Cảng Cái Rồng nằm ở phía đông thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Incheon (Hàn Quốc): từ cảng nghèo tới thành phố tiềm năng phát triển thứ 2 thế giới
Nhắc tới đặc khu kinh tế Incheon, người dân Hàn Quốc vẫn tự hào ca ngợi đây là “thành phố quốc dân” - biểu tượng cho sự phát triển của đất nước. Hội tụ những lợi thế đặc trưng về vị trí - nằm giữa bán đảo Hàn Quốc, trung tâm của biển Tây, gần nhiều thành phố quan trọng của Trung Quốc - là điều kiện để hình thành mạng lưới giao thương hàng hải và hàng không quốc tế, tháng 8/2003, Incheon được lựa chọn trở thành một trong ba đặc khu kinh tế đầu tiên của Hàn Quốc.
Với mục tiêu xây dựng Incheon trở thành đô thị trung tâm của khu vực Đông Bắc Á, Hàn Quốc đã áp dụng những chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, chú trọng phát triển giáo dục, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường sống tiêu chuẩn quốc tế và tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng hiện đại.
Năm 2016, nếu tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hàn Quốc đạt trên 2,4 tỷ USD thì đặc khu kinh tế Incheon đã thu được hơn 1,5 tỷ USD, chiếm tới 65%. Sân bay quốc tế Incheon liên tục soán ngôi đầu trong top sân bay chất lượng tốt nhất thế giới, công suất đón tới 62 triệu lượt khách/ năm.
Từ vùng đất cảng nghèo nàn, chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh Triều Tiên trong nửa cuối thập niên 90, bằng những hướng đi táo bạo nhưng hợp lý của chính phủ Hàn Quốc, Incheon đã hoàn thành giấc mộng đổi đời, trở thành trung tâm phát triển lĩnh vực logistics, kinh doanh dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng và giải trí của cả vùng Đông Bắc Á.
Từ năm 2013, Incheon đã được chính phủ bình chọn là “thành phố tốt nhất Hàn Quốc”. Và mới đây, Viện nghiên cứu Economics của Anh đã đánh giá đây là thành phố có tiềm năng phát triển lớn thứ hai thế giới cho tới năm 2025. Bài học thành công từ Incheon chính là động lực thúc đẩy mạnh mẽ để chỉ 5 năm sau, chính phủ Hàn Quốc quyết định tiếp tục thành lập thêm 3 đặc khu kinh tế mới là Yellow Sea, Saemangeum-Gunsan và Daegu-Gyeongbuk.
Dubai: Biến cát thành vàng
Thành phố phía Nam vịnh Ba Tư hiện nay được ca ngợi là chốn phồn hoa của thế giới, nơi ai cũng ước đến một lần trong đời. Ngắm nhìn những tòa nhà chọc trời ẩn hiện trong mây, cụm đảo nhân tạo Palm – “kỳ quan thứ 8 của thế giới” nổi bật giữa đại dương xanh thẳm, những vườn hoa nghệ thuật tươi tắn mọc trên lớp cát nóng bỏng, và cả những cơn mưa nhân tạo giúp tưới mát các tòa nhà, ai có thể tưởng tượng chỉ vài chục năm trước, đây vốn chỉ là một dải cát khô cằn, bỏng rãy.
Nhiều người đã tưởng điều làm nên sự giàu có của Dubai chính là trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, nhưng không phải. Khác với các quốc gia còn lại thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), doanh thu từ dầu mỏ chỉ chiếm khoảng 6% đến 7% trong hàng trăm tỷ USD thu nhập của Dubai. Nguồn thu chính của thành phố là từ du lịch, dịch vụ tài chính và bất động sản.
Lịch sử đã chứng minh, phép màu giúp Dubai “biến cát thành vàng” chính là cuộc “cách mạng” kinh tế – thành lập các khu tự do tại UAE từ năm 1985. Trước kia, nếu UAE có tổng số 12 khu kinh tế tự do thì riêng tại Dubai đã chiếm 11 khu, được quy hoạch phát triển chi tiết theo hướng chuyên môn hóa trên đa dạng các lĩnh vực: kinh tế, du lịch, thể thao, khách sạn, triển lãm, tài chính, truyền thông, kinh tế, công nghệ, kiến trúc và xây dựng. Hơn 30 năm sau cuộc chuyển mình lịch sử, Dubai vẫn luôn là “từ khóa hot” của cả thế giới với những câu chuyện khó tin thú vị về sự giàu có như kẻ ăn xin cũng thu nhập tới 9.000 AED (tương đương 55 triệu đồng) mỗi ngày, những cây ATM rút vàng ròng hay robot được dùng để thay thế sức lao động trẻ em…
Có thể nói, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh mô hình kinh tế tự do đưa Dubai của UAE, cùng với Incheon (Hàn Quốc) hay Thâm Quyến của Trung Quốc, trở thành những bài học thành công kinh điển cho mô hình phát triển đặc khu kinh tế trên thế giới.
Nhìn lại câu chuyện đổi đời của những vùng đất giàu tiềm năng, dễ hiểu vì sao phát triển đặc khu kinh tế đang trở thành mô hình được nhiều quốc gia lựa chọn trong vòng nửa thế kỷ qua. Tiền thân cho đặc khu kinh tế là mô hình khu kinh tế mở hiện đại đầu tiên được thành lập tại Puerto Rico (vùng quốc hải ở phía Đông Bắc biển Caribe thuộc chủ quyền của Mỹ) năm 1942. Rồi dần được nhân rộng tại nhiều quốc gia châu Á, điển hình như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Phillippines, Singapore vào cuối thập niên 60, và đến nay trên toàn thế giới đã có 4.500 đặc khu kinh tế tại 140 quốc gia.
Ngoài câu chuyện thần kỳ Thâm Quyến, đến nay, Trung Quốc đã xây dựng mô hình đặc khu bên trong đặc khu lớn rất thành công. Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã lập tới 45 khu, trong đó 26 khu riêng ở Dubai. Malaysia cũng đang vận hành chuỗi đặc khu suốt 10 năm nay. Và quốc gia lân cận Indonesia sau khi ban hành Luật đặc khu vào năm 2009, đến nay đã thành lập 10 đặc khu ven biển rất thành công. Năm 2014, Myanmar thông qua Luật đặc khu và nay đang tiếp tục kiến tạo các khu kinh tế mới mở. Thậm chí, ngay quần đảo Cayman, lãnh thổ hải ngoại của Anh và nổi tiếng là một "thiên đường thuế suất", cũng mở một đặc khu kinh tế. Không dừng lại ở việc thử nghiệm một hình mẫu phát triển đã chứng minh sự thành công suốt nhiều thập niên qua, các quốc gia như Đức, Mỹ còn đi xa hơn nữa để đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (dự kiến sẽ diễn ra trong vòng 15 – 20 năm tới). Hàn Quốc và Thái Lan đang thử nghiệm các khu công nghiệp - sinh thái… Như vậy, những công thức cải tiến cho đặc khu kinh tế vẫn xuất hiện mỗi ngày như xu thế tất yếu của cải cách, phát triển.
Vân Đồn (Quảng Ninh): Cơ hội trở thành đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt
Nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Quảng Ninh, Vân Đồn có tổng diện tích 2.171 km2, trong đó diện tích đất nổi là 551,3 km2, diện tích biển là 1.620 km2 được tập hợp trên 600 hòn đảo lớn nhỏ; hình thành 2 tuyến đảo: Kế Bào và Vân Hải. Huyện Vân Đồn có 12 đơn vị hành chính, gồm 01 thị trấn và 11 xã, có 79 thôn, khu; trong đó có 06 xã thuộc vùng khó khăn, bãi ngang, 03 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Hiện nay, dân số toàn huyện trên 4,6 vạn người, với 10 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 13%, phần lớn tập trung ở các xã: Bình Dân, Đài Xuyên, Vạn Yên.
Vân Đồn nằm trong quần thể vịnh Bái Tử Long và Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, có giá trị khác biệt về cảnh quan, hệ sinh thái vô cùng đa dạng và phong phú, cảnh quan thiên nhiên đẹp, có Vườn quốc gia Bái Tử Long (được công nhận Vườn Asean); có nhiều bãi tắm đẹp: Minh Châu, Sơn Hào, Quan Lạn, Ngọc Vừng...; đồng thời là một vùng đất giàu về văn hóa lịch sử và văn hóa tâm linh: có thương cảng cổ Vân Đồn từ thế kỷ XI (thời vua Lý Anh Tông), có Đền thờ Lý Anh Tông (thị trấn Cái Rồng), hệ thống đình - chùa - miếu nghè (Quan Lạn), Đền Cặp Tiên (xã Đông Xá), chùa Cái Bầu (xã Hạ Long).
Ngày 19/8/2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn, trong đó xác định: Vân Đồn là khu kinh tế tổng hợp được vận hành theo quy chế riêng nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và vùng Duyên hải Bắc Bộ; là trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp vùng Bắc Bộ; là đầu mối giao thương quốc tế, động lực chính để phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; đảm bảo an ninh, quốc phòng khu vực Đông Bắc của Tổ quốc...
Đặc biệt, ngày 17/3/2017 Bộ Chính trị đã có thông báo đồng ý cho thành lập ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) trực thuộc cấp tỉnh.
Với vị trí địa lý thuận lợi và có nhiều tiềm năng thế mạnh, khi trở thành đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt là điều kiện thuận lợi cho Vân Đồn phát triển trở thành khu vực phát triển năng động, hiện đại tạo hiệu ứng lan tỏa cho vùng và cả nước; hình thành vùng động lực thu hút được nhiều nhà đầu tư, các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến đầu tư tại Khu hành chính kinh tế; thu hút đầu tư, tri thức và kinh nghiệm quản lý tiên tiến trong và ngoài nước. Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, hiện đại; góp phần trực tiếp thúc đẩy phát triển và tái cơ cấu cho tỉnh Quảng Ninh và lan tỏa ra các vùng trong cả nước. Thu hút được nhiều nhà đầu tư, các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến đầu tư tại Khu hành chính kinh tế
Để góp phần xây dựng thành công khu hành chính- kinh tế đặc biệt, huyện Vân Đồn và tỉnh Quảng Ninh đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương, về phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, tập trung quản lý quy hoạch, quản lý đất đai tài nguyên, môi trường và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch phục vụ cho các dự án.