Chiều 13/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về trang phục Thẩm phán, Hội thẩm, Giấy chứng minh Thẩm phán và Hội thẩm; chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức trong Tòa án nhân dân; việc bổ sung số lượng Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp; Tờ trình của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về chế độ phụ cấp đối với Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Ảnh minh họa. Nguồn: baotintuc.vn
Thẩm tra các Tờ trình, Ủy ban Tư pháp (UBTP) thấy rằng, việc xem xét sửa đổi chế độ tiền lương, phụ cấp của Thẩm phán TANDTC, Kiểm sát viên VKSNDTC và việc bổ sung số lượng Thẩm phán phải đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Đảng nêu tại Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Ban chấp hành Trung ương: “... không ban hành bổ sung các loại phụ cấp ưu đãi, trách nhiệm, đặc thù theo ngành, nghề”; Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị yêu cầu“…sớm hoàn thiện việc xác định vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội để làm căn cứ xác định biên chế phù hợp”. Số lượng và cơ cấu tỷ lệ các ngạch Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp phải được xác định dựa trên Đề án về vị trí việc làm và xét trong tổng thể cơ cấu ngạch cán bộ, công chức của toàn ngành Tòa án.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nhấn mạnh, việc sửa đổi chế độ tiền lương, phụ cấp phải đặt trong sự thống nhất, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, phù hợp với Đề án tổng thể của Nhà nước về cải cách tiền lương. Trong khi Chính phủ đang xây dựng Đề án tổng thể của Nhà nước về cải cách tiền lương theo Kết luận số 63-KL/TW của Ban chấp hành Trung ương và Đề án về vị trí việc làm của TANDTC chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì trước mắt chỉ nên sửa đổi, bổ sung chế độ tiền lương, phụ cấp đối với các chức vụ, chức danh tư pháp của tổ chức mới được hình thành...
Theo đó, về đề xuất bổ sung thêm Thẩm phán cao cấp, Uỷ ban Tư pháp (UBTP) nhận thấy, 03 TAND cấp cao là các đơn vị mới được thành lập, có khối lượng công việc rất lớn, dẫn đến tình trạng quá tải, ảnh hưởng tới chất lượng công tác xét xử, không kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Hiện tại, 03 TAND cấp cao mới được giao chỉ tiêu 103 Thẩm phán. Vì vậy, trước mắt, để đáp ứng yêu cầu công việc, UBTP tán thành với đề nghị bổ sung thêm 67 Thẩm phán cao cấp cho 03 TAND cấp cao .
Tại TAND cấp tỉnh, UBTP tán thành với đề nghị của Chánh án TANDTC về việc bổ sung 65 Thẩm phán cao cấp cho 63 TAND cấp tỉnh (mỗi TAND cấp tỉnh có 1 Thẩm phán cao cấp, riêng TAND thành phố Hà Nội và TAND thành phố Hồ Chí Minh có 02 Thẩm phán cao cấp), tương tự như số lượng Kiểm sát viên cao cấp tại 63 VKSND cấp tỉnh vừa được UBTVQH quyết định theo Nghị quyết số 1155/NQ-UBTVQH ngày 02/3/2016.
Về việc bổ sung Thẩm phán trung cấp, UBTP không đồng tình bổ sung 117 Thẩm phán trung cấp cho TAND cấp tỉnh, chờ đến khi Đề án về vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới xem xét tổng thể. Tuy vậy, để phục vụ công tác điều động, luân chuyển Thẩm phán, UBTP tán thành với đề nghị của TANDTC, mỗi TAND cấp huyện có 02 Thẩm phán trung cấp. Do đó, sẽ có 1.420 Thẩm phán trung cấp bổ sung cho TAND cấp huyện...
Về việc bổ sung Thẩm phán sơ cấp, UBTP cho rằng, trong thời gian qua số lượng các loại vụ án mà TAND cấp huyện phải thụ lý giải quyết năm sau cao hơn năm trước. Để bảo đảm cho TAND cấp huyện thực hiện tốt nhiệm vụ thì ngoài việc bổ sung chỉ tiêu Thẩm phán trung cấp như đã phân tích ở trên, việc bổ sung chỉ tiêu Thẩm phán sơ cấp cũng rất cần thiết. Về nguyên tắc, việc bổ sung Thẩm phán sơ cấp tại TAND cấp huyện phải tương ứng với tỷ lệ tăng số lượng các loại vụ việc hàng năm. “Tuy nhiên, UBTP cho rằng trước mắt chỉ đề nghị bổ sung 243 Thẩm phán sơ cấp là phù hợp. Sau khi có Đề án về vị trí việc làm theo yêu cầu của Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị thì sẽ tiếp tục xem xét” – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Về việc bổ sung Thẩm phán cao cấp của các Tòa án quân sự, UBTP tán thành với đề nghị của Chánh án TANDTC về việc điều chỉnh giảm số lượng Thẩm phán cao cấp tại Tòa án quân sự trung ương xuống còn 15 Thẩm phán (giảm 04 Thẩm phán so với hiện nay) trên cơ sở Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án quân sự các cấp theo tinh thần cải cách tư pháp do Tòa án quân sự trung ương xây dựng, đã được Quân ủy Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt.
Đối với số lượng Thẩm phán cao cấp tại Tòa án quân sự cấp quân khu, hiện nay mới được giao 54 Thẩm phán trung cấp, chưa có Thẩm phán cao cấp. Vì vậy, tán thành đề nghị của TANDTC, UBTP đề nghị bổ sung 12 Thẩm phán cao cấp tại các Tòa án quân sự cấp quân khu.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đa số các thành viên UBTVQH đồng tình với đề nghị của TANDTC, VKSNDTC và cơ quan thẩm tra.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ không đồng tình với đề xuất tăng Thẩm phán sơ cấp ở cấp huyện. “Thứ nhất, theo báo cáo số vụ việc giải quyết giảm dần theo các năm, tức là cơ sở vụ việc giảm mà đề nghị vị trí tăng là không hợp lý. Thứ hai, khi tách huyện thì đã cam kết là không bổ sung thêm biên chế mà giờ lại đề nghị tăng lên là không có cơ sở” – ông Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu.
Không đồng tình quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, việc bổ sung Thẩm phán cho TAND cấp huyện là hợp lý. “Tôi chấp thuận ý kiến của UBTP. Đây là nguồn và thực tế hiện nay án tồn nhiều, địa bàn có nơi thì rộng” – Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Ngay sau đó, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu đề nghị, UBTVQH quyết định tăng thêm thẩm phán sơ cấp cho cấp huyện. Ông cho rằng nếu chỉ tăng thêm 243 Thẩm phán sơ cấp cho cấp huyện thì quá ít, vài huyện mới thêm được 1 Thẩm phán, khó đáp ứng được nhu cầu thực tiễn./.