Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Canada Justin Trudeau
là dấu mốc quan trọng, nhằm nâng tầm quan hệ Việt Nam - Canada.
(Ảnh minh họa. Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Canada)
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Canada Justin Trudeau diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Canada phát triển tích cực đem lại lợi ích nhiều mặt, thiết thực và cùng có lợi cho cả hai nước.
Nằm ở Bắc Mỹ, phía Nam giáp Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, phía Bắc giáp bang Alaska (Hoa Kỳ) và Bắc Cực, phía Đông giáp Đại Tây Dương, phía Tây giáp Thái Bình Dương. Canada có diện tích, 9.984.670 km2, lớn thứ 2 thế giới sau Nga; dân số, 36,3 triệu người chia thành 10 tỉnh và 3 vùng lãnh thổ. Canada theo chế độ Quân chủ lập hiến. Người đứng đầu nhà nước là Nữ hoàng Anh Elizabeth II (được đại diện bởi một viên Toàn quyền người Canada do Thủ tướng Canada đề nghị và được Nữ hoàng chấp thuận, nhiệm kỳ 5 năm). Ngày 1/10/2010, ông David Johnston chính thức tuyên thệ trở thành Toàn quyền thứ 28 của Canada, thay bà Toàn quyền Jean Michëalle. Ngày 18/3/2015, Thủ tướng Stephen Harper gia hạn nhiệm kỳ của Toàn quyền D.Johnston thêm 2 năm, đến tháng 9/2017.
Quốc hội gồm Thượng viện (105 ghế) và Hạ viện (308 ghế). Ngày 2/8/2015, Thủ tướng S.Harper quyết định tăng số ghế trong Hạ viện Canada từ 308 ghế lên 332 ghế tại cuộc tổng tuyển cử ngày 19/10/2015. Điều này có nghĩa các đảng phái phải giành được 170 ghế để có thể nắm đa số tại Hạ viện. Thượng nghị sỹ do Toàn quyền cử theo khuyến nghị của Thủ tướng, làm việc đến 75 tuổi. Hạ nghị sỹ do dân bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm. Chủ tịch Thượng viện hiện là ông George Furey; Chủ tịch Hạ viện hiện là ông Geoff Regan.
Thủ tướng Canada là lãnh đạo của đảng dẫn đầu trong tổng tuyển cử (giữ nhiều ghế nhất tại Hạ viện) hoặc liên minh đa số ghế tại Hạ viện cử ra, sẽ lập nội các. Năm chính đảng có nghị sỹ được bầu vào Quốc hội liên bang trong cuộc bầu cử 2011 là đảng Bảo thủ (đảng cầm quyền), đảng Dân chủ Mới (đối lập chính thức), đảng Tự do, Khối Người Quebéc và đảng Xanh. Thủ tướng hiện nay của Canada là Justin Trudeau (đảng Tự do, từ 6/11/2015).
Sau tổng tuyển cử liên bang (19/10/2015), đảng Tự do đã giành thắng lợi áp đảo (chiếm 184/338 ghế tại Hạ viện Canada) và lập chính phủ mới (11/2015) do ông Justin Trudeau làm Thủ tướng. Chính phủ của Thủ tướng Trudeau đang triển khai chính sách đối nội, đối ngoại với mục tiêu hàng đầu là lấy lại vị thế về chính trị, kinh tế và quân sự của Canada như một cường quốc tầm trung.
Chính phủ Trudeau triển khai chính sách đối nội với khẩu hiệu “thay đổi thật sự”, tiến hành nhiều chính sách cải cách kinh tế - xã hội để vực dậy nền kinh tế, thúc đẩy đồng thuận và hài hòa phúc lợi của các tầng lớp, sắc tộc trong xã hội, đẩy mạnh công khai minh bạch trong quản lý và điều hành chính phủ.., bước đầu đem lại một số kết quả tích cực, mức độ tín nhiệm khá cao. Kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi sau giai đoạn suy thoái 2011 – 2015. GDP năm 2016 của Canada đạt mức 1,592 tỷ USD, tăng 1,03% so với 1% của năm 2015, thấp hơn nhiều mức trung bình 3,4% của giai đoạn 2008 - 2010 khi Canada được ghi nhận có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu trong các nước G7. Đến nay, uy tín của Thủ tướng Trudeau ở mức khá cao. Chính phủ Trudeau cũng chú ý hơn việc củng cố sức mạnh quốc phòng qua việc chuẩn bị ra Báo cáo rà soát quốc phòng lần đầu tiên sau 20 năm và lên kế hoạch đầu tư nâng cấp hạm đội hải quân.
Chính phủ mới chủ trương khôi phục vai trò truyền thống của Canada trên trường quốc tế, coi trọng và tăng cường vai trò tại các diễn đàn và cơ chế đa phương, tham gia xử lý các vấn đề khu vực, quốc tế, các vấn đề toàn cầu (gìn giữ hòa bình, chống biến đổi khí hậu, khủng bố hồi giáo cực đoan, tị nạn…), quan hệ với các nước đồng minh ở Bắc Mỹ và Tây Âu tiếp tục là ưu tiên hàng đầu, coi trọng quan hệ với các nước lớn như Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, quan tâm hơn vấn đề dân chủ, nhân quyền…
Trong bối cảnh châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động, vị thế ASEAN được tăng cường, thu hút sự quan tâm của nhiều nước lớn, Canada chủ trương gắn kết hơn với khu vực, chủ động thúc đẩy những cơ hội hợp tác mới, coi trọng vai trò của ASEAN, coi trọng vai trò của các cơ chế, diễn đàn đa phương của khu vực như APEC, EAS, ADMM+…
Việt Nam và Canada thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Từ năm 1994, hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Tháng 9/2014, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã ký Ý định thư nhằm củng cố và thúc đẩy quan hệ hai nước. Tháng 7/2017, Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao lần đầu tiên diễn ra (được nâng cấp từ tham khảo chính sách cấp Vụ trưởng). Các cuộc tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao hai nước, trao đổi đoàn các cấp được tăng cường, hợp tác được thúc đẩy trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, giáo dục – đào tạo và hỗ trợ - phát triển.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada ở Đông Nam Á, là thị trường ưu tiên của Chương trình hành động thị trường toàn cầu của Canada, thương mại hai chiều tăng ổn định những năm gần đây, khoảng 20 – 25%/năm, đạt 4,1 tỷ USD năm 2016 và 2,34 tỷ USD trong 8 tháng năm 2017 (tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái). Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Canada vẫn là máy móc, thiết bị điện và điện tử, đồ gỗ, dệt may, giày dép… Việt Nam nhập khẩu từ Canada các mặt hàng chính như phân bón, đậu tương và hạt có dầu, máy móc, thiết bị, phụ tùng... Hai nước đặt mục tiêu trao đổi thương mại đạt mức 10 tỷ USD trong 10 năm tới.
Hiện Canada đứng thứ 14/112 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 149 dự án trị giá 5,28 tỷ USD. Một số dự án lớn như khu du lịch Hồ Tràm ở Bà Rịa – Vũng Tàu 4,2 tỷ USD; Dự án xây bệnh viện ở Hải Dương 220 triệu USD; Dự án công ty trách nhiệm hữu hạn Năng lượng gió tại Ninh Thuận 74,4 triệu USD; Công ty bảo hiểm Manulife 50 triệu USD...
Từ năm 1990, Canada thuộc nhóm nước đi đầu viện trợ phát triển (ODA) cho Việt Nam, tập trung vào cải cách kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nông nghiệp, môi trường với tổng giá trị hơn 800 triệu USD. Gần đây Canada đã công bố khoản ODA trị giá 12,9 triệu đô la Canada cho dự án phát triển hợp tác xã Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020 (tháng 11/2015); khoản viện trợ 15 triệu đô la Canada hỗ trợ Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu; viện trợ 15,2 triệu đô la Canada cho 2 dự án an toàn thực phẩm – Safegrow dành cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tháng 12/2015, Bộ trưởng Phát triển – Pháp ngữ Canada thăm Việt Nam khẳng định tiếp tục dành ODA cho Việt Nam. Hiện tổng giá trị các dự án ODA còn hiệu lực với Việt Nam là hơn 60 triệu đô la Canada.
Trong 10 năm qua, số du học sinh Việt Nam tại Canada tăng gấp đôi, với hơn 5.000 học sinh, sinh viên, đưa Việt Nam trở thành nước có số du học sinh tại Canada lớn nhất trong số các nước ASEAN. Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ với các tổ chức giáo dục CBIE, MYTACS và Đại học McGill của Canada (đào tạo Pháp ngữ, công nghệ).
Về an ninh – quốc phòng, hai nước tiếp tục duy trì trao đổi đoàn các cấp, tiếp xúc bên lề các diễn đàn khu vực, quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, huấn luyện quân sự, đào tạo tiếng Anh, hợp tác chống tội phạm, khủng bố, an ninh cảng, cứu trợ nhân đạo, nhập cư. Tháng 9/2016, Ngoại trưởng Canada trong chuyến thăm Việt Nam đánh giá cao Việt Nam trong bảo vệ quyền của cộng đồng đồng tính (LGBT), coi đây là một phần quan trọng trong chính sách bảo vệ quyền con người của Việt Nam.
Việt Nam hết sức coi trọng việc tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với Canada, trong đó có hợp tác cấp độ địa phương giữa hai nước. Hai bên thúc đẩy hợp tác và kết nối giữa các địa phương tương đồng của hai nước như: Hà Tĩnh với Langley (tỉnh bang British Columbia); Thành phố Hồ Chí Minh với Toronto (tỉnh bang Ontario); Đà Nẵng với Vancouver… Hiện phía Canada triển khai các dự án viện trợ phát triển về đào tạo nghề, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong phát triển nông nghiệp tại một số địa phương: Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang và Vĩnh Long.
Hiện có khoảng 250.000 người Việt Nam sinh sống tại Canada. Đây sẽ là cầu nối quan trọng để hai nước tăng cường hợp tác hơn nữa trên mọi lĩnh vực. Vị thế của cộng đồng người Việt trong xã hội Canada ngày càng tăng cả trên lĩnh vực chính trị và kinh tế - xã hội. Nhiều nhà khoa học nổi tiếng, chính trị gia là người Canada gốc Việt. Ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân người Canada gốc Việt ủng hộ đất nước, giúp đỡ Cơ quan đại diện của Việt Nam. Trong các trao đổi, tiếp xúc song phương ở các cấp, lãnh đạo Việt Nam đề nghị Canada quan tâm hỗ trợ để cộng đồng người Việt hội nhập với xã hội sở tại, đóng góp cho quan hệ hai nước.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Canana Justin Trudeau nhân dịp dự Hội nghị lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2017 là một dấu mốc quan trọng, nhằm nâng tầm quan hệ hai nước, tạo cơ sở để thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước thời gian tới theo hướng thực chất, hiệu quả hơn trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, hợp tác phát triển./.