc lập, khách quan, hoàn toàn đủ điều kiện để thực hiện công tác này và sẽ có thêm một kênh để lựa chọn.
Tạo điều kiện cho các cơ quan có thêm lựa chọn về giám định tư pháp
Dự thảo Luật bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao” là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự, với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh.
Theo đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam), Ma Thị Thúy (Tuyên Quang)…, việc bổ sung “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao” là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự, với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh trong Dự thảo Luật là phù hợp.
Việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao vừa để tương đồng với Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, vừa để có thêm lựa chọn khi trưng cầu giám định, đặc biệt là trong trường hợp giám định lại sẽ cho kết quả khách quan hơn. Mặt khác, việc bổ sung này không làm phát sinh tổ chức bộ máy.
Hơn nữa trong bối cảnh từ ngày 1/1/2020, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc, vì vậy yêu cầu giám định loại việc trên ngày càng tăng. Trong khi đó hiện tại cả nước chỉ có Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) thực hiện giám định về lĩnh vực này sẽ dẫn đến quá tải. Viện KSND tối cao với chức năng điều tra tội phạm xâm hại hoạt động tư pháp thì việc nghiên cứu âm thanh, hình ảnh… trong hoạt động tố tụng để xác định có bức cung nhục hình không, có hành vi tiêu cực trong hoạt động tố tụng là cần thiết, phù hợp với chức năng nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu cấp bách thực tiễn đặt ra.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Đồng Nai) chỉ ra, thời gian qua, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khi cần thiết phải giám định thì phải trưng cầu giám định tại Viện Khoa học kỹ thuật hình sự (Bộ Công an), Phòng Giám định kỹ thuật hình sự (Bộ Quốc phòng), Viện Pháp y quốc gia. Điều này dẫn đến việc bị động và phụ thuộc vào tổ chức giám định tư pháp khác. Đặc biệt, khi trưng cầu giám định về âm thanh, hình ảnh hay dữ liệu điện tử thường kéo dài 2-3 tháng, có vụ kéo dài 5 tháng mới có kết luận giám định nên đã ảnh hưởng đến việc bảo đảm thời hạn giải quyết tố giác tin báo tội phạm, thời hạn điều tra.
Vì vậy, theo đại biểu, việc bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND tối cao trong dự thảo Luật là cần thiết, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thực tiễn đặt ra, tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp có thêm lựa chọn về giám định tư pháp khi trưng cầu giám định.
Tuy nhiên, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, cơ quan soạn thảo cần làm rõ việc bổ sung “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao” là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự, với nhiệm vụ giám định về âm thanh có thực sự hợp lý và cần thiết hay không, có phù hợp với cơ sở lý luận thực tiễn và thông lệ quốc tế không; có làm lãng phí, có làm phân tán nguồn lực con người, cơ sở vật chất hay không?.
“Chính phủ cần bổ sung vào báo cáo đánh giá tác động là nếu bổ sung cơ quan này sẽ tăng bao nhiêu biên chế, tốn kém thêm bao tiền, mất thời gian bao lâu để đào tạo giám định viên và tính hiệu quả của hoạt động cơ quan này có phải sửa đổi Luật tổ chức Viện KSND hay không”, đại biểu Hoa đề nghị./.