Đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024

Thứ hai, 15/04/2024 17:09
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Chiều 15/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (trong đó có xem xét đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân).
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình 

Trình bày Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, nguyên tắc lập đề nghị của Chính phủ là ưu tiên đề xuất các dự án nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; kịp thời thực hiện các Kết luận của Bộ Chính trị về việc tổng kết thực hiện các nghị quyết về tư pháp, pháp luật; các yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Đồng thời ưu tiên đề xuất đưa các dự án nhằm: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; Chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Thực hiện các cam kết quốc tế; Bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp; Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật… 

Mặt khác, đề nghị Chương trình phải đảm bảo tính khả thi, tránh dồn nhiều dự án vào năm 2024; coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, không đưa vào Chương trình những dự án thiếu hồ sơ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Đặc biệt, năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ, do đó, việc xây dựng Chương trình cần đảm bảo các dự án được xem xét, cho ý kiến và thông qua trong năm 2025, hạn chế tối đa các dự án được xem xét, thông qua trong 02 nhiệm kỳ Quốc hội. Đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt, tính đến khả năng trong năm 2024 sẽ tiếp tục có các đề xuất bổ sung một số dự án vào Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, trên cơ sở các nguyên tắc trên, Chính phủ đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2024 như sau:

Tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), đề nghị lùi thời hạn trình 01 dự án (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật) từ Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Đồng thời bổ sung vào Chương trình 03 dự án, dự thảo gồm: 02 dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 01 kỳ họp (Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/06/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An) và 01 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), đề nghị bổ sung đối với 08 dự án: Bổ sung vào Chương trình thông qua đối với dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Bổ sung vào Chương trình cho ý kiến và thông qua theo quy trình 01 kỳ họp đối với dự án Dự án Luật Điện lực (sửa đổi); Bổ sung vào Chương trình cho ý kiến đối với 06 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Nhà giáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

“Sau khi bổ sung, Chương trình năm 2024 sẽ có 29 dự án, dự thảo do Chính phủ trình, tăng 09 dự án so với Chương trình đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua” - Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.

Trên cơ sở nguyên tắc đã nêu, Chính phủ cũng đề nghị Chương trình năm 2025 gồm 17 dự án. Đây là các dự án đã được xác định theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Tại phiên họp, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày tóm tắt Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Sau khi thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh Chương trình năm 2024, với 100% các ý kiến tán thành. Theo đó nhất trí điều chỉnh tiến độ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật từ Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Đồng thời, bổ sung vào Chương trình 2 dự thảo Nghị quyết gồm Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng và Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 theo quy trình 1 kỳ họp; bổ sung dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ./.

TG

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực