Đề xuất bổ sung nhiều đối tượng tinh giản biên chế

Thứ sáu, 27/10/2017 18:07
(ĐCSVN) – Thêm nhiều trường hợp tinh giản biên chế được đề xuất tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế vừa được công bố lấy ý kiến.

 

Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Theo dự thảo, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng tối đa 50% số biên chế đã được tinh giản và giải quyết chế độ nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật để tuyển dụng mới công chức, viên chức và  lao động hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, dự thảo Nghị định đã đề xuất thêm nhiều trường hợp tinh giản biên chế.

Theo đó, đề xuất bổ sung 4 trường hợp cán bộ công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật thuộc đối tượng tinh giản biên chế.

Cụ thể, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm cần đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn hoặc phải chuyển sang vị trí việc làm khác nhưng cá nhân không có nhu cầu, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng đồng ý.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên bị hạn chế năng lực hoàn thành công việc được giao, có thể bố trí việc làm khác nhưng cá nhân không có nhu cầu, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng đồng ý.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có phân loại đánh giá xếp vào mức không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm tinh giản biên chế và cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng đánh giá khó có thể tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ do năng lực hạn chế, đồng thời cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng đồng ý.

Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo do sắp xếp tổ chức bộ máy thôi giữ chức vụ lãnh đạo, có thời gian công tác còn dưới 03 năm, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng đồng ý.

Dự thảo Nghị định cũng đề nghị bổ sung trường hợp: “Những người đã là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền điều động, luân chuyển sang công tác tại các hội được giao biên chế và ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điểm đ, e, g Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP”.

Mặt khác, đề xuất bổ sung trường hợp: “Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp lại tổ chức bộ máy hoặc do thôi việc giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền”.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung cách tính trợ cấp, trình tự thực hiện tinh giản biên chế, thời hạn gửi kết quả thực hiện tinh giản biên chế...

Dự thảo Nghị định này được lấy ý kiến công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ từ ngày 26/10-26/12/2017.

Theo báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016:

Tổng số người tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP từ năm 2015 đến 30/8/2017 là 29.519 người (năm 2015 là 5.778 người, năm 2016 là 11.923 người và 7 tháng đầu năm 2017 là 11.818 người), Trong đó:

+ Theo đối tượng: Hưởng chính sách về hưu trước tuổi là 25.714 người; hưởng chính sách thôi việc ngay là 3.743 người; hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học là 27 người; hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước là 35 người.

+ Theo cơ quan, đơn vị: Các cơ quan của Đảng, đoàn thể là 1.182 người; các cơ quan hành chính là 3.572 người; các đơn vị sự nghiệp công lập là 19.814 người; cán bộ, công chức cấp xã là 4.798 người; doanh nghiệp nhà nước là 153 người.

 

 

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực