Đề xuất giám sát tối cao về vi phạm pháp luật và tội phạm xâm hại trẻ em

Thứ ba, 16/04/2019 11:06
(ĐCSVN) – Một trong hai chuyên đề được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị báo cáo Quốc hội xem xét, lựa chọn giám sát năm 2020 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em trong lĩnh vực tư pháp.
Phiên họp thứ 33 của UBTVQH sáng 16/4 (Ảnh: TTXVN)

Sáng 16/4, tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 33, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020.

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo thông lệ, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội…

Đáng chú ý, về nội dung giám sát chuyên đề, Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh: Năm 2020 là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời, năm 2020 cũng là năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm đó. Vì vậy, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để tập trung cho các nội dung nêu trên và bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2020, đối với nội dung về giám sát chuyên đề, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị UBTVQH báo cáo Quốc hội giám sát 01 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 9; UBTVQH sẽ giám sát 01 chuyên đề tại phiên họp (tháng 9). 

Về nội dung chuyên đề, trên cơ sở kết quả lựa chọn của đại diện các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo các Ban của UBTVQH, Tổng Thư ký Quốc hội trình UBTVQH 03 nội dung chuyên đề và đề nghị xem xét, lựa chọn 2 chuyên đề để báo cáo Quốc hội.

Cụ thể, Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em. Chuyên đề 2: Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA). Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH nhất trí với đề nghị về số lượng chuyên đề giám sát năm 2020. Về nội dung chuyên đề giám sát, các ý kiến cơ bản thống nhất đề nghị lựa chọn chuyên đề 1 và chuyên đề 2. Trong 2 nội dung này, nếu Quốc hội lựa chọn giám sát một chuyên đề, chuyên đề còn lại sẽ giao UBTVQH giám sát.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị, không tiến hành giám sát chuyên đề 3 trong năm 2020. Ông cho biết, từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đã được chủ trì các chuyên đề giám sát Quốc hội và UBTVQH như: Giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016; Giám sát của UBTVQH về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về khoa học công nghệ và cơ khí chế tạo. Bên cạnh đó, Ủy ban đã thực hiện chức năng giám sát theo phân công của Quốc hội, những năm qua, Ủy ban còn tổ chức nhiều chuyên đề giám sát cấp ủy ban về môi trường, biến đổi khí hậu, trong đó đặc biệt quan tâm tới môi trường trong xử lý chất thải. Các chuyên đề sau khi giám sát đều có báo cáo gửi Quốc hội, UBTVQH. Do đó, ông đề nghị nội dung chuyên đề 3 nên lùi sau thời điểm năm 2020.

Nhất trí với đề xuất của Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị nên lựa chọn chuyên đề 1 và chuyên đề 2. “Vấn đề bảo vệ trẻ em nên lựa chọn vì thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ xâm hại, bạo lực với trẻ em gây bức xúc dư luận. Mặt khác, chọn chuyên đề việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA) vì sau 5 năm, chúng ta đã kí nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, do đó nên nhìn nhận lại các hoạt động liên quan đến hội nhập kinh tế Việt Nam.” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phân tích.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng bày tỏ nhất trí với việc lựa chọn chuyên đề 1 và chuyên đề 2. Tuy nhiên, với chuyên đề 1, bà đề nghị “lựa chọn lĩnh vực bảo vệ trẻ em nhưng nội dung giám sát liên quan đến hoạt động tư pháp và nếu được Quốc hội lựa chọn thì giao cho Ủy ban Tư pháp chủ trì”.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Quốc hội cần lên tiếng về vấn đề bảo vệ trẻ em. Tôi thống nhất chọn chuyên đề 1, tuy nhiên đây là lĩnh vực rộng, nên ở góc độ tư pháp, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật bảo vệ trẻ em thời gian qua”.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, hai chuyên đề nêu trên sẽ được trình ra Quốc hội để Quốc hội quyết định giám sát một trong hai chuyên đề. Chuyên đề còn lại sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát.

Cũng trong sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực