Đưa dịch vụ công trực tuyến đến với người dân vùng sâu, vùng xa tỉnh Hà Giang

Thứ tư, 06/12/2023 07:42
(ĐCSVN) - Những bài học từ Hà Giang sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến.
Lễ tổng kết Dự án cải thiện điều kiện tiếp cận dịch vụ hành chính công cho người dân vùng sâu, vùng xa, và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang 

Trong quá trình thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, dịch vụ công trực tuyến đang trở nên ngày càng quan trọng. Việc này không chỉ giúp tạo ra sự thuận tiện cho người dân, nhất là trong thời gian thiên tai, dịch bệnh, mà còn nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong việc quản lý của chính quyền. Chính phủ đề ra mục tiêu cung cấp 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu vào năm 2025.

Tuy nhiên, theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), dịch vụ công trực tuyến vẫn là một điểm yếu của dịch vụ công ở Việt Nam. Theo kết quả PAPI năm 2022, chỉ có 4,85% người dân được hỏi từng lên trang cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia, trong đó chỉ hơn 1% sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Tại tỉnh Hà Giang, nơi có hơn 87% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số và có nhiều rào cản về tiếp cận, nhiều điểm lõm internet và gần 44% người dân chưa có điện thoại thông minh, việc đưa dịch vụ công trực tuyến đến với người dân trở nên thách thức hơn bao giờ hết.

Trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) do Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) và Đại sứ quán Ai-len hỗ trợ, năm 2021, UNDP đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện nghiên cứu hiện trạng và tư vấn giải pháp cải thiện điều kiện tiếp cận dịch vụ công trực tuyến ở tỉnh Hà Giang. Tỉnh Hà Giang là một trong ba tỉnh (bên cạnh Gia Lai và Trà Vinh) được chọn cho nghiên cứu này.

Cuối năm 2021, tỉnh Hà Giang đã chủ động gửi đề án cải tiến dịch vụ công trực tuyến cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của bốn xã thuộc hai huyện Bắc Quang và Xín Mần. Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) đề xuất hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ hợp phần Sáng kiến chính quyền vì người dân thuộc Chương trình nghiên cứu PAPI, từ nguồn tài trợ của DFAT.

Đề án của tỉnh Hà Giang hướng tới ba mục tiêu: (1) Đơn giản hóa quy trình một số thủ tục hành chính công để đưa lên dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình; (2) Đào tạo, tập huấn cho đội ngũ công chức cấp xã và tổ chuyển đổi số cộng đồng ở thôn, thôn bản; (3) Đưa dịch vụ công trực tuyến đến với cộng đồng dân cư tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xã (dịch vụ công trực tuyến lưu động). UNDP đã đồng hành với tỉnh Hà Giang quá trình thực hiện dự án này từ tháng 12 năm 2022 tới tháng 12 năm 2023.

Những kết quả thu được sau hơn một năm thực hiện dự án: Thứ nhất, việc đơn giản hóa 10 thủ tục hành chính công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công điện tử tỉnh Hà Giang, thể hiện sự quyết tâm tăng cường các thủ tục hành chính ảnh hưởng trực tiếp nhất đến đời sống người dân. Điều này liên quan đến việc tích cực xác định và loại bỏ các bước không cần thiết, giảm quan liêu và nâng cao hiệu quả tổng thể của các dịch vụ hành chính công;

Thứ hai, Đào tạo và huy động 10 công chức và 100 cá nhân từ các nhóm hỗ trợ số hóa thôn để hỗ trợ người dân trong cộng đồng vùng sâu vùng xa của họ thực hiện các thủ tục hành chính thông qua các cổng dịch vụ điện tử;

Thứ ba, hình thành các dịch vụ hành chính công điện tử di động với sự tham gia tích cực của các nhóm hỗ trợ số hóa tại các thôn vùng sâu vùng xa của 04 xã thuộc huyện Bắc Quang và Xín Mần.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long, khẳng định đây là một Dự án rất cần thiết và phù hợp với tỉnh, trong bối cảnh tỉnh Hà Giang còn đang khó khăn về nhiều mặt và nỗ lực đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó tập trung các giải pháp nâng cao kết quả giải quyết TTHC và tập trung vào chuyển đổi số, nâng cao dịch vụ công nhất là hỗ trợ người dân tham gia giải quyết TTHC.

“Qua triển khai dự án chúng ta cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc cung cấp Dịch vụ công thực chất hơn để kiển nghị với Chính phủ trong việc thực thi đơn giản hoá TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến,” Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long cho biết. “Tuy nhiên, chúng ta không thể ngừng lại ở đây… Những kết quả tích cực mà Dự án đã đem lại cần tiếp tục được chia sẻ và nhân rộng ra các địa phương khác trong toàn tỉnh. Những hạn chế, rào cản đã chỉ ra trong quá trình triển khai thực hiện Dự án cần được tiếp thu và có giải pháp khắc phục, để cải thiện điều kiện tiếp cận dịch vụ hành chính công cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang"./.

Phát biểu tại Lễ tổng kết dự án được tổ chức tại tỉnh Hà Giang, Trưởng Đại diện thường trú UNDP Ramla Khalidi ghi nhận mức độ cam kết và nhiệt tình cao ở tất cả các cấp chính quyền, đặc biệt là Trung tâm Dịch vụ Hành chính công tỉnh và Sở Nội vụ tỉnh Hà Giang, trong suốt quá trình thực hiện sáng kiến này.

“Tôi đã nghe những câu chuyện đầy cảm hứng về cách các nhóm hỗ trợ số hóa làng thực hành đưa dịch vụ điện tử đến làng của họ và cách họ kiên nhẫn hướng dẫn dân làng sử dụng dịch vụ điện tử theo yêu cầu,” bà Ramla Khalidi chia sẻ.

Trưởng Đại diên thường trú UNDP có cùng quan điểm với Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Hà Giang rằng những gì đạt được trong dự án này chỉ là “những bước đi ban đầu” và “cần đảm bảo kết quả được nhân rộng và duy trì không chỉ ở hai huyện Bắc Quang và Xín Mần, mà ở các khu vực khác trong tỉnh,” lan tỏa lợi ích đến nhiều người dân ở các làng, xã và huyện.

Những bài học quý báu và kinh nghiệm mà Hà Giang có thể chia sẻ với các tỉnh khác, đó là: Chính quyền chủ động vào cuộc: Sự cam kết và tham gia của chính quyền địa phương rất quan trọng trong quá trình cải tiến dịch vụ công trực tuyến.

Cá nhân cán bộ, công chức tâm huyết: Sự thấu hiểu và đồng cảm của cán bộ, công chức trong nhóm đề án trước những khó khăn của người dân trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tiếp và trực tuyến. 

Cam kết mạnh mẽ cải tiến quy trình: cắt giảm, đơn giản hóa quy trình 10 thủ tục hành chính gắn với đời sống người dân

Thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm: Thay vì đợi đến khi mọi thứ hoàn hảo, việc thử nghiệm vừa làm vừa rút kinh nghiệm ngay từ đầu là quan trọng - cùng làm, cùng học, cùng rút kinh nghiệm với cán bộ, công chức cấp xã và các thành viên tổ chuyển đổi số cộng đồng.

Hỗ trợ người dân: Đưa dịch vụ công đến gần hơn với người dân, cung cấp dịch vụ tới tận thôn/bản xa xôi.

Đầu tư nguồn nhân lực và cơ cở hạ tầng: Đảm bảo chính quyền cấp xã có đủ nhân lực phù hợp, cơ cở hạ tầng viễn thông cần thiết, và trang thiết bị CNTT là điểm khởi đầu quan trọng.

Sáng kiến này chứng minh rằng nếu như tỉnh Hà Giang, nơi còn rất nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế-xã hội, có thể làm được, thì các tỉnh khác cũng có thể làm được. Những bài học từ Hà Giang sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực