Để xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh hiệu quả phải tự chủ tối đa nguyên vật liệu

Thứ tư, 25/11/2020 15:22
(ĐCSVN) - Để xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh hiệu quả, tự chủ, phải tự chủ tối đa nguyên vật liệu, nhưng phải là nguyên vật liệu bằng hoặc tốt hơn về chất lượng và rẻ hơn so với nhập khẩu. Muốn đạt được điều đó, trước hết cần có quyết tâm chính trị cao và rõ ràng khoa học công nghệ phải đi trước, mở đường.
Đồng chí Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phát biểu đề dẫn. 

Ngày 25/11, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với sự tham dự của trên 300 đại biểu.

Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban Thường trực, Ban Kinh tế Trung ương; Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Hội thảo là nhằm phân tích, làm rõ thực trạng hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành công nghệ vật liệu của Việt Nam trong thời gian qua; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong phát triển công nghiệp vật liệu cũng như các mô hình, chính sách thí điểm, cách làm hay của địa phương, ngành/lĩnh vực hoặc doanh nghiệp cụ thể về thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển công nghiệp vật liệu; nhận diện bối cảnh, đề xuất các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, cơ chế, chính sách để thúc đẩy và nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là mục tiêu xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong công cuộc Đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay. Giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu hoàn thành công nghiệp hóa tiếp tục được xác định. Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về Định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại. Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII đặt mục tiêu đến năm 2025 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Hình ảnh tại Hội thảo. 

Để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam cần phải có những bước phát triển đột phá về công nghiệp. Trong đó, một trong những nhiệm vụ then chốt là phải phát triển được ngành công nghiệp vật liệu vì ngành này là một lợi thế phát triển của nước ta, có vai trò rất quan trọng cho phát triển công nghiệp quốc gia, góp phần bảo đảm xây dựng được một nền công nghiệp độc lập, tự chủ, phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã đề ra tại các nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên, các loại vật liệu sản xuất trong nước chưa thực sự trở thành nguồn nguyên vật liệu đầu vào chính cho các ngành công nghiệp sản xuất, cũng như chưa đáp ứng được các mục đích sử dụng khác cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, cho đến nay Đảng ta chưa có một nghị quyết hoặc kết luận tổng thể lãnh đạo về phát triển ngành công nghiệp vật liệu. Trước yêu cầu phát triển công nghiệp quốc gia cho giai đoạn mới, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi cần phải có cách tiếp cận và tư duy mới về phát triển công nghiệp vật liệu. Từ đó, cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng Đề án “Phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để trình Bộ Chính trị ban hành các quyết sách lãnh đạo phát triển ngành công nghiệp vật liệu đất nước trong thời gian tới. 

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết: Để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại và cần có những bước phát triển đột phá về công nghiệp.

Theo đồng chí Cao Đức Phát, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, phát triển công nghiệp vật liệu là vấn đề lớn đối với mọi quốc gia, nhất là đối với một đất nước đang thúc đẩy quá trình CNH, HĐH, một nền kinh tế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Để xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh hiệu quả, tự chủ, phải tự chủ tối đa nguyên vật liệu, nhưng phải là nguyên vật liệu bằng hoặc tốt hơn về chất lượng và rẻ hơn so với nhập khẩu. Muốn đạt được điều đó, trước hết cần có quyết tâm chính trị cao và rõ ràng khoa học công nghệ phải đi trước, mở đường.Tuy nhiên cần phải có tổ chức và cách làm phù hợp.

Đồng chí Cao Đức Phát, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo đã nghe các báo cáo tham luận về công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vật liệu thời gian qua và đề xuất cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Đại diện Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; về hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong ngành công nghiệp vật liệu từ năm 2010 đến nay và giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ; về nhu cầu thị trường và thực trạng đáp ứng trong ngành công nghiệp vật liệu ở Việt Nam hiện nay của đại diện Bộ Công thương và  về kinh nghiệm phát triển công nghệ vật liệu tại Hàn Quốc của Viện trưởng Viện V-KIST và các ý kiến tham luận của đại diện các ngành, lĩnh vực công nghiệp vật liệu của nước ta.

Theo các đại biểu dự Hội thảo, trước hết cần tập trung nghiên cứu phát triển các loại vật liệu trên cơ sở phát huy các nguồn tài nguyên nước ta sẵn có. Nước ta có trữ lượng Bô-xít, Volfram, Titan... rất lớn, nhưng phải tìm ra công nghệ khai thác và chế biến hiệu quả hơn thì mới có thể phát huy, làm giàu cho quốc gia.

Nước ta không có lợi thế để trồng bông, nhưng ngành dệt may dù phải nhập khẩu hầu hết nguyên vật liệu vẫn đang có lợi thế cạnh tranh khi giá nhân công còn rẻ. Về lâu dài lợi thế về nhân công giá rẻ sẽ mất dần. Ngành cần phải tìm ra các loại nguyên liệu thay thế cạnh tranh từ nguồn thực vật phong phú của xứ sở nhiệt đới.

Trong khi nhiều loại nông sản của nước ta xuất thô hoặc mới chỉ qua sơ chế, phần lớn vật tư như phân bón,nguyên liệu làm thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, máy móc nông nghiệp phải nhập khẩu. Điều đó làm ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh và hiệu quả của của ngành.

Như vậy, phải chăng KHCN cũng cần phải chú trọng nghiên cứu phát triển vật liệu phục vụ các ngành lợi thế của đất nước.

Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho KHCN, trong đó có KHCN về công nghiệp vật liệu. Tuy nhiên, cần bàn về cơ chế và chính sách để nguồn lực của Nhà nước được sử dụng có hiệu quả hơn. Cần có cơ chế để phát triển và phát huy cao năng lực của đội ngũ những người làm khoa học ở các viện nghiên cứu, đồng thời tạo điều kiện để cả xã hội, trước hết là cộng đồng các doanh nghiệp tham gia. Có như vậy mới tạo nên sức mạnh quốc gia bền vững. Sức mạnh ấy phải được xây dựng trên nền tảng phát triển năng lực nghiên cứu và chuyển giao KHCN trong nước, đồng thời tiếp thu và phát triển tri thức của thế giới cho phù hợp với điều kiện của đất nước./.

Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực