Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông: Cần tính toán khả năng bố trí nguồn vốn

Thứ tư, 08/11/2017 21:08
(ĐCSVN) – Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, chiều 8/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, đa số đại biểu tán thành với sự cần thiết đầu tư dự án nhằm tạo sức bật mới cho tăng trưởng. Bởi khi dự án hoàn thành sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - chính trị xã hội; nâng cấp kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia; góp phần phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, khắc phục một số hạn chế trong ngành giao thông hiện nay. Tuy nhiên cũng có ý kiến còn băn khoăn và đề nghị Chính phủ cần tính toán kĩ về khả năng bố trí nguồn vốn, cũng như nghiên cứu báo cáo khả thi của dự án này.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 8/11. Ảnh: Đỗ Thoa

Trước đó, Chính phủ đã trình Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Theo đó, Chính phủ đưa ra lộ trình dự kiến các đoạn tuyến được đầu tư trong giai đoạn 2017 – 2020 có tổng chiều dài 654 km, chia thành 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh. Trong đó có 3 dự án đầu tư công và  8 dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư PPP, hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 – 2020 khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xây dựng các dự án đầu tư theo hình thức PPP...; nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng.

Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), khi đã xác định dự án này là ưu tiên hàng đầu thì cần tập trung mọi nguồn lực để thực hiện, chứ không làm theo kiểu cắt khúc, đứt đoạn, nửa chừng sẽ không phát huy hiệu quả như mong muốn, thậm chí còn gây lãng phí nguồn lực. Với quan điểm đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị phải tập trung ưu tiên nguồn vốn để giải phóng mặt bằng cho hết, tránh để đội giá.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) đặt vấn đề, ai sẽ là người đứng ra vay số tiền này?. “Nếu nhà đầu tư tư nhân vay số tiền này, nếu lấy dự án làm tài sản đảm bảo nợ vay, thì lưu ý dự án này có vốn của nhà nước, vậy thì nhà đầu tư có thể lấy dự án đem đi thế chấp được không? Do đó, cần có chính sách đồng tài trợ do 1 ngân hàng thương mại cổ phần có thể vốn nhà nước lớn đứng ra thống nhất gói tài trợ, đảm bảo gói vay được triển khai đúng tiến độ và lãi suất đảm bảo được mặt bằng chung” – Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu vấn đề.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị Chính phủ dự liệu con số phát sinh của dự án, vì chắc chắn với dự án lớn, làm trong thời gian dài, làm trên diện rộng sẽ có nhiều phát sinh, cần được tính toán.

Còn đại biểu Trần Việt Khoa (Hà Nội) thì cho rằng, ngân sách đầu tư chủ yếu dựa vào đi vay, số tiền hơn 118.000 tỷ đồng đầu tư là khoản tiền đầu tư rất lớn, nếu không đảm bảo được nguồn vốn mà phải đi vay thì cũng có rất nhiều rủi ro mà đường sắt nội đô ở Hà Nội là ví dụ điển hình.

Đại biểu Phạm Phú Quốc (TP. Hồ Chí Minh) cũng băn khoăn khi suất đầu tư có vẻ thấp, khoảng 181,5  tỷ đồng/km; thấp hơn so với Bộ Xây dựng tính toán là 200 tỷ đồng/km cho 6 làn xe. “Nếu tính toán suất đầu tư thấp quá, sau này phát sinh thì lấy tiền đâu ra, Chính phủ cần tính toán kỹ. Vì thực tế, suất đầu tư của cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là 650 tỷ đồng/km; 479,9 tỷ đồng/km cho cao tốc Long Thành-Dầu Giây”, Đại biểu Quốc nói.

Lo ngại về các bất cập của các dự án BOT thời gian qua có thể tác động đến việc kêu gọi các nhà đầu tư cho dự án này, đại biểu Phạm Phú Quốc cho rằng, làm BOT chúng ta chưa kiểm soát tốt việc thẩm định mức đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài vào họ muốn lợi nhuận 18% nhưng rất minh bạch, còn nhà đầu tư trong nước lợi nhuận chỉ 14% nhưng nhiều vấn đề. Bởi vậy, cần thẩm định thật kỹ mức đầu tư BOT. Khi làm BOT, cần bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư.

Thảo luận tại tổ, cũng có ý kiến còn băn khoăn và đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn về hiệu quả của dự án này. Dẫn chứng từ dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, chỉ đạt 30 nghìn lượt xe/ ngày đêm, chưa được một nửa so với số liệu dự tính trong báo cáo khả thi là 70 nghìn lượt xe/ ngày đêm, đại biểu Quàng Văn Hương (Sơn La) đề nghị, báo cáo đánh giá khả thi của dự án này cần đầy đủ, toàn diện, kỹ lưỡng hơn và tính thuyết phục cao hơn. Ban soạn thảo dự án cần trả lời rõ ràng hơn về tính hiệu quả kinh tế, xã hội và tính khả thi khi thực hiện.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.Hồ Chí Minh) lo rằng, chưa có đánh giá tác động nếu cao tốc này ra đời thì những còn đường hiện tại hiệu quả hoạt động ra sao? Vì nếu làm đường cao tốc, rồi đường sắt cao tốc ra đời thì quốc lộ 1, đường sắt hiện tại ra sao? Vì thực tế hiện nay cao tốc Hà Nội – Hải Phòng ra đời, vắng người đi, để hoàn vốn thì phí cao nên xe càng vắng, dồn hết sang đường 5 cũ, như thế là không hiệu quả. Chính phủ cần tính toán rất kỹ, vì theo tờ trình chỉ có 3 tuyến đầu tư công, còn lại là hợp tác công tư.

Đại biểu Trần Việt Khoa (Hà Nội) cũng cho rằng phải tính toán “tương lai” của cao tốc Bắc – Nam. “Cách đây vài chục năm không ai ngờ hệ thống giao thông bắc Thăng Long, nam Hà Nội lại nhanh chóng bị quá tải. Vì vậy, phải tính toán ngay từ bây giờ xem 20 – 30 năm nữa đường cao tốc xây liệu có quá tải chưa?”, ông Khoa đặt vấn đề.

Cũng trong chiều nay, các đại biểu thảo luận về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao. Đa số ý kiến nhất trí với việc bổ sung chính sách ưu đãi, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của vận động viên; thiết kế điều luật theo hướng tách quyền và nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao.

Góp ý về quy định đặt cược thể thao, các đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ); Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng: cần bổ sung quy định về đặt cược thể thao, giao Chính phủ quy định chi tiết và ban hành danh mục các hoạt động thể dục, thể thao được phép kinh doanh đặt cược. Quy định như vậy, để có thể quản lý được đặt cược trong thể dục thể thao, thu thuế và có căn cứ pháp luật để xử lý hành vi vi phạm.

Theo chương trình, sáng mai, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe các báo cáo và thảo luận về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Phiên họp sẽ được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam truyền hình, phát thanh trực tiếp và các phương tiện thông tin đại chúng khác đưa tin để cử tri và đồng bào cả nước theo dõi. Buổi chiều, Quốc hội nghe trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại hội trường; sau đó, thảo luận tại tổ về dự án Luật này./.

 

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực