Điện Biên: Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước

Thứ sáu, 25/09/2020 16:19
(ĐCSVN) - Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Điện Biên lần thứ V (giai đoạn 2020 - 2025) được tổ chức trong 2 ngày 24 - 25/9/2020, đã xác định tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước từ tỉnh xuống cơ sở; phấn đấu đến năm 2025 đưa Điện Biên thành tỉnh phát triển trung bình khá trong vùng trung du miền núi phía Bắc...
 Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Điện Biên lần thứ V (giai đoạn 2020 - 2025) - Ảnh: Trần Quỳnh

Hưởng ứng thực hiện 4 phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động giai đoạn 2016 - 2020, với chủ đề bao trùm là “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, tỉnh Điện Biên đã phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở đã tích cực quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai quán triệt thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thi đua.

Trong 5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên được triển khai sâu rộng, phong phú, thiết thực, tập trung hướng về cơ sở; trở thành phong trào của quần chúng nhân dân trên mọi lĩnh vực. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Theo đánh giá, đa số các chỉ tiêu chủ yếu của tỉnh Điện Biên đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó nổi bật là: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Thu ngân sách trên địa bàn và huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt và vượt mục tiêu nghị quyết. Việc cải thiện môi trường kinh doanh có chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được quan tâm. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến rõ nét. Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội được thực hiện có hiệu quả. Đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên.

Các vấn đề xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và giải quyết có hiệu quả. Chính trị ổn định; quốc phòng - an ninh được đảm bảo; quan hệ đối ngoại mở rộng; khối đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Cải cách hành chính; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, lãng phí; thực hành tiết kiệm có chuyển biến tiến bộ. Tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng lên đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 Có 346 đại biểu về dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Điện Biên lần thứ V, trong đó có nhiều đại biểu là người dân tộc thiểu số - Ảnh: Trần Quỳnh

5 năm qua, tỉnh Điện Biên cũng rất chú trọng công tác tuyên truyền biểu dương nhân rộng các điển hình tiên tiến, qua đó có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời, tạo sức lan tỏa các phong trào thi đua. Việc khen thưởng thành tích được tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả. Toàn tỉnh đã có 7.345 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (68 hộ cấp Trung ương; 429 hộ cấp tỉnh; 1.530 hộ cấp huyện; 4978 hộ cấp cơ sở), trong đó: 3.234 hộ là người dân tộc Thái; 2.559 hộ là người dân Kinh; 1.032 hộ là người dân tộc Mông; còn lại 520 hộ là các dân tộc khác. Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi là nguồn động lực, cổ vũ nông dân các dân tộc thay đổi nhận thức, phát huy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo. Từ thực tiễn các phong trào, hàng năm có trên 1.000 hộ nông dân thoát nghèo và hàng trăm hộ trở thành hộ khá, giàu.

Nông dân các dân tộc trong tỉnh Điện Biên cũng đã tham gia đóng góp tiền, công lao động, hiến đất để xây dựng nhà văn hóa, làm đường giao thông liên thôn, liên bản trị giá trên 43 tỷ đồng. Đã có trên 52.000 hộ nông dân đạt gia đình văn hóa; 715 thôn, phố, bản văn hóa. Những hoạt động trên đã góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, làm cho bộ mặt vùng nông thôn miền núi của tỉnh Điện Biên ngày càng khởi sắc.

 5 năm qua, Điện Biên có 7.345 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó: 3234 hộ người dân tộc Thái; 2.559 hộ người Kinh; 1.032 hộ dân tộc Mông; còn lại 520 hộ là các dân tộc khác - Ảnh: Trần Quỳnh

Về khen thưởng, 5 năm qua, đã có 8 bà mẹ được Chủ tịch nước tặng thưởng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; tặng và truy tặng Huân, Huy chương Kháng chiến các loại cho 56 cá nhân; tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho 5 gia đình có nhiều liệt sỹ; tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho 1 tập thể; tặng Huân chương Lao động các loại cho 56 tập thể và cá nhân; Chính phủ cũng đã tặng Cờ thi đua cho 43 tập thể; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 284 tập thể và cá nhân. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã tặng thưởng Cờ thi đua xuất sắc cho 279 tập thể; tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng” và danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” cho 3.154 tập thể; khen thưởng "Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh" cho 66 cá nhân và tặng thưởng Bằng khen cho 7.189 tập thể và cá nhân. Trong đó, các tập thể nhỏ và cá nhân, người lao động trực tiếp được cấp Trung ương khen thưởng chiếm tỷ lệ 73,7%; khen thưởng các cấp của tỉnh chiếm tỉ lệ 71,7%.

Qua tổng kết phong trào thi đua giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Điện Biên đã rút ra được một số bài học, trong đó chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các phong trào thi đua. Các phong trào thi đua phải có nội dung, mục tiêu, đối tượng thời gian thực hiện rõ ràng với hình thức phong phú, đa dạng và phải được cụ thể hóa thành phong trào thi đua gắn yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng cấp ngành địa phương, đơn vị. Chú trọng công tác phối hợp tuyên truyền, phát hiện, nhân rộng những nhân tố mới, cách làm hay, cách làm sáng tạo, điển hình tiên tiến tiêu biểu trong các phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phong trào thi đua phát triển. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính trong thi đua khen thưởng. Bảo đảm thực hiện nguyên tắc thi đua khen thưởng chính xác, kịp thời, công khai, dân chủ theo đúng thành tích, đúng trọng tâm khen thưởng đối với tập thể nhỏ, cá nhân trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác tại cơ sở.

 Tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Điện Biên, 4 tập thể và 13 cá nhân đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động các hạng do Chủ tịch nước trao tặng vì những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020. Ảnh: Trần Quỳnh

Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Điện Biên đã đề ra 16 mục tiêu thi đua bao trùm tất cả các lĩnh vực, với 5 nhiệm vụ và 6 giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các đoàn thể, lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh hăng hái tham gia.

Những lĩnh vực thi đua chủ yếu gồm: Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Tập trung huy động thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển du lịch. Bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, đưa Điện Biên thành tỉnh phát triển trung bình khá trong vùng trung du miền núi phía Bắc, là trung tâm du lịch của cả vùng Tây Bắc./.                                                       

Trần Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực