Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại phiên họp (Ảnh: KT)
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 14, sáng 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi Luật Cạnh tranh năm 2004 được xác định là sửa đổi một cách cơ bản và toàn diện. Dự thảo luật gồm có 212 điều, được bố cục thành 9 chương. So với Luật Cạnh tranh năm 2004, dự thảo Luật giữ nguyên 6 điều, sửa đổi 66 điều, bổ sung 49 điều và bãi bỏ 49 điều.
Thống nhất cần thiết phải sửa đổi Luật Cạnh tranh và nhiều nội dung của dự luật, song nhiều thành viên UBTVQH bày tỏ băn khoăn với tính độc lập của cơ quan cạnh tranh tại dự luật.
Theo dự thảo luật, quy định về cơ quan cạnh tranh được tiếp cận theo hướng nâng cao tính độc lập và thẩm quyền của cơ quan cạnh tranh để đảm bảo khả năng thực thi hiệu quả Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Theo đó, Cơ quan cạnh tranh Quốc gia là cơ quan duy nhất thực thi Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trên cơ sở hợp nhất 2 cơ quan hiện hành gồm cơ quan quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công thương) và Hội đồng Cạnh tranh. Cơ quan cạnh tranh Quốc gia là cơ quan trực thuộc Bộ Công thương.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đặt câu hỏi “Với địa vị pháp lý là cơ quan hành chính bán tư pháp, với rất nhiều quyền hành như vậy thì có phù hợp hay không?”.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thẳng thắn phát biểu: “Sửa luật cạnh tranh phải theo hướng xây dựng cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập với bộ chủ quản mới hy vọng bảo vệ tốt quyền lợi của người tiêu dùng”.
Bà Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ thông tin rõ thời gian qua, với cơ chế như hiện nay thì đã xử được bao nhiêu vụ việc cạnh tranh không lành mạnh? Còn với cơ chế vừa quản lý nhà nước vừa là cơ quan tố tụng cạnh tranh, lại vừa chủ quản của các doanh nghiệp thì có thể chống những bất cập thời gian vừa qua như lợi ích nhóm, sân sau, bắt tay ngầm hay không?.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng đề nghị cân nhắc tính độc lập của cơ quan cạnh tranh.
Trong khi đó, thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, những hạn chế trong mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh hiện hành là một trong những nguyên nhân dẫn tới những bất cập trong thực thi pháp luật về cạnh tranh. “Muốn có một cơ quan độc lập, không thể trực thuộc Bộ Công thương, nếu có thể trực thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội” – ông nhấn mạnh.
Về vấn đề này, giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, nghiên cứu đánh giá từ kinh nghiệm thực tiễn các nước cho thấy, dù cơ quan này nằm ở nhánh nào trong cơ quan quyền lực lập pháp, hành pháp, hay trực thuộc bộ chuyên môn của Chính phủ thì vẫn phải có vị trí pháp lý và khung cơ chế chính sách đi kèm để đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong điều hành và thực hiện chức năng của cơ quan quản lý về cạnh tranh.
Bộ trưởng cũng khẳng định, từ thực tế các nước thấy đa phần cơ quan này thuộc Chính phủ hay cơ quan của Chính phủ. Điều này cho phép trong hoạt động và điều hành của cơ quan quản lý cạnh tranh có sự linh hoạt, trong thực thi các nhiệm vụ liên quan, thực thi xây dựng môi trường đảm bảo cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức…
Tuy vậy, Bộ trưởng cũng thừa nhận có vướng mắc là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công thương hiện nay là xung đột trong việc xây dựng pháp luật cũng như thực thi pháp luật, chính sách. “Cơ quan của Bộ Công thương hay bất kỳ bộ, ngành nào thuộc Chính phủ thì cũng đều chịu xung đột ở khía cạnh này vì vừa là thành viên của chính phủ để xây dựng chính sách pháp luật, lại trực tiếp là cơ quan chủ quản của các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý nhà nước” – Bộ trưởng phát biểu.
Theo Bộ trưởng, dự thảo luật đã xây dựng những cơ chế, nguyên tắc cơ bản để đảm bảo sự vận hành, mức độ độc lập và thẩm quyền của cơ quan cạnh tranh.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định sẽ tiếp thu nghiêm túc những ý kiến phát biểu tại phiên họp, báo cáo Chính phủ để xin ý kiến xem xét về hình thức, tổ chức bộ máy của cơ quan cạnh tranh./.