Đề xuất nhiều giải pháp hoàn thiện pháp luật để hỗ trợ cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý

Thứ năm, 01/12/2022 09:19
(ĐCSVN) - Tại Hội thảo khoa học “Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp và Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội tổ chức ngày 30/11-1/12, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp hoàn thiện pháp luật để hỗ trợ cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Quang cảnh Hội thảo. 

Hoàn thiện pháp luật về trợ giúp pháp lý theo hướng mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý

Trình bày một số vấn đề đặt ra trong chính sách pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách, nhóm người yếu thế tại Việt Nam, bà Chu Thu Hiền, Ủy ban Xây dựng pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng: Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Trách nhiệm chính trong việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo và người yếu thế trong xã hội thuộc về Nhà nước. Tuy nhiên, các cơ quan, tổ chức và cộng đồng xã hội, cá nhân khác có điều kiện thì cũng có thể thực hiện việc trợ giúp pháp lý để giúp đỡ các đối tượng nêu trên.

Bà Chu Thu Hiền nêu rõ: Việc trợ giúp pháp lý nhằm giúp những đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ, qua đó giúp họ nâng cao hiểu biết pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật; góp phần bảo đảm cho họ tiếp cận công lý, thực hiện quyền bào chữa, nhờ người khác bào chữa, quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự…

Đề cập đến một loạt những đánh giá về chính sách, pháp luật đã được ban hành về hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách và nhóm người yếu thế, bà Chu Thu Hiền cho biết: Nhà nước đã ban hành Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật này quy định chi tiết về các đối tượng được trợ giúp pháp lý, lĩnh vực trợ giúp pháp lý, các chủ thể thực hiện trợ giúp pháp lý và các vấn đề khác có liên quan đến công tác trợ giúp pháp lý….

Bà Hiền thông tin: Để công tác trợ giúp pháp lý có hiệu quả, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã quy định các chủ thể tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý, nâng cao tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý, tương đương với tiêu chuẩn của luật sư; nâng tiêu chuẩn của cộng tác viên trợ giúp pháp lý và tạo thuận lợi hơn cho luật sư tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, do xác định trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước nên Nhà nước tiếp tục duy trì các Trung tâm trợ giúp pháp lý, chi nhánh Trung tâm cùng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý….

Thực tế cho thấy, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý chủ yếu với hình thức tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và pháp luật về tố tụng hoặc là người đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Với các chủ thể tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý như nêu trên, người nghèo, đối tượng chính sách, người yếu thế được trợ giúp pháp lý có thể được bảo đảm bình đẳng với những người khác khi phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến pháp luật.

Bên cạnh những thuận lợi, bà Hiền cho rằng, thực tế tham gia trợ giúp pháp lý của luật sư cho thấy, vẫn còn những bất cập, khó khăn cần tháo gỡ trong quy định về các nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý. Một trong những bất cập đó là sự chồng chéo trong quy định của pháp luật gây khó khăn trong quá trình áp dụng và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người được trợ giúp pháp lý.  Khoản 7, Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định người khuyết tật, nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người chỉ thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý khi họ có khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 và Luật Người khuyết tật năm 2010 thì nạn nhân của hành vi mua bán người và người khuyết tật thuộc đối tượng đương nhiên được trợ giúp pháp lý mà không cần có thêm điều kiện “có khó khăn về tài chính” hoặc yêu cầu nào khác nữa.

Bà Chu Thu Hiền, Ủy ban Xây dựng pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Liên đoàn Luật sư Việt Nam. 

Một đối tượng khác là thân nhân của liệt sĩ (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ) theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 thì được trợ giúp pháp lý miễn phí. Tuy nhiên, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 (tại Điểm a, Khoản 7, Điều 7) lại quy định thân nhân của liệt sĩ chỉ được trợ giúp pháp lý miễn phí khi họ có khó khăn về tài chính. Quy định đã thu hẹp đối tượng được trợ giúp pháp lý là người có công với cách mạng, chưa phù hợp với chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước….

Từ hạn chế đó, đề xuất giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách và nhóm người yếu thế tại Việt Nam, bà Chu Thu Hiền cho rằng, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về trợ giúp pháp lý theo hướng mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý (đối với người người đã được trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 và Luật Người khuyết tật năm 2010; người chưa thành niên…).

Tăng cường vai trò của đội ngũ luật sư trong việc tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý bằng việc quy định điều kiện, trình tự thủ tục đơn giản hơn để huy động được cả các luật sư trẻ và các luật sư có nhiều kinh nghiệm tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách và nhóm yếu thế. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý và nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về trợ giúp pháp lý, đặc biệt đối với người nghèo, người thuộc đối tượng chính sách, nhóm yếu thế để họ biết về chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác trợ giúp pháp lý, biết về quyền được trợ giúp pháp lý; các lĩnh vực pháp luật mà họ có thể được trợ giúp pháp lý và những người tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý cũng như những nơi họ có thể đến để được trợ giúp pháp lý.

Nên có qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhân viên CTXH trong các luật liên quan

Trình bày về nội dung CTXH trong lĩnh vực tư pháp, bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình về bảo vệ trẻ em UNICEF Việt Nam tập trung phân tích kỹ CTXH trong tư pháp với người chưa thành niên vi phạm pháp luật; CTXH đối với người bị hại, người làm chứng hành vi vi phạm pháp luật; các lựa chọn về thiết lập lĩnh vực CTXH trong hệ thống tư pháp với người chưa thành niên ở Việt Nam.

Từ phân tích của mình, bà Lê Hồng Loan cho rằng, ở Việt Nam hiện nay, nhiều chức năng, nhiệm vụ do nhân viên CTXH thực hiện ở các nước khác thì lại do công an và Ủy ban Nhân dân cấp xã thực hiện. Những cơ quan này không có đủ kỹ năng chuyên môn để giải quyết có hiệu quả tất cả các vấn đề xã hội dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên. “Việt Nam cần có các giải pháp và kế hoạch để tăng cường vai trò của nhân viên CTXH trong hệ thống tư pháp, đặc biệt là tư pháp với người chưa thành niên trong Kế hoạch thực hiện Đề án Quốc gia về Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, Việt Nam cũng cần xây dựng một kế hoạch tổng thể về tăng cường hệ thống tư pháp với người chưa thành niên. Cần tiếp tục tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em và cải thiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa và hỗ trợ trẻ em đang gặp rủi ro, trẻ em cần bảo vệ đặc biệt, trong đó có trẻ em vi phạm pháp luật.

Bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình về bảo vệ trẻ em UNICEF Việt Nam.

Mặc dù Chính phủ đã ban hành một số văn bản dưới luật về nhân viên CTXH, nhưng hiện vẫn chưa có văn bản luật nào công nhận CTXH là một nghề cũng như quy định về các tiêu chuẩn hành nghề, bằng cấp chuyên môn cần có của nhân viên CTXH, và cơ chế cấp phép/đăng ký hành nghề cho nhân viên CTXH chuyên nghiệp. Do đó, rất khó để công nhận về mặt pháp lý cũng như xác định vai trò và chức năng của nhân viên CTXH trong các văn bản luật khác, ví dụ: Luật Trẻ em, Luật Nuôi con nuôi, các văn bản luật về lĩnh vực y tế, giáo dục, và tư pháp. Chất lượng dịch vụ CTXH và tính chuyên nghiệp của nghề CTXH cũng không được bảo đảm.  Luật Nghề CTXH sẽ công nhận CTXH là một nghề, quy định trình độ chuyên môn của nhân viên CTXH, thiết lập và thực thi các tiêu chuẩn hành nghề dành cho nhân viên CTXH nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ có chất lượng.

Bà Lê Hồng Loan đề xuất cần chính thức công nhận vai trò của nhân viên CTXH trong hệ thống tư pháp, có qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhân việc CTXH trong các luật liện quan như: Luật Trẻ em, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự vv.. và xây dựng hướng dẫn chi tiết về vai trò của nhân viên CTXH trong lĩnh vực tư pháp.

Cùng với đó, nghiên cứu tính khả thi về mô hình cơ cấu và tổ chức cho nhân viên CTXH trong hệ thống tư pháp và chỉ định một bộ/cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với nhân viên CTXH trong hệ thống tư pháp. Thí điểm mô hình nhân viên CTXH trong lĩnh vực tư pháp cho người chưa thành niên ở một số địa phương. Dựa trên kết quả thí điểm, xây dựng một kế hoạch từng bước mở rộng sự tham gia của nhân viên CTXH vào hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên trên cả nước.

Đảm bảo các quyền của trẻ vị thành niên, và nhu cầu phát triển đất nước

TS Lương Văn Tuấn, Học viện Tư pháp gửi tới Hội thảo tham luận với chủ đề “Đào tạo nguồn nhan lực CTXH trong lĩnh vực tư pháp đối với người từ 12 đến dưới 18 tuổi”.

Theo TS Lương Văn Tuấn: Nghề CTXH là những hoạt động chuyên nghiệp nhằm giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội; góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân” và người làm CTXH bao gồm công chức, viên chức, người lao động và cộng tác viên CTXH làm việc trong các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và tại cộng đồng, có làm việc trực tiếp với đối tượng trong lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và các tổ chức khác. Chính vì vậy, đòi hỏi nghề CTXH phải được đào tạo chuyên nghiệp để trợ giúp các cá nhân, các gia đình và trẻ vị thành niên giải quyết những khó khăn trong cuộc sống.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. 

Nhân viên CTXH cũng là người tạo điều kiện tiếp cận và cung cấp dịch vụ xã hội nhằm nâng cao phúc lợi cho trẻ em và gia đình trong các vấn đề xã hội, bao gồm ngăn ngừa và ứng phó có hiệu quả với các hành vi xâm hại và bóc lột tình dục, xác định các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc phù hợp cho trẻ vị thành niên cần được chăm sóc thay thế hoặc nhận nuôi, thực hiện công tác giám sát và cải tạo trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, giải quyết các vấn đề liên quan đến tình trạng trẻ vị thành niên là nạn nhận của bạo lực gia đình...

Đóng vai trò quan trọng trong xã hội công nghiệp hiện đại nên yêu cầu đặt ra đối với nhân viên CTXH là phải được đào tạo chính quy để có được các kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cần thiết… Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 03 năm 2010 Phê duyệt đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 với mục tiêu đào tạo đặt ra trong giai đoạn 2010 - 2015 là “Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 50% số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn; các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp; Xây dựng, hoàn chỉnh chương trình, nội dung nội dung đào tạo và dạy nghề trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học công tác xã hội; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ngành công tác xã hội;”  Và sau 5 năm, có khoảng 21 trường đào tạo nghề đã hình thành bộ môn hoặc khoa dạy nghề công tác xã hội…

Tuy nhiên, “Công tác đào tạo CTXH tại các trường đại học, cao đẳng mới chỉ chú trọng đến số lượng; chưa gắn giữa đào tạo lý thuyết và thực hành; chưa có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo với các cơ sở/đơn vị sử dụng nguồn nhân lực công tác xã hội được đào tạo; các chương trình, giáo trình giảng dạy về CTXH còn thiếu, nhiều bất cập. Số lượng, chất lượng, phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên CTXH còn hạn chế. Hệ thống cơ sở dạy nghề CTXH còn thiếu về số lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH tại cộng đồng.” 

Thực tế cho thấy “…nghề công tác xã hội là nghề phải dựa trên thực hành là chủ yếu, bên cạnh những vấn đề về lý thuyết thì việc tổ chức các hoạt động công tác xã hội tại các trường học, tại các đơn vị y tế là hết sức cần thiết. Bên cạnh kỹ năng phải hoàn thiện về mặt đạo đức đối với hoạt động công tác xã hội.”  Tuy nhiên, khi khảo sát Chương trình đào tạo ngành CTXH của một số cơ sở đào tạo cho thấy trong nội dung chương trình mặc dù đã đề cao các vấn đề CTXH với trẻ em, nhưng vấn đề về tư pháp đối với trẻ vị thành niên còn bỏ ngỏ, ví dụ các đặc thù về tâm lý trẻ vị thành niên nói chung, tâm lý tội phạm – tội phạm vị thành niên chưa được đề cập….

Vì vậy, để tạo ra một đội ngũ nhân viên CTXH chuyên nghiệp, trong đào tạo và đánh giá đào tạo cần dựa vào trục xoay: “Ngành CTXH đánh giá việc thực hành và những thành quả của sinh viên trong làm việc với những người khác như thế nào? Liệu sinh viên có đạt được mức độ kỹ năng cần thiết để thực hành CTXH trong cộng đồng….Các em hiểu việc những can thiệp của mình dựa trên nhu cầu như thế nào? Việc thực hành của các em đối với các cá nhân, các gia đình, các nhóm, các tổ chức và cộng đồng có những tác động hay ảnh hưởng gì? Phương pháp tiếp cận định hướng kết quả nói đến việc xác định và đánh giá những gì sinh viên thể hiện trong thực hành thông qua quá trình phát triển năng lực của các em…

TS Lương Văn Tuấn nhấn mạnh:  CTXH trong lĩnh vực Tư pháp đối với trẻ vị thành niên có vai trò đặc biệt quan trọng, mặc dù nó là một phần của hoạt động CTXH, tuy nhiên lại mang tính chất chuyên sâu và đặc thù, rất có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các vấn đề xã hội là mặt trái của nền kinh tế thị trường đương đại cần được quan tâm giải quyết thấu đáo với sự tham gia chuyên nghiệp của đội ngũ làm CTXH để góp phần đem lại hạnh phúc cho mỗi gia đình và bình yên cho xã hội. Vì vậy, nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo đối với đội ngũ làm CTXH trong lĩnh vực Tư pháp và tư pháp với trẻ vị thành niên cần được quan tâm hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của xã hội và đảm bảo các quyền của trẻ vị thành niên, và nhu cầu phát triển đất nước./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực