Đổi mới tổ chức phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp

Thứ ba, 12/09/2017 20:55
(ĐCSVN) – Chiều ngày 12/9, tại Hà Nội, Toà án nhân dân tối cao tổ chức họp báo thông tin về kết quả hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử theo kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị.

Thông tin về kết quả, Chánh Văn phòng TANDTC Phạm Quốc Hưng cho biết: Việc tổ chức Hội nghị lần này để đánh giá tình hình thực hiện việc nâng cao chất lượng công tác xét xử theo tinh thần kết luận số 92-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị tại các Toà án và đề ra các giải pháp để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian tới.

Hội nghị đánh giá ,thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử theo tinh thần kết luận số 92-KL/TW, công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, tiến bộ rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và sự phát triển kinh tế đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Toà án với vai trò là cơ quan bảo vệ công lý. Đồng thời, trên cơ sở thảo luận theo tổ, hội nghị đã chỉ rõ những hạn chế, thiếu sót trong công tác xét xử, nhằm đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử của Toà án trong thời gian tới.

Kết luận Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình yêu cầu Toà án các cấp cần tiếp tục nâng cao nhận thức, quán triệt sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực và lâu dài của việc thực hiện kết luận số 92-KL/TW, đồng thời tích cực triển khai 14 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, trong đó tập trung tăng cường công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; đổi mới tổ chức phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp; công khai bản án, quyết định của Toà án; tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm..

Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang phát biểu tại buổi họp báo.
(Ảnh: TH).

Cũng tại Hội nghị, nhằm giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên toà xét xử; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự và Nhà nước; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác hoà giải trong tố tụng dân sự, Chánh án TANDTC quyết định ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác hoà giải tại TAND và quy trình, kỹ năng hoà giải vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

Đề cập đến vụ án hoa hậu Phương Nga, được dư luận quan tâm và đánh giá được xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp, Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang cho biết, thực ra đây là vụ án đơn giản đến mức thẩm phán sơ cấp cũng có thể xử “nhẹ nhàng”, thực tế còn nhiều vụ án phức tạp hơn nhiều, nhưng bởi liên quan đến một hoa hậu nên được dư luận quan tâm, chú ý.

Tuy nhiên, Phó Chánh án cho biết, vụ án do Toà án TP.Hồ Chí Minh thụ lý, phiên toà cũng đã có những điểm mới như áp dụng một số nguyên tắc: “suy đoán vô tội” ; “quyền im lặng”.

Theo Phó Chánh án, công lý không giành cho người cấp cao hay người nổi tiếng, công lý là số một, bất kỳ người nào cũng được đối xử công bằng như nhau.

Các yêu cầu đặt ra với phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp là: Hội đồng xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật; thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng; tôn trọng quyền con người; Hội đồng xét xử phải thực hiện hết thẩm quyền của mình theo quy định pháp luật.

Trong các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử thời gian tới, TANDTC tập trung vào đổi mới tổ chức phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp. Trong đó, yêu cầu các Toà án quán triệt các thẩm phán thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng. Các vấn đề về nội dung và tố tụng phải được xem xét một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ, không được bỏ sót bất cứ vấn đề pháp lý hoặc tình tiết, chứng cứ nào liên quan đến vụ án.

Đồng thời, yêu cầu các Thẩm phán cần nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, thực hiện đầy đủ thẩm quyền tố tụng của mình trong việc yêu cầu điều tra bổ sung; thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội; khởi tố vụ án tại phiên toà; phổ biến nhân rộng kinh nghiệm tổ chức các phiên toà đã được tổ chức tốt theo tinh thần cải cách tư pháp.

Đề cập đến trường hợp trên thực tế một số bản án thời gian qua được tuyên không rõ gây khó khăn cho công tác thi hành án, Phó Chánh án nhấn mạnh : “Là thẩm phán tuyên bản án không rõ ràng thì không chấp nhận được, ở đây lỗi chủ quan do trình độ của thẩm phán”.

Việc tuyên án không rõ dẫn đến 2 trường hợp: một phải giải thích rõ; hai  là buộc kháng nghị xét xử lại.

Phó Chánh án khẳng định, để nâng cao chất lượng công tác xét xử thì vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, trong đó cần đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ Thẩm phán; đề cao kỷ cương, kỷ luật, tăng cường kiểm tra giám sát việc thực thi công vụ và xử lý trách nhiệm đối với các Thẩm phán có hành vi vi phạm...

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực