Công nhân, viên chức, lao động cả nước chung tay, góp sức tạo thành sức mạnh dân tộc

Thứ hai, 24/09/2018 22:03
(ĐCSVN) – Với chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”, chiều 24/9, trong khuôn khổ Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động và các đại biểu dự Đại hội.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.

Đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước

Mở đầu sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội có vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống chính trị nước ta, đang phát huy vai trò tích cực trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Thủ tướng đánh giá cao việc Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quá trình diễn ra Đại hội. Đại hội đã thảo luận về một chủ đề rất lớn, rất quan trọng của đất nước, đang được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, đó là: “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: Minh Châu

Thủ tướng chia sẻ, đồng hành tức là chúng ta cùng đi, cùng bước, như người ta thường nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải cùng đi”. Việc “cùng đi” này rất quan trọng và thời gian qua, sự phối hợp công tác giữa Công đoàn với Chính phủ ngày càng chặt chẽ, nền nếp, qua đó, mang lại lợi ích thiết thực cho công nhân lao động.

Thủ tướng đặt ra một loạt các câu hỏi với các đại biểu: nhìn nhận của các đồng chí về thời cơ và thách thức đối với nước ta trong 5 đến 10 năm tới là gì? Các đồng chí có nhận xét gì về công tác điều hành của Chính phủ trong thời gian qua, cụ thể là từ đầu nhiệm kỳ đến nay? Các đồng chí có hiến kế gì cho Chính phủ để công tác chỉ đạo điều hành tốt hơn, hiệu quả hơn? Các đồng chí có nhận xét gì về năng suất lao động ở nước ta hiện nay và các giải pháp nâng cao năng suất lao động xét từ giác độ người lao động? Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất hiện nay như thế nào, cần có đột phá gì?

Về tổ chức công đoàn, Công đoàn đã tham gia tuyên truyền, vận động người lao động nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác như thế nào? tham gia cùng doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ra sao? Công đoàn làm gì để đại diện, chăm lo lợi ích và bảo vệ quyền lợi người lao động?

Xây dựng Chính phủ kiến tạo, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo thuận lợi cho tổ chức Công đoàn

Nhìn nhận về thời cơ và thách thức đối với nước ta trong 5 đến 10 năm tới, Chủ tịch Công đoàn Công thương Trần Quang Huy cho rằng trong nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề cao quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng thời khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đây là động lực phát triển bền vững của đất nước. Cùng với đó, Việt Nam chủ động hội nhập trong xu hướng khu vực hóa và toàn cầu hóa kinh tế, quan hệ kinh tế đối ngoại của nước ta được mở rộng và tăng nhanh. Đây là một trong những tác nhân quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong những năm qua và thời gian tới. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội để Việt Nam bắt kịp sự phát triển của các nước trên thế giới.

Tổ chức Công đoàn cũng có những thách thức, đó là việc ký kết thực hiện các cam kết về hội nhập, trong thời gian tới có khả năng sẽ hình thành các tổ chức đại diện cho người lao động ngoài tổ chức Công đoàn hiện nay, cạnh tranh trực tiếp với tổ chức Công đoàn; hoạt động của các tổ chức Công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước còn nhiều khó khăn.


Đại biểu nêu quan điểm với Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ - Ảnh: Minh Châu

Chủ tịch Công đoàn Công thương Trần Quang Huy mong muốn Thủ tướng tiếp tục xây dựng hiệu quả Chính phủ kiến tạo, tạo sự phát triển thuận lợi cho đất nước, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo thuận lợi cho tổ chức Công đoàn, tạo điều kiện quan tâm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng xã hội, nhất là nơi tập trung đông người lao động, hỗ trợ tổ chức Công đoàn xây dựng các thiết chế công đoàn.

Về vấn đề năng suất lao động, Chủ tịch LĐLĐ Thừa Thiên Huế Nguyễn Khoa Hoài Hương bày tỏ, năng suất lao động Việt Nam đang ở vị trí rất thấp so với khu vực và thế giới đồng thời chỉ rõ nguyên nhân là do nguồn nhân lực không có tay nghề; ý thức kỷ luật của người lao động chưa tốt; việc chia sẻ lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động chưa hài hòa; phúc lợi xã hội của doanh nghiệp với người lao động cũng chưa được tốt…

Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương đưa ra giải pháp, hằng năm, Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần thống kê số liệu định hướng cho người lao động về nhu cầu việc làm của các ngành, nghề để người lao động chuẩn bị kỹ năng, tay nghề; doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần có biện pháp nâng cao ý thức, sự chuyên nghiệp của người lao động, tạo tác phong công nghiệp khi làm việc; người lao động cần tự mình học hỏi, trang bị cho mình những kiến thức vững vàng nhất…

Chính phủ rất quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội, cách mạng công nghiệp 4.0

Giải đáp những kiến nghị của đại biểu liên quan đến vấn đề chính sách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội, thiết chế công đoàn… Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ rất quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội, nhất là các thiết chế của công đoàn cho người lao động, như trường học, nhà ở cho công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

“Chúng tôi đang thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội dành một phần trong đầu tư công để hỗ trợ lãi suất cho nhà ở xã hội. Nếu chúng ta có 1 đồng hỗ trợ lãi suất, chúng ta có thể huy động được 10 đồng qua các ngân hàng thương mại cùng một kênh nữa là qua Ngân hàng Chính sách. Chúng tôi hy vọng trong nhiệm kỳ này, với những đột phá, chúng ta sẽ gặt hái được kết quả tốt hơn”,  Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.


Các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với chia sẻ của Thủ tướng
và các Phó Thủ tướng tại Diễn đàn - Ảnh: Minh Châu

Trả lời câu hỏi của đại biểu Cao Thị Thắm, Chủ tịch CĐCS thuộc LĐLĐ tỉnh Quảng Nam về định hướng của Chính phủ giúp người lao động thích ứng với nền kinh tế có sức cạnh tranh cao và tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, vấn đề giúp người lao động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là mối quan tâm của toàn xã hội, không của riêng ai.

“4.0 giống như bao cuộc cuộc cách mạng khác, ban đầu đều có những khó khăn, bỡ ngỡ nhưng cuối cùng, chúng ta vẫn vượt qua và đi lên. 4.0 đặt ra vấn đề nếu không thận trọng thì máy móc hay trí khôn nhân tạo sẽ chi phối loài người. Đây là những cảnh báo được các nhà khoa học đưa ra. Song, tôi cho rằng, suy cho cùng - những thành tựu trong cuộc cách mạng 4.0 đều do con người tạo ra. Chúng ta thận trọng, sáng tạo, làm chủ công nghệ, ắt sẽ thắng lợi”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng.

Với người lao động Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thuận lợi có, khó khăn có, nhưng làm gì thì chúng ta cũng phải giữ được môi trường ổn định, hòa bình. Phải nâng cao được năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường kinh doanh, quản lý quản trị, tăng cường chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, Phó Thủ tướng gợi mở.

Tập trung hơn nữa vào nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chia sẻ, chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam được triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất, góp phần chăm lo tốt hơn cho người lao động.

Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, nhiều bộ trưởng và lãnh đạo các địa phương định kỳ đến với công nhân lao động, lắng nghe, chia sẻ, đối thoại về những vấn đề lớn mà người lao động đang thực sự bức xúc, quan tâm.

Nói về những thách thức, khó khăn của đất nước, chia sẻ khó khăn của người lao động, Thủ tướng cho rằng, cần nhận rõ những khó khăn, thách thức, nguy cơ để dũng cảm vượt qua bằng tinh thần, trí tuệ Việt Nam, bằng bản lĩnh người đảng viên, đoàn viên công đoàn cách mạng.


Phát biểu khép lại Diễn đàn, Thủ tướng mong muốn CNVCLĐ
cả nước góp sức tạo thành sức mạnh cả dân tộc - Ảnh: Minh Châu

Thủ tướng chỉ rõ: Đó là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ chống phá, chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", xa rời lý tưởng của Đảng, xa rời lợi ích của nhân dân và mục tiêu xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đó là nguy cơ tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực xã hội, làm suy yếu Đảng, chính quyền. Nguy cơ về bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước, nhất là chủ quyền biển, đảo trước âm mưu, thủ đoạn của các nước lớn.

Trong khi đó, một bộ phận người dân, trong đó có công nhân, viên chức, lao động thu nhập còn thấp, đời sống khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần; phần lớn công nhân phải làm thêm giờ mới đủ trang trải cuộc sống. Tình trạng vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội còn nhiều; các thiết chế phục vụ công nhân thiếu trầm trọng.

“Những khó khăn trên, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hết sức chia sẻ với một bộ phận công nhân, viên chức, lao động và tự thấy một phần trách nhiệm của mình trong đó”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng mong muốn, công nhân, viên chức, lao động cả nước mỗi người một tay, góp sức chung tạo thành sức mạnh cả dân tộc, tham gia nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước. Muốn vậy, mỗi người phải thường xuyên học tập, tự học, học suốt đời, học để thích nghi với bối cảnh tình hình mới, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, học để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, tay nghề, để hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp, để có năng suất cao, thu nhập tốt, để cuộc sống ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Tất cả người lao động Việt Nam, dù khu vực công hay tư đều phải nâng cao ý thức kỷ luật lao động, trang bị kiến thức pháp lý, tuân thủ giờ giấc, xây dựng tác phong lao động công nghiệp, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí.

Phải biết trân trọng và tự hào về kết quả công việc hay sản phẩm mà mình góp phần tạo nên. Cần coi trọng phương thức làm việc theo nhóm và xây dựng tập thể đoàn kết, gắn bó với cơ quan, doanh nghiệp, nỗ lực không ngừng vì lợi ích chung. Phải luôn đổi mới, sáng tạo, tích cực ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, công tác...

Người cán bộ, công chức, viên chức phải quán triệt tinh thần thượng tôn pháp luật, coi sứ mệnh của mình là tham mưu giỏi, phục vụ tốt, gần gũi, gắn bó với nhân dân. Từng người đổi mới, từng cơ quan, doanh nghiệp đổi mới, góp gió sẽ thành bão, khi đó sẽ tạo nên phong trào đổi mới trong toàn xã hội, sẽ tạo ra năng suất lao động mới cao hơn.

Thủ tướng đề nghị Công đoàn Việt Nam cần quan tâm đầu tư xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động ứng phó với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, về nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động, về công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật và nghề nghiệp cho đoàn viên, người lao động, về xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu mới.

Phải tập trung hơn nữa vào nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, có giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng; có ý thức công dân, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực