Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển theo chiều sâu

Thứ hai, 26/12/2016 16:56
(ĐCSVN) - Sáng 26/12 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết ngành năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)

Những “điểm sáng” của ngành nông nghiệp

Năm 2016, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thiên tai xảy ra liên tiếp, kéo dài ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, có địa phương phải hứng chịu những đợt thiên tai “kép”, rất khốc liệt, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất. Cùng với đó, thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản phải đối mặt với các rào cản thương mại, cạnh tranh gay gắt bởi nhiều quốc gia đẩy mạnh xuất khẩu nông sản đã tác động mạnh đến kết quả hoạt động và thực hiện kế hoạch của toàn ngành.

Dù vậy, trên các lĩnh vực sản xuất của ngành nông nghiệp vẫn có nhiều “điểm sáng”. Cụ thể, trên lĩnh vực trồng trọt, mặc dù giảm tăng trưởng 0,9% do thiên tai, gây thiệt hại 908 nghìn ha trồng trọt, 1 triệu tấn lúa, tuy nhiên sản lượng một số cây công nghiệp, cây ăn quả, rau có thị trường tiêu thụ tốt vẫn tăng khá. Riêng cà phê tăng 5,5 nghìn tấn; cao su tăng 726 tấn, hồ tiêu tăng 16,1 nghìn tấn, chè tăng 12,3 nghìn tấn.

Chăn nuôi duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao với 5,4% do dịch bệnh được khống chế tốt, tình trạng sử dụng chất cấm và buôn lậu qua biên giới được quản lý chặt, xử lý nghiêm; đồng thời đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất. Chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô lớn liên kết theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; chăn nuôi hộ gia đình đã chuyển theo hướng áp dụng kỹ thuật tiên tiến và có kiểm soát hơn nên năng suất, chất lượng và hiệu quả được cải thiện.

Trên lĩnh vực thủy sản, hạn hán xảy ra tại các tỉnh Nam Trung bộ và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên, nhờ các chính sách được hỗ trợ kịp thời và nghiêm túc nên sản xuất thủy sản ở cả khai thác và nuôi trồng được duy trì, sản lượng đạt 6,7 triệu tấn, tăng 2,5%; giá trị sản xuất thủy sản cả năm dự kiến tăng 2,91% so với năm 2015.

Hầu hết các loại nông sản đều được tiêu thụ kịp thời, không xảy ra tình trạng ứ đọng, dư thừa. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 32,1 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2015; thặng dư thương mại đạt khoảng 7,5 tỷ USD. Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao như: cà phê, hạt điều, hạt tiêu,... Đặc biệt là mặt hàng rau quả đã đạt kim ngạch 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015; đồng thời toàn ngành vẫn duy trì được 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD.

Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng, tăng trưởng ngành đã được cải thiện. Theo số liệu ước tính, GDP của ngành đã tăng 1,2% so với 2015; giá trị sản xuất tăng 1,44%. Trong đó, các ngành đều có mức tăng trưởng khá như: chăn nuôi tăng 5,4%; lâm nghiệp 6,17%; thủy sản 2,91%. Đây là những kết quả đáng khích lệ của ngành nông nghiệp trong điều kiện chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu nặng nề trong năm 2016.

Nỗ lực phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững

Mặc dù vậy, nhìn nhận vào thực tiễn ngành nông nghiệp, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, vẫn còn nhiều khó khăn cần được quan tâm khắc phục. Điều này có thể thấy tăng trưởng ngành dù đã được phục hồi nhưng còn ở mức thấp và chưa đạt kế hoạch đề ra; việc triển khai thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành chưa được đồng bộ, đồng đều ở các địa phương, vẫn còn nhiều địa phương triển khai chậm, chưa quyết liệt.

Công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả chưa đồng đều giữa các địa phương, vùng miền, thu nhập và đời sống của người dân còn thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tình trạng nợ đọng ở một số địa phương chưa được giải quyết dứt điểm; công tác đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và khu vực hợp tác xã còn nhiều lúng túng. Kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao; nông, lâm trường quốc doanh mặc dù đã được chuyển đổi nhưng chưa thể thể hiện được hiệu quả rõ rệt; doanh nghiệp nông nghiệp năng lực còn hạn chế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong bối cảnh những khó khăn, thách thức được dự báo vẫn chưa giảm hơn so với năm 2016, năm 2017, toàn ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất; nâng cao khả năng cạnh tranh, cải thiện đời sống của dân cư nông thôn; quản lý và sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng ngành năm 2017 phấn đấu đạt khoảng 2,5-2,8%, giá trị sản xuất tăng 3-3,2%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 32-32,5 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%, tỷ lên xã đạt tiêu chí nông thôn mới từ 28-30%. Năm 2017, tiếp tục chọn là năm cao điểm hành động về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: BT)

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nông nghiệp, nông thôn luôn giữ vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Trong năm 2016 vẫn tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam, góp phần quan trọng cho quá trình phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những khó khăn, bất cập của ngành nông nghiệp nông thôn hiện nay. Riêng năm vừa qua, thiên tai xảy ra khốc liệt đã làm cả nước thiệt hại khoảng 1,7 tỷ USD – chiếm gần 1% GDP của cả nước. Theo Thủ tướng, chưa bao giờ, thiên tai lại xảy ra ở nước ta với mức độ liên tục và cường độ như vậy. Cùng với đó là những vấn đề bất cập trong công tác hạn điền, hoạt động tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Còn nhiều hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa xuống cấp; nhiều vấn đề cần quan tâm trong việc chuyển đổi một phần diện tích lúa sang sản xuất các cây, con có giá trị cao hơn,…

Trước những khó khăn trên, Thủ tướng đề nghị các địa phương chịu ảnh hưởng thiên tai lũ lụt vừa qua cần nhanh chóng khắc phục hậu quả của thiên tai, tổ chức một vụ Đông – Xuân “đặc biệt” về giống, cơ cấu cây trồng nhằm khắc phục sản xuất, đảm bảo vụ Xuân cho bà con.  

Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa ngành đi vào phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng, giá trị, không chạy theo sản lượng, số lượng. Phát triển mạnh các công nghệ chế biến tinh, chế biến sâu; xây dựng được những thương hiệu nông nghiệp của Việt Nam phát huy được lợi thế của quốc gia, địa phương, vùng miền gắn với chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, theo Thủ tướng, cần đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn có sức chịu đựng, chống chịu với thiên tai. Đồng thời, cần tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo Thủ tướng, những cơ chế, chính sách nào gây cản trở cho nông nghiệp cần được bãi bỏ. Bên cạnh đó, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các địa phương cần bám sát vào thực tiễn, nghiên cứu để làm tốt công tác xây dựng Nông thôn mới. Trong đó, cần ý thức được bản chất của xây dựng nông thôn mới là nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực