Củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Việt Nam - Iran

Thứ hai, 16/04/2018 20:18
(ĐCSVN) - Trao đổi về tình hình hợp tác hai nước, hai Chủ tịch Quốc hội cùng ghi nhận tại Kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban Hỗn hợp giữa hai nước (từ 15-16/7/2017), hai bên đã trao đổi và thống nhất nhiều biện pháp tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực: nông nghiệp, thủy sản, năng lượng, khai khoáng, dầu khí, viễn thông, ngân hàng…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Hồi giáo I-ran A-li La-ri-gai-li

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước Cộng hòa Hồi giáo I-ran (Iran) do Ngài A-li La-ri-gai-li (Ali Ardeshir Larijani), Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu thăm chính thức Việt Nam từ ngày 15-18/4.

Sáng 16/4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì lễ đón chính thức Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Hồi giáo I-ran A-li La-ri-gai-li cùng đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội I-ran. Ngay sau lễ đón, hai bên tiến hành hội đàm.

Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Quốc hội I-ran A-li La-ri-gai-li và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội nước Cộng hòa Hồi giáo I-ran thăm chính thức Việt Nam. Đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm của Đoàn, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, chuyến thăm sẽ góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ  hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa nhân dân hai nước.

Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Hồi giáo I-ran A-li La-ri-gai-li cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã mời thăm chính thức Việt Nam; bày tỏ vui mừng và tự hào về những thành quả kinh tế-xã hội mà Việt Nam đạt được. Chúc mừng Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26), Chủ tịch Quốc hội I-ran A-li La-ri-gai-li cho rằng, chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này là nền tảng thúc đẩy quan hệ nghị viện hai nước.

Trao đổi về tình hình hợp tác hai nước, hai Chủ tịch Quốc hội cùng ghi nhận tại Kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban Hỗn hợp giữa hai nước (từ 15-16/7/2017), hai bên đã trao đổi và thống nhất nhiều biện pháp tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực: nông nghiệp, thủy sản, năng lượng, khai khoáng, dầu khí, viễn thông, ngân hàng…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ thúc đẩy triển khai để sớm đạt mục tiêu đưa kim ngạch song phương lên 2 tỷ USD mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí, đồng thời tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể. Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội I-ran A-li La-ri-gai-li khẳng định, với tiềm năng sẵn có, hai bên hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu này; đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, Iran có thể hỗ trợ Việt Nam, và cung cấp cho Việt Nam các sản phẩm hóa dầu, khí hóa lỏng, nhựa đường...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm với Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Hồi giáo I-ran A-li La-ri-gai-li

I-ran cũng mong muốn học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp từ Việt Nam. Hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác trong những lĩnh vực I-ran có thế mạnh như: dược phẩm, thiết bị y tế, kết nối ngân hàng, du lịch-văn hóa, phim, truyền hình, trao đổi giảng viên, sinh viên đại học. Hiện hai bên đã mở một số chuyến bay thuê bao, thời gian tới cần hướng tới việc mở đường bay thẳng hai nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, du lịch…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, công nghệ thông tin và viễn thông là lĩnh vực có tiềm năng hợp tác lớn. Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này thành khâu đột phá trong hợp tác song phương, qua đó đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khác. Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) rất quan tâm đầu tư tại thị trường viễn thông I-ran; đề nghị I-ran quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để Viettel tham gia vào dự án viễn thông tại Iran.

Chủ tịch Quốc hội I-ran A-li La-ri-gai-li nhấn mạnh, chuyến thăm lần này của đoàn cũng là để lắng nghe các ý kiến đề xuất từ các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư tại I-ran để từ đó tìm biện pháp tháo gỡ, đẩy mạnh hợp tác. Cùng với đó, I-ran sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ, Việt Nam mong sớm nhận được Công hàm của I-ran ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, như đã khẳng định trong cuộc gặp của Lãnh đạo cấp cao hai nước. Nhất trí nội dung này, Chủ tịch Quốc hội I-ran cho biết sẽ đề xuất với bộ ngành hữu quan Iran.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại các Hội nghị Không liên kết gần đây, một số nước thành viên không liên kết bên ngoài khu vực Đông Nam Á đã phản đối cập nhật của ASEAN về phần Đông Nam Á trong Văn kiện Hội nghị Không liên kết. Việc làm này là đi ngược lại cách làm và nguyên tắc của Phong trào Không liên kết là đoàn kết, độc lập, không chịu sức ép, can thiệp từ bên ngoài. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị I-ran tiếp tục ủng hộ và bảo vệ các nguyên tắc này, vì sự đoàn kết của Phong trào trong thời gian tới.

Về hợp tác Quốc hội hai nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, quan hệ Nghị viện là một kênh quan trong trong triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam, đồng thời mong muốn trong thời gian tới, Quốc hội hai nước thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt giữa các Ủy ban chuyên môn nhằm chia sẻ kinh nghiệm lập pháp và giám sát; hai bên cần phát huy hơn nữa vai trò của Nhóm Nghị sỹ hữu nghị hai nước trong việc thúc đẩy hợp tác giữa hai Quốc hội nói riêng và hai nước nói chung. Hai nhà lãnh đạo cũng thống nhất, thời gian tới tăng cường vai trò giám sát và thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận mà hai nước đã ký kết, trong đó có những thỏa thuận mà Ủy ban liên chính phủ hai nước đã bàn bạc, thống nhất.

Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Về tình hình Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên, nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Chủ tịch Quốc hội Iran A-li La-ri-gai-li nhất trí cho rằng, trong giải quyết xung đột, tranh chấp, cũng giống Việt Nam, I-ran ưu tiên các giải pháp thông qua con đường ngoại giao.

Trước đó, sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội I-ran A-li La-ri-gai-li và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước Cộng hòa Hồi giáo I-ran đã đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Nhà sàn Bác Hồ.

Tin, ảnh: Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực