Chiều 14/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
30 cơ chế, chính sách đặc thù
Trình bày dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 02 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 cơ chế, chính sách.
Cụ thể, có 9 chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng. Trong đó, có 07 chính sách hoàn toàn tương tự các địa phương khác đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại các Nghị quyết đặc thù và 02 chính sách đề xuất mới.
02 chính sách đề xuất mới gồm: Quy định thẩm quyền của cơ quan liên quan để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do HĐND quận, HĐND phường thực hiện theo quy định của pháp luật và Quy định HĐND thành phố bãi bỏ văn bản của HĐND quận và phường ban hành trước ngày 01/7/2021 để bảo đảm tính đồng bộ thống nhất quy định thẩm quyền bãi bỏ văn bản của HĐND quận, phường ban hành trước ngày 01/7/2021 để triển khai thực hiện.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: QH) |
Về các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm, dự thảo Nghị quyết đề xuất 21 chính sách. Trong đó, 06 chính sách hoàn toàn tương tự các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại các Nghị quyết đặc thù, 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của Thành phố và 05 chính sách đề xuất mới.
Trong 5 chính sách đề xuất mới theo thực tế của thành phố, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, chính sách đầu tiên là thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Theo phân tích, pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có quy định về việc thành lập, hoạt động đối với Khu thương mại tự do, trong khi đó đây là mô hình kinh tế phổ biến và rất được chú trọng trên thế giới để thúc đẩy thương mại quốc tế và thu hút FDI, nhiều nước đã thành công với mô hình này như Trung Quốc, EU, Singapore, Hàn Quốc...
Trên cơ sở nghiên cứu một số mô hình khu thương mại tự do thành công trên thế giới và kết hợp hài hòa với các mô hình kinh tế tương đồng đã có sẵn khung cơ chế, chính sách trong hệ thống pháp luật Việt Nam, dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng các khu chức năng được phân cấp cho UBND Thành phố. Cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất và các ưu đãi khác tại Khu thương mại tự do Đà Nẵng được áp dụng như Khu kinh tế. Các doanh nghiệp trong Khu thương mại tự do được áp dụng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan. Ban quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Đà Nẵng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Khu thương mại tự do Đà Nẵng có thẩm quyền thực hiện quản lý theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, trên các lĩnh vực.
Bốn chính sách mới khác gồm: Thành phố được thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với dự án trung tâm logistics; Phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; Đầu tư, quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Tổ chức sự nghiệp công lập được giao quản lý và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đã được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công thì được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và được cho thuê lại đất.
Quy định rõ phương án phát triển Khu thương mại tự do
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp (Ảnh: QH) |
Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đánh giá, việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do là chủ trương lớn, cần thiết.
Tuy nhiên, về mức ưu đãi, thời gian miễn, giảm tiền thuê đất đối với dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị bổ sung đánh giá rõ hơn tác động của chính sách đến tình hình thu ngân sách địa phương để làm căn cứ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Về chính sách ưu đãi thuế trong Khu thương mại tự do, cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá cụ thể hơn về tác động của chính sách đến thu ngân sách nhà nước, sự cần thiết, tính hiệu quả chính sách mang lại, đặc biệt khi Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị có quy định yêu cầu bảo đảm tính trung lập của chính sách thuế.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung, làm rõ sự cần thiết, tính hiệu quả và khả năng quản lý, kiểm soát của Nhà nước khi thực hiện chính sách này, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay đang tạo môi trường cạnh tranh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp để có thêm căn cứ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ ủng hộ đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Đồng thời cho rằng, Đà Nẵng có quyết tâm chính trị rất cao và cũng lợi thế để phát triển là gắn với Cảng biển Liên Chiểu, có sân bay Đà Nẵng. Đây là những điều kiện tiên quyết, cần thiết để thành lập khu thương mại tự do.
Về nội dung này, phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị nghiên cứu bổ sung, tiếp thu ý kiến của Cơ quan thẩm tra để quy định rõ trong Dự thảo Nghị quyết về: Khái niệm, mô hình tổ chức; Chức năng, nhiệm vụ; Chính sách phát triển và quản lý nhà nước; Phương án phát triển Khu thương mại tự do; Nguồn lực thực hiện; Kết quả đầu ra khi thành lập Khu thương mại tự do, bao gồm tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách và tính lan tỏa vùng miền....
Cùng với đó, rà soát để đánh giá tác động đầy đủ, đặc biệt là các chính sách mới, từng chính sách phải có điều kiện thực hiện, gắn trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, không hợp thức hóa các sai phạm, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư; đánh giá mức độ ảnh hưởng tới ngân sách của chính sách./.