Cơ quan cạnh tranh Quốc gia nên trực thuộc đâu để bảo đảm tính độc lập, khách quan

Thứ tư, 15/11/2017 15:04
(ĐCSVN) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 15/11, cho ý kiến về dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng Luật Cạnh tranh phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Luật Cạnh tranh có hiệu lực thi hành từ 1/7/2005 là dấu mốc quan trọng trong quá trình tạo lập một hành lang pháp lý chính thức và thống nhất cho hoạt động cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm thi hành, với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế, cũng như những hạn chế, bất cập trong nội dung quy định, Luật Cạnh tranh năm 2004 cần phải được sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn.

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi Luật Cạnh tranh năm 2004 được xác định là sửa đổi một cách cơ bản và toàn diện. Dự thảo Luật được xây dựng có tổng số 121 điều, được bố cục thành 9 chương.

Các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Cạnh tranh nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tăng cường hiệu quả, hiệu lực và tính minh bạch trong thực thi pháp luật về cạnh tranh, phù hợp với các cam kết quốc tế, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại phiên họp sáng 15/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Nhiều ý kiến cho rằng, Luật được xây dựng phải đáp ứng được yêu cầu là tạo lập, duy trì và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường, từ đó tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, nâng cao hiệu quả kinh tế; các quy định phải được xây dựng theo hướng bảo đảm bao quát được nhiều dạng thức kinh doanh ngày càng phức tạp của doanh nghiệp trên thị trường…

Thảo luận về phạm vi điều chỉnh của Luật, đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, quy định phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Luật Cạnh tranh hiện hành. Theo đó, không chỉ giới hạn hành vi hạn chế cạnh tranh được xác lập, thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam mà còn điều chỉnh cả hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ về tính khả thi của quy định này, nhất là trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần điều chỉnh hoạt động cạnh tranh trực tuyến không công bằng.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nêu cho rằng, đây là một đạo luật khó, trong xây dựng cần có sự tổng kết kỹ về thực tiễn cũng như tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, nhất là những vấn đề, quy định liên quan đến cạnh tranh ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Đại biểu Trần Đăng Ninh (Hòa Bình), đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đề nghị, các quy định của Luật phải được xây dựng bảo đảm được sự thống nhất, loại trừ các xung đột, mâu thuẫn với các luật chuyên ngành liên quan đến vấn đề cạnh tranh và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Cùng với đó, cần có các quy định cụ thể hơn nữa về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Một trong những nội dung được các đại biểu tập trung cho ý kiến và và còn có quan điểm khác nhau là quy định mô hình Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương hay thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh.

Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) quy định rõ về trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh như sau: 1- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cạnh tranh. 2- Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh. 3- Cơ quan cạnh tranh Quốc gia là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh, có nhiệm vụ tổ chức điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan cạnh tranh Quốc gia. 4- Các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh.

Còn Luật hiện hành quy định hệ thống cơ quan quản lý cạnh tranh của nước ta gồm Cục quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương và Hội đồng Cạnh tranh. Trong đó, Cục là cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh, ngoài ra còn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng và phòng vệ thương mại. Còn Hội đồng cạnh tranh lại là cơ quan phối hợp liên ngành. Tổ chức như vậy thì cơ quan quản lý cạnh tranh không đảm bảo vai trò độc lập. Do vậy, đa số đại biểu tán thành với việc thành lập Cơ quan cạnh tranh Quốc gia là cơ quan duy nhất quản lý về cạnh tranh. Tuy nhiên, một số đại biểu băn khoăn với phương án Chính phủ đề xuất là cơ quan này trực thuộc Bộ Công Thương.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) phân tích: Bộ Công Thương ngoài chức năng quản lý nhà nước thì cũng trực tiếp quản lý nhiều doanh nghiệp trực thuộc Bộ. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang có chủ trương thu gọn đầu mối, số lượng cơ quan trực thuộc Chính phủ cũng đã được quyết định cụ thể từ đầu nhiệm kì Quốc hội. Vì vậy để xử lý vấn đề này, đại biểu Thắng đề nghị quy định rõ hơn những hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước, đặc biệt là những lĩnh vực có các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương tham gia ngay trong dự thảo Luật. Đồng thời, Chính phủ cũng cần lường tính và quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan này để không xảy ra tình trạng thuận lợi cho cạnh tranh bất bình đẳng do cơ cấu tổ chức đặt ra.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia độc lập thuộc Chính phủ hoặc thuộc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh. Vì độc lập là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, hiệu lực của Cơ quan cạnh tranh Quốc gia.

Không đồng tình với việc thành lập cơ quan cạnh tranh, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đã dẫn ra 4 bất cập khi thành lập cơ quan cạnh tranh, đó là, tăng thêm độ lòng vòng của việc xử lý; tăng thêm tổ chức bộ máy biên chế; có khả năng dẫn đến việc đi trái nguyên tắc thực hiện quyền lực Nhà nước là có phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực; và đi ngược với cải cách tư pháp. Theo đại biểu, vụ việc cạnh tranh bao gồm 2 loại: một là vi phạm thỏa thuận cạnh tranh nhưng không vi phạm pháp luật. Điều này được xử lý bằng việc khởi kiện ra tòa án kinh tế, đây là bản chất kinh tế. Hai là nếu vi phạm pháp luật cạnh tranh thì tùy tính chất và mức độ có thể xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự, tùy theo tính chất. Do đó, đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo Luật nêu ra là không ổn với toàn bộ hệ thống pháp luật nói chung cũng như là luật tố tụng nói riêng.

Ngoài nội dung trên, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến những quy định cụ thể về tố tụng cạnh tranh; lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền; thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; chính sách của Nhà nước về cạnh tranh...

Theo chương trình, chiều nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao./.

Theo báo cáo thẩm tra dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, về mô hình Cơ quan cạnh tranh Quốc gia, trong Ủy ban Kinh tế có hai loại ý kiến:

- Loại ý kiến thứ nhất, tán thành Tờ trình của Chính phủ, đề nghị quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương trên cơ sở hợp nhất Cục cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh nhưng phải bảo đảm tính độc lập tương đối, hoạt động tuân theo pháp luật.

- Loại ý kiến thứ hai, đề nghị quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia độc lập thuộc Chính phủ hoặc thuộc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh. Độc lập là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, hiệu lực của Cơ quan cạnh tranh Quốc gia. Bộ Công Thương hiện nay vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh vừa thực hiện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nếu đặt Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương khó đảm bảo được tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh. Mặt khác, Cơ quan cạnh tranh Quốc gia vừa là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa có chức năng điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, vì vậy việc đảm bảo tính độc lập là nhu cầu khách quan.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy, để bảo đảm hiệu quả thực thi pháp luật về cạnh tranh phải xây dựng cơ quan cạnh tranh chuyên nghiệp, độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, có đủ năng lực và thẩm quyền trong việc xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật. Đề nghị không giao Chính phủ quy định mà quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Cơ quan cạnh tranh, đề cao vai trò, tăng cường trách nhiệm và bảo đảm hiệu quả hoạt động của Cơ quan cạnh tranh, bảo đảm cơ quan này có đủ thẩm quyền để thực thi pháp luật về cạnh tranh, thực hiện nhiệm vụ điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, tính minh bạch của các quy định về tố tụng cạnh tranh, bảo đảm quyền và lợi ích của các bên tham gia tố tụng cạnh tranh,khắc phục những bất cập nêu trong Báo cáo tổng kết 12 năm thi hành Luật Cạnh tranh.

 

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực