(ĐCSVN) – Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 – 1/7/2015), ngày 24/6, tại Hưng Yên, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu của đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội thảo này:
|
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: PC |
Kính thưa các vị đại biểu, các nhà khoa học
Kính thưa bà Ngô Thị Huệ, phu nhân đồng chí Nguyễn Văn Linh
Thưa các đồng chí,
Hôm nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hưng Yên phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học: “Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng ta, nhân dân ta; người đảng viên cộng sản rất mực kiên cường, trung thành, tận tụy, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì chủ nghĩa xã hội và hạnh phúc của nhân dân, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế.
Hội thảo là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang và những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi xin gửi tới các đồng chí lão thành cách mạng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, các vị đại biểu và đại diện gia đình đồng chí Nguyễn Văn Linh lời chúc tốt đẹp nhất !
Thưa các vị đại biểu và các đồng chí,
Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 1-7-1915, quê ở xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn (nay là huyện Yên Mỹ), tỉnh Hưng Yên - một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, văn hiến, nơi sinh thành nhiều anh hùng hào kiệt và danh nhân văn hóa.
Xuất thân trong một gia đình công chức, thấu hiểu cuộc sống lầm than của nhân dân trong nỗi đau mất nước, được giác ngộ cách mạng, lại được tư tưởng Nguyễn Ái Quốc dẫn đường, đồng chí Nguyễn Văn Linh sớm có chí cứu nước, cứu dân. Năm 1929, khi còn học ở Trường Bonnan, Nguyễn Văn Linh được kết nạp vào Học sinh đoàn - một tổ chức do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lãnh đạo, bước vào con đường hoạt động yêu nước và cách mạng. Ngày 1-5-1930, trong khi thực hiện nhiệm vụ rải truyền đơn tuyên truyền cách mạng, đồng chí bị mật thám Pháp bắt, rồi bị tòa án thực dân kết án 18 tháng tù, giam tại nhà lao Hải Phòng, sau đó lại bị chúng kết án phát lưu chung thân, đày ra Côn Đảo. Là một trong những chiến sĩ cộng sản trẻ nhất bị giam trong nhà ngục Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn tỏ rõ ý chí vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, tinh thần ham học hỏi, luôn tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Cuối năm 1936, cùng với hàng trăm tù chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Linh được trả tự do và trở về đất liền hoạt động cách mạng. Đầu năm 1937, đồng chí được Xứ uỷ Bắc Kỳ cử về Hải Phòng tham gia chỉ đạo khôi phục cơ quan Thành ủy. Từ tháng 3-1938, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Xứ ủy giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Hải Phòng - Kiến An. Trong thời gian này, đồng chí tích cực hoạt động bí mật trong các nhà máy, cơ sở để chắp nối phong trào cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hải Phòng, sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Văn Linh, nhiều hội ái hữu của quần chúng được thành lập, như hội ái hữu thủy thủ đường biển, lái xe ô tô, công nhân cơ khí, thợ may…
Tháng 1-1939, Trung ương Đảng điều động đồng chí Nguyễn Văn Linh tăng cường cho Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn với cương vị Phó Bí thư Thành ủy. Sau Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, tháng 11-1939 ở Mười tám thôn Vườn Trầu, Bà Điểm, Gia Định, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Trung ương cử ra miền Trung công tác để lập lại Xứ ủy Trung kỳ.
Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, thực dân Pháp ở Đông Dương tăng cường khủng bố phong trào cách mạng. Nhiều tổ chức đảng bị phá vỡ, nhiều cán bộ, đảng viên bị hy sinh hoặc bị địch bắt, tù đày. Đầu năm 1941, đồng chí Nguyễn Văn Linh bị địch bắt ở Vinh, rồi bị đày ra Côn Đảo lần thứ hai.
Tháng 8-1945, cùng với thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh và các chiến sĩ cộng sản đang bị giam tại nhà tù Côn Đảo nổi dậy giành chính quyền và được đón về đất liền.
Trở về hoạt động cách mạng vào đúng lúc nổ ra cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của đồng bào Nam Bộ, đồng chí được Xứ ủy bổ sung vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo phong trào cách mạng ở nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn, thanh gia lãnh đạo phong trào đô thị, tổ chức nhân dân tổng bãi công; thực hiện chủ trương bất hợp tác với địch; kêu gọi đồng bào dựng chướng ngại vật, cản bước tiến của địch. Đồng chí cũng đề xuất thống nhất “Nhóm Ủy ban Việt Minh Chợ Lớn" và “Nhóm Thành bộ Việt Minh Sài Gòn" lập ra Thành ủy lâm thời Sài Gòn - Chợ Lớn, do đồng chí Trịnh Đình Trọng làm Bí thư để lãnh đạo cuộc chiến đấu của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn.
Tháng 11-1946, tại Hội nghị cán bộ do Xứ ủy triệu tập, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu bổ sung vào Xứ ủy Nam Bộ. Sau đó, Hội nghị Thành ủy mở rộng tháng 4-1947 đã cử đồng chí làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất phong trào cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn, đồng chí cùng Thành ủy chỉ đạo sắp xếp lại tổ chức Đảng, tập trung cho công tác xây dựng và phát triển Đảng, xây dựng các tổ chức quần chúng, các đoàn thể bí mật, công khai và bán công khai; mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, về đường lối cách mạng của Đảng; vận động nhân dân bất hợp tác với địch, củng cố căn cứ địa cách mạng; tổ chức lại lực lượng vũ trang. Đồng chí trực tiếp phụ trách tờ báo Chống xâm lăng, với những bài viết có tác dụng to lớn trong việc nâng cao hiểu biết của nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giữa năm 1948, đồng chí Nguyễn Văn Linh được điều về Xứ ủy công tác. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Nam Bộ cuối tháng 7-1948, đồng chí được bầu làm Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ. Đầu tháng 8-1950, Xứ ủy Nam Bộ quyết định thành lập Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Ban Chấp hành Đảng bộ Đặc khu gồm 13 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư. Trên cương vị mới, đồng chí cùng Ban lãnh đạo Đặc khu tiến hành nhiều hoạt động, sắp xếp, điều chỉnh lại tổ chức, củng cổ tổ chức cơ sở đảng và tổ chức quần chúng lãnh đạo quần chúng đấu tranh, kết hợp lãnh đạo đấu tranh với xây dựng lực lượng.
Cuối năm 1952, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Trung ương cử ra Bắc học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Học xong, đồng chí được giữ lại làm Phó Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, tháng 9-1954, đồng chí được Bác Hồ và Trung ương bố trí trở lại miền Nam công tác. Tại Hội nghị thành lập lại Xứ ủy Nam Bộ tổ chức vào khoảng tháng 10-1954 ở căn cứ Chắc Băng (Cà Mau), theo chỉ định của Bộ Chính trị, Xứ ủy Nam Bộ gồm 12 Ủy viên chính thức, 3 Ủy viên dự khuyết, do đồng chí Lê Duẩn, Uỷ viên Bộ Chính trị làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh tham gia Ban Thường vụ Xứ ủy, trực tiếp làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.
Trên cương vị công tác mới, đồng chí cùng các đồng chí trong Khu ủy đã chỉ đạo kiện loàn Đảng bộ Khu; mở một số lớp bồi dưỡng cán bộ trước khi đưa về hoạt động trong thành phố. Khi chính quyền Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, trở thành tay sai của đế quốc Mỹ, khủng bố tàn bạo những người kháng chiến và đồng bào yêu nước ở miền Nam, cách mạng miền Nam bước vào giai đoạn khó khăn, ác liệt. Trong tình hình hình ấy, Bí thư Khu ủy Nguyễn Văn Linh đã cùng Khu ủy kiên cường bám trụ, vận động, tổ chức nhân dân đấu tranh.
Đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm điên cuồng thực thi chính sách dùng lưỡi lê và súng đạn để khủng bố phong trào đấu tranh của nhân dân ta. Trong hoàn cảnh đó, Đề cương đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam do đồng chí Lê Duẩn dự thảo đã hoàn thành với sự cộng tác đắc lực của đồng chí Nguyễn Văn Linh, các đồng chí trong Xứ ủy Nam Bộ và Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.
Khoảng cuối năm 1956, đồng chí Nguyễn Văn Linh về nhận công tác ở Xứ ủy. Cuối tháng 4-1957, đồng chí Lê Duẩn được Bộ Chính trị điều ra Bắc nhận công tác, đồng chí Phạm Hữu Lầu được cử làm quyền Bí thư Xứ ủy. Hai tháng sau, khi đồng chí Phạm Hữu Lầu lâm bệnh và từ trần, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Trung ương cử làm quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ.
Trên cương vị quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng với các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy dũng cảm đương đầu, vượt qua sự khủng bố tàn bạo của kẻ thù, bám trụ kiên cường, giữ vững niềm tin, chèo lái con thuyền cách mạng ở miền Nam vượt qua thời kỳ đầy khó khăn, thử thách.
Nghị quyết Trung ương 15 (năm 1959) ra đời với ý nghĩa lịch sử to lớn, làm xoay chuyển tình hình, mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên. Đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng tập thể Xứ ủy Nam Bộ đã chủ động, sáng tạo lãnh đạo nhân dân thực hiện Nghị quyết 15. Đồng chí triệu tập và chủ trì Hội nghị Xứ ủy lần thứ tư (mở rộng) thảo luận về các hình thức, quy mô sử dụng lực lượng vũ trang để tiến công địch, giành quyền làm chủ; đồng thời đề nghị Trung ương nâng cao, mở rộng và phát huy hoạt động vũ trang.
Dưới ánh sáng Nghị quyết Trung ương 15, sự lãnh đạo của Xứ ủy, sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Văn Linh và thực tế kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang đã thổi bùng ngọn lửa “đồng khởi" trên toàn miền Nam. Đó là cơ sở để Trung ương có những nhận định đúng đắn về vai trò, vị trí và mối quan hệ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, từ đó đi tới khẳng định những chủ trương, quan điểm về cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam, kết hợp tiến công địch bằng “ba mũi giáp công", trên "ba vùng chiến lược".
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960), đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
|
Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên” Ảnh: PC |
Sau "đồng khởi" và dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, cách mạng miền Nam chuyển sang thế tiến công và phát triển liên tục. Bước ngoặt lịch sử đó của cách mạng miền Nam có sự đóng góp lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh trên cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Cống hiến của Xứ ủy Nam Bộ, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng với cán bộ, đảng viên và đồng bào, chiến sĩ miền Nam trong thời kỳ này mãi mãi không phai mờ trong lịch sử cách mạng nước nhà.
Đầu năm 1961, Trung ương Đảng quyết định lập lại Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh được chỉ định làm Bí thư. Trên cương vị mới, đồng chí chỉ đạo thống nhất các lực lượng vũ trang cách mạng thành Quân giải phóng miền Nam. Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Cục tháng 10-1961 do đồng chí Nguyễn Văn Linh chủ trì đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng như phục hồi các tổ chức quần chúng; củng cố các chi bộ với hai kiểu chi bộ hợp pháp và bất hợp pháp. Để từng bước giải quyết việc thiếu cán bộ, đồng chí cùng Trung ương Cục quyết định thành lập trường Lý luận trung cao cấp Nguyễn Ái Quốc miền Nam và trực tiếp làm Giám đốc.
Từ khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược "Chiến tranh cục bộ", để tăng cường sự lãnh đạo cho Trung ương Cục, Trung ương cử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị trực tiếp phụ trách Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh vẫn đảm nhiệm vai trò Bí thư Trung ương Cục, trực tiếp phụ trách Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Khi Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định thành lập Bộ Chỉ huy Miền và Quân ủy Miền, đồng chí Nguyễn Văn Linh được cử làm Chính ủy Bộ Chỉ huy Miền và Bí thư Quân ủy Miền. Khi Trung ương Cục quyết định thành lập "Khu trọng điểm" để chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, đồng chí Nguyễn Văn Linh vừa giữ cương vị Phó Bí thư Trung ương Cục vừa là Bí thư "Khu trọng điểm".
Từ sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, trên cương vị Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Nguyễn Văn Linh được cử làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng, được phân công giữ các chức vụ: Trưởng ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa của Trung ương; Trưởng ban Dân vận Mặt trận Trung ương; Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam đến năm 1980. Tháng 6-1986, đồng chí được bầu lại vào Ban Bí thư Trung ương Đảng và là Thường trực Ban Bí thư. Trên bất kỳ cương vị nào, đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng chứng tỏ là một nhà lãnh đạo kiên định, sáng tạo. Khi đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chứng tỏ bản lĩnh, trí tuệ của một người cộng sản ưu tú, một nhà lãnh đạo tâm huyết, luôn nhạy bén nước những đòi hỏi của thực tiễn, thể hiện năng lực nắm bắt và tổng kết thực tiễn. Đồng chí là một trong những người đi đầu trong việc tìm tòi, khai phá con đường đổi mới ở nước ta.
Tháng 12-1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng - Đại hội đầu tiên của thời kỳ đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bí thư Đảng uỷ Quân sự Trung ương. Đồng chí nhận trọng trách Đảng giao khi đã ngoài 70 tuổi, đồng thời cũng vào lúc tình hình quốc tế đang diễn biến hết sức phức tạp, tác động rất nghiêm trọng đến tình hình trong nước. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã cùng Trung ương Đảng tổ chức, lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VI. Đất nước dần vượt qua tình trạng hiểm nghèo, đà lạm phát “phi mã" bị chặn lại và giảm xuống rõ rệt; phá thế bị bao vây, cấm vận của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới. Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong sự nghiệp đổi mới, đồng chí rất chú trọng công tác xây dựng Đảng. Đồng chí là một tấm gương sáng về học tập phong cách Hồ Chí Minh. Loạt bài viết của đồng chí Nguyễn Văn Linh trong mục: "Những việc cần làm ngay" đăng trên báo Nhân Dân những năm đầu đổi mới đã tạo ra luồng sinh khí mới trong xã hội: dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, lời nói đi đôi với việc làm, góp phần đấu tranh phòng, chống tiêu cực, làm trong sạch bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Đánh giá nhiệm kỳ Tổng Bí thư của đồng chí Nguyễn Văn Linh ở thời kỳ đầu đổi mới, Đảng ta đã khẳng định: Suốt nhiệm kỳ Đại hội VI, với cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể lãnh đạo nhạy bén, chủ động, sáng tạo, khôn khéo chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo của thời kỳ xảy ra những biến động to lớn trên thế giới, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thu được những thành tựu rất quan trọng, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, cải thiện đời sống nhân dân, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng chí đã nêu ra và kiên trì thực hiện đổi mới có nguyên tắc - đổi mới nhưng luôn luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (6-1991), cùng với các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Đại hội cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Phát biểu tại phiên bế mạc Đại hội, đồng chí nói: "Hiện nay cách mạng nước ta đang đứng trước những nhiệm vụ mới hết sức nặng nề, xét thấy tuổi mình đã cao, sức khỏe giảm sút nhiều, khó tiếp tục đảm đương được trọng trách mà Đảng giao phó, nên tôi đã tự nguyện xin rút không ứng cử vào Trung ương. Tôi xin hứa với các đồng chí đại biểu rằng dù không còn ở trong Trung ương nữa, nhưng với trách nhiệm là người đảng viên, tôi xin cố gắng cống hiến sự hiểu biết và kinh nghiệm nhỏ bé của mình cho cách mạng, cho Đảng cho đến hơi thở cuối cùng". Đồng chí đã thực hiện đúng như vậy cho đến hơi thở cuối cùng vào ngày 27-4-1998.
Thưa các vị đại biểu và các đồng chí,
Với 83 tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta. Cuộc đời của đồng chí là tấm gương sáng ngời của một người cộng sản đã phấn đấu kiên cường và hoàn thành xuất sắc nhiều trọng trách được Đảng và dân nhân trao cho ở những thời điểm khó khăn của cách mạng; hội tụ những phẩm chất quý báu của một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng; là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn luôn gắn bó với nhân dân; suốt đời hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng phục vụ nhân dân.
Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh được tổ chức trọng thể vào dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang phấn khởi hướng tới kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội nghĩa Việt Nam; chào mừng đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Hội thảo là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh, những bài học kinh nghiệm quý báu của đồng chí trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đồng thời, cũng là dịp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân ta thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI, lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XII của Đảng.
Tưởng nhớ, biết ơn công lao to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, chúng ta nguyện noi gương đồng chí, rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu suốt đời vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Kính chúc các vị đại biểu, các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn !
--------------------------------------
* Đầu đề do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đặt.