Đề nghị thanh tra, kiểm toán vào lĩnh vực nổi cộm về giáo dục, y tế

Thứ bảy, 23/10/2021 18:21
(ĐCSVN)– Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước tập trung vào những lĩnh vực nổi cộm, đang gây bức xúc trong dư luận gần đây như lĩnh vực y tế, giáo dục, triển khai chính sách liên quan đến COVID-19…

 Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, ngày 23/10, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

 51 người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng

 Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga đánh giá: Năm 2021, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được Chính phủ tích cực.

Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng của 27.316 lượt cán bộ, công chức, viên chức (tăng 52,5% so với cùng kỳ năm 2020).

 Năm 2021 có 51 người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 16 người, xử lý kỷ luật 35 người (khiển trách 16 người, cảnh cáo 10 người, cách chức 9 người).

Tuy nhiên, Chủ nhiệm UBTP chỉ ra, công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số bộ, ngành, địa phương, vẫn còn có những hạn chế, trong đó nhấn mạnh: Việc thực hiện trách nhiệm giải trình còn chưa đạt yêu cầu… Việc phát hiện vi phạm trong công tác này còn chưa phản ánh đúng tình hình thực tế.

Việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức ở một số cơ quan, đơn vị còn có trường hợp chưa bảo đảm; một số trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, thiếu minh bạch…; 

Vi phạm việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp còn xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị. 

 Đáng chú ý, tình trạng bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật, “móc ngoặc” giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước với doanh nghiệp… còn xảy ra trong nhiều lĩnh vực; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Việc xử lý vi phạm được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, chủ yếu là xử lý hành chính, kỷ luật.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga  thẩm tra báo cáo của Chính phủ. Ảnh: TL.

Tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu

Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra cũng khẳng định, năm 2021, việc phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng tại nhiều địa phương có chuyển biến tốt hơn. Công tác xét xử tội phạm tham nhũng cơ bản kịp thời, việc xét xử bảo đảm nghiêm minh…

Tuy nhiên, theo UBTP, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn có những hạn chế nhất định; có trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng xảy ra từ nhiều năm trước nhưng chậm được phát hiện, xử lý, gây ảnh hưởng đến công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu. Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn thấp.

 Tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau” trong các lĩnh vực đấu thầu, y tế

 Cơ bản tán thành với những đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng năm 2021, song Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho rằng, trong năm 2021, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tập trung vào một số lĩnh vực như:  Đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục...  Trong đó điển  hình: các vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh và tại Sở Y tế các tỉnh, thành phố: Sơn La, Đắk Lắk, Cần Thơ; vụ Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa;…

Bên cạnh đó, đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID -19. Tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực; tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN vẫn còn. 

 Trên cơ sở đó, UBTP đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương, nhất là việc tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

 “Đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan hữu quan tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tập trung hơn vào những lĩnh vực nổi cộm, đang gây bức xúc trong dư luận gần đây như lĩnh vực y tế, giáo dục, việc tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ và phòng, chống dịch bệnh COVID -19, việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện...”, Chủ nhiệm UBTP nhấn mạnh.

 Trong năm 2021, các Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã khởi tố mới 310 vụ tham nhũng, 665 bị can (tăng 20 vụ, 49 bị can); kết luận điều tra đề nghị truy tố 305 vụ, 804 bị can.

Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 415 vụ với 1.163 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 254 vụ với 631 bị cáo về các tội tham nhũng. Các Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân 06 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 22 bị cáo.

Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo: đã thụ lý điều tra 09 vụ, 27 bị can; trong đó khởi tố mới 05 vụ, 18 bị can; kết luận điều tra 03 vụ, 11 bị can. Đã truy tố 09 vụ/114 bị can (trong đó án mới 07 vụ/96 bị can). Đã xét xử 06 vụ/ 84 bị cáo.

Vy Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực