Dự kiến giám sát các tỉnh, thành phố lớn có nhiều đơn vị sự nghiệp công lập

Thứ sáu, 18/08/2023 11:15
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Đoàn giám sát tổ chức giám sát, làm việc với một số địa phương là các tỉnh, thành phố lớn, có nhiều đơn vị sự nghiệp công lập, có đặc thù, đại diện các khu vực, vùng miền..., dự kiến gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Bình, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Long An.

Sáng 18/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về một số nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”.

Tập trung đánh giá việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập

 Toàn cảnh phiên họp

Báo cáo một số nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng - Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát nêu rõ, chuyên đề giám sát tập trung vào 2 nội dung chính. Một là, đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc: xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập...

Hai là, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đề ra đến năm 2025 và năm 2030.

"Đoàn giám sát tổ chức giám sát, làm việc với một số địa phương là các tỉnh, thành phố lớn, có nhiều đơn vị sự nghiệp công lập, có đặc thù, đại diện các khu vực, vùng miền... (khoảng 10 - 12 tỉnh, thành phố, dự kiến gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Bình, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Long An)" - ông Hoàng Thanh Tùng cho biết.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ đồng tình với các nội dung trong dự thảo Kế hoạch giám sát và cho rằng đã xác định được đối tượng trọng tâm và đối tượng liên quan một cách hợp lý. Đồng thời đánh giá đây là chuyên đề giám sát rất rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau bởi các đơn vị sự nghiệp công lập với số lượng lớn có mặt hầu hết ở các cơ quan Đảng và Nhà nước, trong đó còn có những mô hình khác nhau nên địa vị pháp lý và quyền hạn cũng rất khác nhau. 

Chính vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để thống kê, báo cáo và đánh giá được toàn diện cũng là một quá trình rất dài. Bên cạnh đó, đây cũng là một chuyên đề giám sát rất trọng tâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và có đặc thù là nhiều luật chi phối và không có luật riêng, do đó việc rà soát các quy định của pháp luật cũng cần lưu ý. 

Về nội dung giám sát, trong số các nội dung liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát nên xác định vấn đề nào là thực sự trọng tâm. 

Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội gợi ý 3 nội dung trọng tâm còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn, cần phải có sự đánh giá, phân tích kỹ lưỡng là: Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện cơ chế tài chính, thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Bày tỏ tin tưởng sau cuộc giám sát sẽ có điều chỉnh hợp lý, tốt hơn trước nhiều để cải thiện tình hình, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng cam kết Chính phủ sẽ chuẩn bị chu đáo nhất các báo cáo để phục vụ cho giám sát.

Phải tạo được đột phá sau giám sát

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp 

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ giám sát chuyên đề, coi đây là việc rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, vừa có ý nghĩa chuyên môn, vừa có ý nghĩa chính trị xã hội hết sức sâu sắc, đóng góp vào công cuộc đổi mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết Trung ương có liên quan. 

Đánh giá các công việc chuẩn bị cho giám sát cơ bản được triển khai khẩn trương, đảm bảo đúng tiến độ, tuy nhiên các ý kiến đề nghị trong đề cương cần làm rõ thêm bối ảnh, đặc điểm tình hình của việc giám sát chuyên đề; khắc họa thêm những thuận lợi, khó khăn; đòi hỏi qua giám sát phải có những kiến nghị, tạo được đột phá mới trong lĩnh vực này.

Về nội dung, các ý kiến phát biểu ủng hộ cách tiếp cận toàn diện, tổng thể với 6 nội dung được đề cập trong Nghị quyết 19 của Trung ương, nhưng qua giám sát tổng thể toàn diện, đồng bộ cũng cần đi sâu vào trọng tâm, trọng điểm đối với những vấn đề lớn, bức xúc trong thực tiễn được dư luận quan tâm. Trong đó, lưu ý việc sắp xếp gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị; tự chủ nói chung của các đơn vị sự nghiệp công lập; xã hội hoá các dịch vụ công lập…

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu đổi mới công tác giám sát của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân. Qua giám sát cần làm rõ những sơ hở, thiếu sót, chồng chéo, mâu thuẫn của hệ thống pháp luật, của chỉ đạo, điều hành có nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, phải chỉ rõ để có giải pháp khắc phục. 

Qua giám sát phải làm rõ tình trạng có hay không và ở đâu, ai chịu trách nhiệm với tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, xử lý công việc gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Mặt khác, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, qua giám sát phải gắn với công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tránh hai khuynh hướng: “cứ vướng tí là đổi cho luật” và “nói là pháp luật tốt lắm, chả có gì phải sửa đổi”.

Các kiến nghị của đoàn giám sát phải sát thực, phù hợp thực tiễn nhưng phải có tư duy đổi mới mạnh mẽ, phải tạo được đột phá sau giám sát./.


Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực