Đề nghị bổ sung quy định phòng cháy đối với chung cư cao tầng

Thứ sáu, 01/11/2024 10:33
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Đại biểu Vũ Hồng Luyến (Đoàn Hưng Yên) đề nghị bổ sung quy định phòng cháy đối với chung cư cao tầng, bởi thực tế nhiều chung cư cao tầng đã sử dụng từ lâu, hạ tầng xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ…

Sáng 1/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

Quang cảnh phiên họp sáng 1/11.

Nhiều chung cư cũ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Nêu quan điểm về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Vũ Hồng Luyến (Đoàn Hưng Yên) đề nghị bổ sung quy định phòng cháy đối với chung cư cao tầng. Bởi vì nhiều chung cư cao tầng đã sử dụng từ lâu, hạ tầng xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ…

Theo đại biểu Vũ Hồng Luyến, chung cư cao tầng là khu vực tập trung đông dân cư sinh sống, nguy cơ cháy, nổ cao. Nhiều chung cư cao tầng xây dựng từ lâu, trong quá trình sử dụng gây hư hỏng hoặc sửa chữa hệ thống kỹ thuật dẫn đến công tác ngăn cháy, chống cháy, cứu nạn, cứu hộ không còn đảm bảo.

Với lý lẽ trên, đại biểu Vũ Hồng Luyến cho rằng, cần có các quy định về hệ thống đường giao thông dẫn vào các tòa nhà chung cư cao tầng phải đảm bảo tối thiểu cho xe phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng có thể tiếp cận được khi cháy, nổ xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về người và tài sản của nhân dân.

Ngoài ra, kỹ năng thoát nạn là một kỹ năng cơ bản đặc biệt quan trọng đối với người dân trong bất kỳ một vụ cháy nào xảy ra. Để có thể bảo vệ bản thân, người xung quanh và giúp bớt thương vong cũng như làm tốt công tác phối hợp với lực lượng cứu nạn, cứu hộ khi có cháy, nổ xảy ra, đại biểu Vũ Hồng Luyến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định chi tiết và cụ thể hơn nữa về kỹ năng thoát nạn.

Đại biểu Vũ Hồng Luyến (Đoàn Hưng Yên)  

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) cũng nêu vấn đề các vụ cháy hiện thường xảy ra ở các nhà trong ngõ nhỏ và các chung cư cao tầng, đại biểu nhìn nhận, với trang thiết bị chữa cháy hiện nay thì rất khó tiếp cận để chữa cháy từ tầng 18 trở lên. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn về nguồn nước chữa cháy với các hạng mục này.

“Hiện nay, chúng ta đang chỉ tiếp cận một nguồn nước riêng biệt và từ các ao, sông, hồ để chữa cháy. Trong khi đó, chúng ta chưa tiếp cận được một nguồn nước rất quan trọng của các gia đình từ trên xuống để xử lý cho vấn đề chữa cháy để linh hoạt và kịp thời”, đại biểu nêu quan điểm.

Liên quan đến phòng cháy đối với nhà ở, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, các nhà ở chung cư hiện nay nên bố trí một ụ nước hoặc hệ thống vòi nước, dây dẫn, vòi xịt… để xử lý khi xảy ra sự cố cháy. Đồng thời cần khai thác các nguồn nước từ các hộ gia đình đã có, bố trí thêm các vòi nước dự phòng, vòi xịt để xử lý cho kịp thời.

 Cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu

 Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa)

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) nhấn mạnh, trong phòng cháy chữa cháy thì phòng cháy giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc phòng cháy, mà trực tiếp là thiết kế, sử dụng điện trong cơ quan, tổ chức, gia đình.

Đại biểu cho biết, Điều 7 dự thảo Luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên, điều luật này cũng chưa nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình. Đại biểu đề nghị bổ sung nội dung: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình phải chịu trách nhiệm chính trong việc phòng cháy, trong trường hợp để xảy ra cháy tại cơ quan, tổ chức, gia đình mình.

Cũng theo đại biểu, dự luật có quy định về phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện, tuy nhiên, chưa nêu rõ hệ thống thiết bị an toàn trong việc sử dụng điện cho sinh hoạt cũng như sản xuất, kinh doanh mà mới chỉ nêu chung chung các điều kiện an toàn phòng cháy.

“Cần nêu rõ hơn trong mỗi thiết bị sử dụng điện phải có hệ thống cầu chì, để khi xảy ra cháy, cầu chì sẽ tự ngắt nguồn điện, không gây cháy các phương tiện, thiết bị khác” đại biểu đề nghị./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực