|
GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại hội thảo. |
Chiều 18/10, tại Bình Phước, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Tỉnh uỷ Bình Phước tổ chức Hội thảo khoa học “Các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ với việc triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường; GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Phó GS, TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II đồng chủ trì hội thảo. Hội thảo cũng có sự tham gia của các nhà khoa học, đại diện các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam bộ.
|
Các đại biểu dự hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định: Đông Nam bộ là vùng động lực tăng trưởng kinh tế lớn nhất của cả nước, nằm ở vị trí địa - chiến lược và địa - kinh tế rất quan trọng của khu vực Đông Nam Á, Tiểu vùng sông Mê Kông và Việt Nam.
Nghị quyết số 24 là chìa khoá, là động lực mới để vùng Đông Nam bộ, với tất cả tiềm năng to lớn và sự năng động phát triển của mình cất cánh vươn lên trong thời gian tới. Nghị quyết khẳng định chủ trương nhất quán: Muốn liên kết vùng thành công phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ, ngắn hạn, tư tưởng cục bộ, chủ nghĩa địa phương; quán triệt sâu sắc nguyên tắc "cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng", "cả nước vì vùng, vùng vì cả nước"; giúp các địa phương trong vùng tận dụng tốt vị trí kết nối, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển.
Hệ thống hạ tầng là điểm nghẽn quan trọng cần khơi thông đầu tiên để tạo ra đột phá phát triển vùng Đông Nam Bộ. Nghị quyết số 24 cũng chỉ ra là cần ưu tiên hàng đầu phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối gồm các tuyến đường bộ cao tốc, các hành lang kinh tế, khai thông các cửa ngõ ra bên ngoài, từ khu vực ra biên giới như cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến các cảng biển trong vùng.
|
Các đại biểu tham luận tại Hội thảo. |
Cũng theo GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng, để giảm tải sức ép cho TP. Hồ Chí Minh, cần xây dựng các đô thị vệ tinh đáng sống cỡ vừa và nhỏ, phát triển hệ thống giao thông kết nối cấp vùng và cấp quốc gia cùng các hệ sinh thái và hạ tầng xã hội có chất lượng cao; Chú trọng tăng cường đầu tư phát triển, củng cố hạ tầng bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Việc thực hiện các kết nối trọng tâm trong hợp tác – phát triển vùng Đông Nam bộ gồm: Kết nối hạ tầng phát triển vùng; kết nối thể chế phát triển vùng; Kết nối về thị trường và doanh nghiệp; Kết nối nguồn nhân lực và tri thức; Kết nối phát triển kinh tế - xã hội – con người, giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại” – Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cho biết, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, Bình Phước đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng đầu năm ước đạt 7,36%, cao nhất vùng Đông Nam bộ, đứng thứ 17/63 tỉnh, thành trong cả nước; thu hút 31 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký hơn 743 triệu USD, vượt gấp 2,47 lần so với kế hoạch năm. Văn hóa - xã hội có nhiều nét nổi bật, an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm…
|
Các đại biểu tham gia thảo luận, nêu giải pháp, kiến nghị mở rộng liên kết vùng Đông Nam Bộ, cùng nhau phát triển. |
Hội thảo đã phân tích và đưa ra các giải pháp, kiến nghị trên tinh thần mở rộng liên kết vùng, cùng nhau phát triển. Trong đó tập trung vào các giải pháp như đầu tư tương xứng về cơ sở hạ tầng giao thông; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố góp phần thúc đẩy phát triển liên kết vùng; Thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển vùng Đông Nam bộ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển chung của vùng…
Các giải pháp, kiến nghị tại hội thảo đã gợi mở và đưa ra các chủ trương, chính sách để các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.