Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh

Thứ tư, 02/12/2015 10:22
(ĐCSVN) – Sáng 2/12, tại Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo về đề án Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, một số chính sách y tế và công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.

PGS.TS Phạm Thanh Bình, Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế trao đổi với đại biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo và phòng Tuyên truyền, Khoa giáo Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên (từ Thanh Hóa trở vào); lãnh đạo các sở, ban, ngành và cán bộ Y tế, Ban Tuyên giáo các quận, huyện trên địa bàn TP.Đà Nẵng…

Tại Hội thảo, các đại biểu nghe các báo viên của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế thông tin các chuyên đề: Y Đức với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; Kế hoạch triển khai thực hiện đề án Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; thông tin về điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế và điều chỉnh giá dịch vụ y tế; tác hại của thuốc lá và tình hình thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại nơi làm việc; phổ biến các quy định và Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc tại nơi làm việc.

Trên cơ sở tiếp thu các chuyên đề này, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp để làm tốt công tác tham mưu giúp lãnh đạo địa phương, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các công việc có liên quan đến y đức, nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh cho nhân dân; đồng thời cụ thể hóa, thực hiện có hiệu quả các chính sách về y tế, về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong cộng đồng, nhất là tại nơi làm việc…

Đặc biệt, tại hội thảo các đại biểu bày tỏ sự quan tâm về những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế và điều chỉnh giá dịch vụ y tế.

Theo PGS.TS Phạm Thanh Bình, Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế chủ yếu ở 7 yếu tố gồm: chi phí trực tiếp như: thuốc, vật tư tiêu hao, điện nước, xử lý chất thải, sửa chữa, bảo hành, bảo trì và các yếu tố khác như: lương, phụ cấp, khấu hao tài sản cố định, đào tạo nghiên cứu khoa học. Hiện nay giá dịch vụ y tế mới tính 3/7 yếu tố, ngay một số địa phương trong 3 yếu tố mới chỉ tính từ 60-70% giá trị thật của 3 yếu tố này. Theo lộ trình trước mắt chỉ điều chỉnh giá dịch vụ đối với bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế, đến 2020 mới tính đúng 7 yếu tố giá dịch vụ như đã kể.

Bên cạnh đó, theo các báo cáo viên đến từ Bộ Y tế, trước đây, do giá thành không được kết cấu vào giá, người bệnh và người nghèo phải trả đồng chi trả thêm nhưng hiện nay với Luật bảo hiểm y tế sửa đổi người nghèo được Nhà nước mua 100% thẻ bảo hiểm y tế và không phải đồng chi trả. Như vậy tất cả những mức chi trong bảo hiểm y tế được thanh toán 100%. Đối với diện chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số và người sống vùng biển đảo, vùng núi, vùng sâu, vùng xa cũng được hưởng mức chi trả bảo hiểm 100% như người nghèo.

Toàn cảnh Hội thảo sáng 2/12

Về giải pháp để nâng cao chất lượng phục vụ khi tăng giá dịch vụ y tế, trao đổi với đại biểu, các báo cáo viên đến từ Bộ Y tế cho biết sẽ có 4 nhóm giải pháp cơ bản gồm: Quyết liệt giảm tải và nâng cao cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị, điều này đòi hỏi sự đầu tư của nhà nước và chính quyền các cấp đã huy động mọi nguồn lực của xã hội kể cả y tế tư nhân và công tư. Ban hành tiêu chuẩn về chất lượng và các bệnh viện phải tuân thủ theo tiêu chuẩn chất lượng này. Cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian chờ đợi và giảm tải cho bệnh nhân. Đổi mới toàn diện phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Ngoài ra, các đại biểu dự Hội thảo cũng hết sức quan tâm những nhiệm vụ cụ thể để nâng cao chất lượng y đức đối với đội ngũ cán bộ y tế nhằm hướng đến sự hài lòng của người bệnh như: Tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp cho cán bộ y tế; thành lập các đơn vị chăm sóc “khách hàng” tại các bệnh viện; quy định trang phục của cán bộ y tế; tiếp tục thực hiện “đường dây nóng” của ngành y tế thông qua số điện thoại 1900-9095; duy trì hòm thư góp ý; xây dựng phong cách, thái độ phục vụ văn minh, thân thiện, không có tiêu cực; thực hiện các cam kết theo quy định của Bộ Y tế đưa ra.

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực