Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng

Thứ năm, 20/07/2023 18:47
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Theo các chuyên gia kinh tế, việc Chính phủ chỉ đạo chuyển chính sách tiền tệ từ trạng thái kiểm soát "chặt chẽ", "chắc chắn" ở những thời điểm trước đó sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng hơn" là đúng hướng, nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng.

Chiều 20/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới".

Tọa đàm có sự tham dự của các khách mời là Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế, tài chính, tiền tệ gồm:  Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế; TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh; ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Các khách mời tại Tọa đàm. Ảnh: VGP/Quang Thương 

Chuyển trạng thái "linh hoạt, nới lỏng hơn" để thúc đẩy tăng trưởng

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của việc điều hành chính sách tiền tệ, thời gian qua, trước những tác động tiêu cực, dai dẳng, kéo dài của đại dịch COVID-19 cũng như những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới gây ra khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi đối với nền kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, luôn có sự chủ động trong dự báo, kịp thời chuyển hướng điều hành phù hợp với diễn biến thực tế ở mỗi giai đoạn, thời điểm khác nhau.

Nhờ đó, dù trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta đã thực hiện được mục tiêu về kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cũng như bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng và trên nền tảng lạm phát ở nước ta được kiểm soát tốt; lạm phát thế giới đã qua đỉnh và dự báo có xu hướng giảm trong thời gian tới; khoảng cách lãi suất thực dương khá lớn (5-6%); cung tiền M2 tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP theo giá hiện hành… tại Hội nghị Chính phủ với địa phương 6 tháng đầu năm 2023, Hội nghị thống nhất cao chuyển chính sách tiền tệ từ trạng thái kiểm soát "chặt chẽ", "chắc chắn" ở những thời điểm trước đó sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng hơn".

Việc điều chỉnh kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết tháo gỡ khó khăn về thanh khoản, tín dụng, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh và phù hợp với thực tiễn.

Đánh giá về những chỉ đạo  phục hồi nền kinh tế của Chính phủ đặt trong bối cảnh của từng giai đoạn, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết: Chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua sát với tình hình quốc tế và trong nước. “Trong thời kỳ quý I-III năm 2022, lạm phát của thế giới tương đối cao. Lúc đó chính sách tiền tệ của chúng ta là "chặt chẽ". Cuối năm ngoái, về cơ bản lạm phát của chúng ta kiểm soát tốt và lạm phát toàn cầu có dấu hiệu chững lại, thì chúng ta chuyển sang trạng thái "chắc chắn" và thực hiện được đa mục tiêu. Còn thời điểm hiện nay, Chính phủ cũng như Thủ tướng quyết định chuyển sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng". Tôi thấy rất phù hợp”, TS. Cấn Văn Lực cho hay.

TS. Cấn Văn Lực cũng cho biết, nền kinh tế của chúng ta 2 quý vừa qua mặc dù có tiến triển hơn nhưng vẫn còn khó khăn, chịu tác động lớn từ những yếu tố đặc biệt bên ngoài và những yếu tố nội tại bên trong tồn tại lâu nay và vẫn phải tiếp tục xử lý. Vì thế, chúng ta đạt mức tăng trưởng chỉ 3,72% của 6 tháng đầu năm.

Theo dõi biến động lạm phát để điều chỉnh chính sách tiền tệ

Chia sẻ về việc các nước trên thế giới, nhất là các nền kinh tế lớn, thực hiện chính sách tiền tệ trong thời gian qua, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh khẳng định: Bài học đầu tiên rất quan trọng là các nước đều quan tâm tới cả 2 mục tiêu: Ổn định vĩ mô và một chỉ số quan trọng là lạm phát.

Lấy ví dụ tại Nhật Bản, TS. Võ Trí Thành cho hay, mặc dù tập trung nhiều hơn vào hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng, nhưng họ vẫn theo dõi chặt chẽ biến động của lạm phát, để khi cần có thể điều chỉnh ít nhiều chính sách tiền tệ.

Bài học thứ hai, TS. Võ Trí Thành cho rằng, chính sách tiền tệ cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định, độ an toàn, sự lành mạnh của thị trường tài chính ngân hàng.

Theo ông, bài học này không mới nhưng từ cuộc khủng hoảng châu Á đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 và đến bây giờ, thấy rất rõ câu chuyện sự sụp đổ của một loạt ngân hàng, khởi đầu là ngân hàng SVB (Silicon Valley Bank) của Mỹ và kéo theo một loạt ngân hàng khác của Mỹ cũng như một trong top đầu ngân hàng là Silvergate Bank sụp đổ.

“Cho nên bài học thứ hai chúng ta đừng quên, nếu nhìn theo nghĩa rộng của kinh tế vĩ mô, là sự an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính ngân hàng”, TS. Võ Trí Thành nêu rõ.

Thứ ba, bên cạnh đa mục tiêu chính sách tiền tệ, còn có chính sách tài khóa. “Tôi nghĩ là bên cạnh 3 bài học như vậy, chúng ta cũng cần bám sát thông tin, phải linh hoạt, phải minh bạch”, TS. Võ Trí Thành chia sẻ.

Theo đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội,  hiện nay dư địa vĩ mô còn khá lớn, do đó việc Chính phủ chỉ đạo chuyển chính sách tiền tệ từ trạng thái kiểm soát "chặt chẽ", "chắc chắn" ở những thời điểm trước đó sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng hơn" là đúng hướng.

Mục tiêu là để thúc đẩy tăng trưởng. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ còn để khắc phục tình trạng sản xuất, kinh doanh trì trệ hiện nay.

Bên cạnh đó, cần phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và các chính sách khác như hoàn thuế giá trị gia tăng để nhanh chóng có nguồn lực cho doanh nghiệp (DN). Để khơi thông nguồn lực, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, đó là làm giảm chi phí tuân thủ thủ tục của DN; giải quyết sớm những kiến nghị của DN...

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, việc chuyển hướng nới lỏng chính sách tiền tệ là rất đúng với nhu cầu hiện nay của DN. Theo ông Tuấn, hiện nay DN đang đối mặt khó khăn, dòng vốn bị ách tắc do ảnh hưởng của vấn đề trái phiếu DN vừa qua, đơn hàng khó khăn, vay ngân hàng khó và lãi suất còn cao. Do đó, việc Chính phủ chỉ đạo giảm lãi suất, tăng cung tiền cho DN vay với chi phí hợp lý là chính sách rất đúng trong bối cảnh hiện nay./.

 

 

Khôi Nguyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực