(ĐCSVN) – Liên quan đến việc giá xăng dầu liên tục tăng từ 5/5 đến 20/5/2015, chiều ngày 21/5, bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, Đại biểu quốc hội Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề trên.
|
Đại biểu Bùi Đức Thụ trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13. (Ảnh: BL) |
Phóng viên (PV): Những ngày qua, giá xăng trong nước đã tăng tới hơn 3.000 đồng/lít, tạo thành cú sốc cho doanh nghiệp và người tiêu dùng không? Ông đánh giá thế nào về tình hình trên?
Đại biểu Bùi Đức Thụ: Việc tăng nhiều hay ít phụ thuộc vào biến động giá dầu trên thị trường thế giới và phụ thuộc vào Quỹ bình ổn giá (BOG) cũng như là mức thuế nhập khẩu của chúng ta.
Căn cứ vào các yếu tố trên thì liên bộ Tài chính-Công Thương sẽ rà soát trình tự điều chỉnh và quy trình này cũng đã được quy định rõ tại Nghị định 83/CP về kinh doanh xăng dầu. Như vậy, với quy định hiện hành, tôi cho rằng việc này là hợp lý.
Phải nói thêm, việc tăng giá xăng dầu vừa qua, tăng 2 lần với mức độ lớn rõ ràng điều này tác động đến sản xuất kinh doanh vì xăng dầu là yếu tố đầu vào với nhiều ngành, đặc biệt chiếm tỷ trọng lớn đối với vận tải. xăng dầu Với một số lĩnh vực khác thì tác động trong cơ cấu giá thành tuy có thấp hơn nhưng yếu tố đầu vào ra thì thuận lợi…. nhưng việc tăng giá quá cao có thể tác động đến sản xuất kinh doanh, đặc biệt là yếu tố đầu vào từ xăng dầu.
PV: Ông đánh giá thế nào về câu chuyện khi doanh nghiệp công bố lãi mà thị trường lại tăng giá?
Đại biểu Bùi Đức Thụ: Thứ nhất, trách nhiệm giải trình là của các bộ, ngành quản lý của nhà nước trong lĩnh vực đó phải trả lời, giải trình vấn đề xã hội, dư luận đã nêu. Thứ hai, lãi của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có thể là giá cả đầu ra của sản phẩm hàng hóa.
Tiếp đến là nếu giá cả đầu ra tương đối bình ổn thì việc tiết giảm chi phí của các tổ chức cá nhân, quản lý cải tiến công nghệ, tiết giảm chi phí cũng đồng nghĩa với việc tăng lợi nhuận. Ở đây theo tôi việc tăng lợi nhuận của một doanh nghiệp cần phải làm rõ nguyên nhân của nó và các yếu tố tác động đến vấn đề này.
Về phía nhà nước thì đối với những ngành hàng nhà nước quản lý, tức là điều chỉnh, quy định về giá thì cố gắng không nên để lợi nhuận tăng bằng cơ chế khác. Nhà nước luôn ủng hộ việc doanh nghiệp có lợi nhuận tăng nhưng phải là do tiết giảm kinh phí, cải tiến quản lý và đổi mới công nghệ.
Thực tế, việc điều chỉnh giá xăng đã có quy định rồi. Việc điều chỉnh giá là của một cơ quan liên bộ xem xét các số liệu thị trường trên cơ sở đề nghị của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Khi thẩm định đúng, nhà nước mới cho phép điều chỉnh.
Hơn nữa việc tăng giá cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp hàng năm đều được đưa vào kiểm toán nhà nước, nên những số liệu này tôi cho rằng cũng đã được xác định nếu như có quyết định chưa thực sự hợp lý thì chắc chắn các cơ quan kiểm toán và cơ quan quản lý nhà nước sẽ xác định rõ./.
PV: Có ý kiến cho rằng tại sao lại tăng giá mà không điều chỉnh bằng thuế xuất nhập khẩu. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Đại biểu Bùi Đức Thụ: Điều chỉnh tăng giá hay sử dụng quỹ bình ổn giá, giảm thuế nhập khẩu theo hệ thống công cụ để điều chỉnh mục tiêu bình ổn giá xăng dầu. Điều chỉnh theo công cụ nào thì theo thực tiễn. Trong bối cảnh hiện nay, việc điều chỉnh giá hợp lý của chúng ta là cần thiết.
PV: Xin cảm ơn ông!