Nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (CHDCND) Nguyễn Bá Hùng về những thành tựu quan trọng trong quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại nước CHDCND Lào Nguyễn Bá Hùng. (Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Lào)
Phóng viên (PV): Việt Nam và Lào có mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt, góp phần quan trọng vào những thành tựu trong việc giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước phồn vinh ở mỗi nước. Đại sứ có thể cho biết những thành tựu quan trọng trong quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào?
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Mối quan hệ Việt Nam – Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Chủ tịch Xu-pha-nu-vông kính yêu trực tiếp đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và nhân dân hai nước dày công vun đắp, trải qua muôn vàn gian nan thử thách, mối quan hệ đó đã trở thành mối quan hệ sống còn, mẫu mực, thuỷ chung, trong sáng hiếm có trong quan hệ quốc tế, là mối quan hệ mang tính quy luật, là nhân tố bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng của mỗi nước, là tài sản chung vô giá của cả hai dân tộc và là nguồn lực to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.
Trên nền tảng vững chắc đó, trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, cùng với sự nỗ lực của các bộ, ban, ngành, các đoàn thể ở Trung ương và địa phương, của các doanh nghiệp và nhân dân hai nước, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, to lớn cho cả hai nước.
Hiếm có mối quan hệ song phương nào trên thế giới mà việc trao đổi đoàn cấp cao giữa hai Đảng cầm quyền, hai Nhà nước lại được tiến hành thường xuyên như giữa Việt Nam với Lào. Qua các chuyến thăm và gặp gỡ cấp cao, Lãnh đạo hai Đảng, hai nước ngoài việc tăng cường, thắt chặt sự tin cậy về chính trị, gắn bó lẫn nhau, hai bên đã đạt được nhiều thoả thuận quan trọng mang tính chiến lược, vừa định hướng cho quan hệ hai nước trong một thời gian dài, vừa kịp thời tháo gỡ những khó khăn, làm cho mối quan hệ song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Sự hợp tác, giao lưu hữu nghị giữa các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương được chủ động tăng cường, mang lại nhiều kết quả thiết thực.
Công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống, ý nghĩa chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt của mối quan hệ Việt Nam – Lào được hai bên hết sức quan tâm. Một kết quả có ý nghĩa quan trọng đặc biệt là hai bên đã hoàn thành và hiện đang phối hợp chuẩn bị cho việc phổ biến rộng rãi Công trình lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào 1930 – 2007.
Trong lĩnh vực kinh tế, hai nước đã thiết lập cơ chế Uỷ ban liên Chính phủ để cụ thể hoá chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học-kỹ thuật… thông qua việc xây dựng hợp tác của từng thời kỳ, từng giai đoạn và hàng năm. Cho tới nay, Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào đã tiến hành được 39 kỳ họp. Đến nay, đầu tư của của doanh nghiệp Việt Nam vào Lào có 276 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt khoảng 5 tỉ USD, đứng thứ 3 trong số các nhà đầu tư tại Lào, tập trung vào các lĩnh vực như tài chính-ngân hàng, năng lượng điện, viễn thông, nông lâm, khai khoáng… Nhìn chung, các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào ngoài việc góp phần thúc đẩy nền kinh tế Lào phát triển, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân, còn làm tốt công tác an sinh xã hội, giúp xây dựng nhiều công trình phúc lợi như trường học, bệnh viện, làm đường… hỗ trợ tốt công tác xoá nghèo, nâng cao dân trí. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam –Lào đạt gần 893 triệu USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt hơn 368 triệu USD và xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 525 triệu USD; hai bên đã ký và tích cực phối hợp triển khai Hiệp định Thương mại mới và Hiệp định thương mại biên giới. Hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến 2030 và thu được kết quả tích cực…
Hợp tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực đang rất được quan tâm. Mỗi năm Việt Nam dành cho Lào 1.000 suất đào tạo ngắn hạn và dài hạn. Hiện có hơn 14.000 lưu học sinh Lào đang theo học ở Việt Nam và hàng trăm lưu học sinh Việt Nam đang học tại các trường đại học tại Lào. Hợp tác an ninh-quốc phòng tiếp tục duy trì tốt với mức độ tin cậy cao; hai bên đã hoàn thành toàn bộ Dự án tăng dầy và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào; ký Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam – Lào và Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam – Lào; tích cực triển khai Kế hoạch thực hiện Thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước.
Cùng với hợp tác trong khuôn khổ song phương, tình đoàn kết anh em giữa Việt Nam và Lào còn thể hiện rõ nét tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hiệp quốc, ASEAN, hợp tác tiểu vùng… Đặc biệt, Việt Nam đã hỗ trợ hiệu quả cho CHDCND Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2016, tạo được tiếng vang trong khu vực và trên thế giới; ta mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào dự APEC 2017… Sự phối hợp, hợp tác giữa hai nước trên mặt trận đối ngoại đã góp phần nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới.
Tết Cộng đồng đón Xuân Mậu Tuất 2018 do Đại sứ quán Việt Nam tại Lào tổ chức có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. (Ảnh: chinhphu.vn)
Có thể thấy, thành tựu quan trọng của mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ mít-tinh trọng thể kỷ niệm “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 2017” tổ chức tại Hà Nội ngày 18/7/2017, đó là: “Quan hệ giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực với nhiều hình thức hợp tác phong phú, đa dạng trên các kênh Đảng, Nhà nước và nhân dân; giữa các ngành và các địa phương; cả hợp tác song phương và đa phương. Quan hệ chính trị được coi trọng, ngày càng giữ vai trò nòng cốt, định hướng trong tổng thể quan hệ hợp tác; các cơ chế hợp tác hiện có giữa hai Đảng, hai Nhà nước tiếp tục phát huy tốt hiệu quả. Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư tiếp tục được thúc đẩy, trở thành nền tảng lâu dài trong quan hệ hai nước. Hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại ngày càng chặt chẽ đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả tích cực và giữ vai trò trụ cột trong quan hệ giữa hai nước. Hợp tác văn hoá, giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học-kỹ thuật thu được nhiều kết quả tích cực, bổ sung những lợi thế cho nhau trong quá trình đổi mới và phát triển, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân hai nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”.
PV: Năm 2017 có ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ Việt Nam – Lào. Hai nước đã phối hợp nhiều hoạt động giao lưu hữu nghị bằng các hình thức trang trọng, phong phú và thiết thực chào mừng Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác. Các hoạt động này có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy mối quan hệ truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, thưa Đại sứ?
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Như các đồng chí đã biết, Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã chọn năm 2017 là “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam” nhằm thiết thực kỷ niệm hai sự kiện trọng đại là 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Hai bên đã phối hợp tổ chức tốt hàng trăm hoạt động kỷ niệm bằng nhiều hình thức phong phú, trang trọng, thiết thực không chỉ ở tại mỗi nước mà tại cả các cơ quan đại diện của Việt Nam và Lào ở nước ngoài. Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; mít-tinh trọng thể cấp Nhà nước tổ chức đồng thời tại Hà Nội và Viêng Chăn kỷ niệm hai ngày lễ lớn; cuộc thi tìm hiểu về quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam; gặp gỡ giao lưu giữa hai Quốc hội; giữa các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương; các hoạt động giao lưu văn hoá, thể thao; các hoạt động kinh tế, thương mại; các biện pháp tuyên truyền, khen thưởng, cầu truyền hình, thi sáng tác các ca khúc ca ngợi tình hữu nghị Việt – Lào ở cả hai nước đã bổ sung thêm hơn 30 bài hát mới vào kho tàng hàng trăm bài hát về tình cảm trong sáng, thuỷ chung, chân thành, thân thương và lãng mạn giữa hai Đảng, quân đội và nhân dân của hai nước. Đây cũng là một nét “đặc biệt của đặc biệt” không thể có trong mỗi quan hệ giữa bất cứ nước nào trên thế giới mà chỉ có Việt Nam và Lào mới có được.
Tất cả các hoạt động sôi nổi, có ý nghĩa giáo dục đó, chắc chắn sẽ để lại những dấu ấn sâu sắc, làm cho tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt – Lào ngày càng lan toả, thấm sâu hơn trong các tầng lớp nhân dân, tạo bước chuyển quan trọng cả về nhận thức và hành động, tạo nguồn cổ vũ, động viên to lớn và tạo đà mới đưa mối quan hệ hai nước lên tầm cao mới và còn giúp tuyên truyền cho bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn về mối quan hệ đặc biệt, thuỷ chung, trong sáng Việt – Lào.
Có thể nói Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 2017 đã trở thành ngày hội chung của nhân dân hai nước, như phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại họp báo bế mạc Năm Đoàn kết hữu nghị tại Hà Nội, ngày 20/12/2017: “Đây thực sự là năm đầy ấn tượng và có ý nghĩa hết sức sâu sắc trong đời sống chính trị - xã hội và là mốc son quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Lào. Những hoạt động kỷ niệm đó đã tạo thành phong trào thi đua, có sức lan toả mạnh mẽ, là dịp để tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, các địa phương và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về ý nghĩa, tầm quan trọng của truyền thống liên minh chiến đấu đặc biệt, sự ủng hộ chí nghĩa, chí tình giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển ở mỗi nước ngày nay. Qua đó, thấy rõ hơn trách nhiệm và có ý thức giữ gìn, phát huy mối quan hệ thuỷ chung, trong sáng này cho muôn đời sau. Những hoạt động của Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 2017 còn là nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của hai nước”.
PV: Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Lào luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, hòa nhập cuộc sống tại nước sở tại, đồng thời luôn hướng về quê hương, đất nước. Đại sứ đánh giá như nào về vai trò của cộng đồng người Việt trong việc góp phần thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam –Lào?
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Cộng đồng người Việt Nam tại Lào sinh sống và làm ăn hầu khắp ở các địa phương của Lào nhưng tập trung nhiều nhất là khu vực miền Trung và miền Nam. Sống xa quê hương, cộng đồng người Việt Nam luôn hướng về đất nước, phát huy truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, luôn giúp đỡ lẫn nhau, hòa nhập cuộc sống nước sở tại và trở thành cầu nối vững chắc trong quan hệ Việt – Lào. Nhiều gia đình Việt kiều thành đạt đã có nhiều hoạt động xã hội giúp bà con địa phương xóa đói, giảm nghèo, được các cấp chính quyền tin cậy, đánh giá cao.
Là một cộng đồng gắn bó, những người con Việt Nam tại Lào luôn một lòng hướng về quê hương, đất nước. Hàng năm, cùng với Đại sứ quán, các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán, các Tổng Lãnh sự và các doanh nhân, doanh nghiệp tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà mái ấm tình thương, ủng hộ đồng bào hai nước gặp khó khăn, thiên tai với tinh thần "tương thân, tương ái" “lá lành đùm lá rách"; tham gia kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, thăm viếng nhân dịp sinh nhật Bác Hồ và ngày Thương binh liệt sỹ; tham gia các chương trình do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức như: Xuân quê hương; thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa…
Riêng năm 2017 vừa qua, bà con cộng đồng người Việt đã phối hợp với Đại sứ quán, các Cơ quan đại diện ngoại giao của ta tại Lào tổ chức thành công đoàn công tác các cháu thiếu nhi Thủ đô Viêng Chăn về báo công với Bác Hồ và giao lưu với các bạn trong nước...; cùng với cán bộ nhân viên Đại sứ quán và các doanh nghiệp làm ăn tại Lào đã ủng hộ được hơn 1 tỷ đồng, một nửa số tiền này được gửi về trong nước và một nửa gửi ủng hộ nhân dân 14 tỉnh của Lào cũng chịu thiệt hại do hai cơn bão số 8 và 12 gây ra.
Bà con cộng đồng người Việt có mối quan hệ hòa nhập với văn hóa, phong tục tập quán của nhân dân địa phương nhưng vẫn luôn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của mình, đặc biệt về ngôn ngữ tiếng Việt. Ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Lào, bà con cộng đồng đều vận động xây dựng trường học với mong muốn để con cháu được học tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Đến nay, đã có 10 cơ sở giáo dục đào tạo thuộc cộng đồng người Việt quản lý, mỗi ngôi trường đều là nơi giao lưu, trao đổi văn hóa thông qua môn ngoại ngữ tiếng Việt được ưu tiên nhiều nhất trong chương trình giảng dạy. Các chùa Phật giáo do các Hoà thượng, nhà sư Việt Nam trụ trì cũng là nơi hội tụ người Việt Nam để giao lưu, học tập, trao đổi về văn hoá, lễ giáo Việt và tín ngưỡng Phật giáo Việt Nam. Ở nhiều nơi, chùa Việt Nam thực sự là một điểm gắn kết quan trọng của cộng đồng.
Trong chương trình hợp tác giữa hai bên, Đảng, Chính phủ ta dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt nhằm giúp Lào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Hàng năm, Chính phủ Việt Nam cấp hàng nghìn học bổng cho cán bộ, học sinh Lào, trong đó, dành 40 đến 50 suất cho con em Việt kiều sang học tập ở bậc đại học và sau đại học tại Việt Nam. Số học bổng này là món quà giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần, tác động tích cực, hiệu quả trong sự gắn kết tình cảm, tạo lòng tin tưởng, hướng về quê hương đất nước của bà con cộng đồng. Nhiều thế hệ con cháu của cộng đồng học tập tại Việt Nam về nước đã trở thành nhân tố quan trọng trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước Lào tươi đẹp phát triển và hội nhập, là cầu nối vững chắc trong quan hệ hai nước nhằm không ngừng vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam –Lào mãi mãi xanh tươi, đời bền vững.
PV: Trong thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã triển khai những hoạt động gì để các doanh nhân, doanh nghiệp, cộng đồng người Việt Nam ở Lào tiếp tục xây dựng, vun đắp, phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào?
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Để góp phần tăng cường, thúc đẩy quan hệ đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và có hiệu quả, Lãnh đạo Đảng và Chính phủ hai nước xác định phải tăng cường cả về số lượng và chất lượng hợp tác kinh tế giữa hai nước, đặc biệt là đầu tư và thương mại, đưa quan hệ kinh tế phát triển tương xứng với các mối quan hệ khác. Quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước được tăng cường và thúc đẩy thì các doanh nhân, doanh nghiệp và cộng đồng người Việt Nam ở Lào sẽ có điều kiện thuận lợi để đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội chung của mỗi nước, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội và hòa nhập với cộng đồng nước sở tại.
Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã tích cực triển khai công tác nghiên cứu, đánh giá, tham mưu và dự báo về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của nước bạn; các chính sách, các quy định pháp luật của Chính phủ Lào liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của nước ngoài về quan hệ kinh tế của các nước và tổ chức quốc tế với Lào để tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp của Việt Nam một cách kịp thời, góp phần đáng kể nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế giữa hai bên.
Hàng tháng, Đại sứ quán phát hành Bản tin Kinh tế Lào (bản cứng và website của Bộ Ngoại giao) cập nhật về thông tin kinh tế, đầu tư, thương mại cũng như các cơ chế, chính sách mới của Lào với nhiều nội dung thiết thực phục vụ cho cán bộ lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Lào.
Đại sứ quán luôn chủ động, tích cực và thường xuyên hỗ trợ các bộ ngành địa phương và doanh nghiệp trong việc xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch cũng như giải quyết các vấn đề liên quan trong quá trình triển khai hoạt động tại Lào. Phối hợp tổ chức thành công các diễn đàn, xúc tiến đầu tư, thương mại hàng năm. Riêng năm 2017, Đại sứ quán đã phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương hai nước tổ chức: Hội chợ Thương mại Việt Nam – Lào năm 2017, Hội nghị xúc tiến đầu tư – thương mại vào Lào (do thành phố Hồ Chí Minh tổ chức), Diễn đàn thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Lào năm 2017 và nhiều buổi Tọa đàm với các Doanh nhân, doanh nghiệp trong "Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2017". Thông qua các hoạt động gặp mặt, tổ chức các Hội nghị gặp đối thoại này, Đại sứ quán đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các nhà đầu tư để kiến nghị với Lãnh đạo hai nước những vấn đề còn vướng mắc và động viên, khuyến khích nhà đầu tư thực hiện tốt luật pháp nước sở tại; đồng thời, tổ chức quán triệt Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào và Campuchia” tới các nhà đầu tư, các cán bộ liên quan và coi đây là cơ sở triển khai các hoạt động.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán đã chủ động phối hợp, hỗ trợ các bộ ngành địa phương và doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, đối tác, thủ tục đầu tư, kinh doanh tại Lào; gặp gỡ, trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương tới địa phương bạn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án, đặc biệt là các dự án có quy mô đầu tư lớn, ảnh hưởng, tác động tích cực tới nền kinh tế mỗi nước. Đồng thời, Đại sứ quán đã tư vấn hiệu quả cho doanh nghiệp về thủ tục kinh doanh cũng như cảnh báo các trường hợp rủi ro; thường xuyên tham gia hòa giải và hỗ trợ giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn giữa các công ty Việt Nam hoạt động tại Lào cũng như giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác Lào trên cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ luật pháp nước sở tại. Trong quá trình triển khai đầu tư, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, cộng đồng người Việt Nam ở Lào đã tạo việc làm cho hàng vạn lao động, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân và đóng góp tích cực vào ngân sách của Lào; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả về chính sách xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước Lào. Đến nay, tổng kinh phí cho công tác an sinh xã hội đã đạt hàng trăm triệu USD, tập trung chủ yếu cho hạ tầng giao thông dân sinh, y tế, giáo dục….
Có thể nói, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, các doanh nhân, doanh nghiệp và cộng đồng người Việt Nam ở Lào ngày càng gắn kết, chung sức vun đắp cho mối quan hệ truyền thống, hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào.
PV: Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động như hiện nay, theo Đại sứ, hai nước phải làm gì để giữ gìn và vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào?
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Trong bối cảnh thế giới phát triển đầy biến động khó lường và phức tạp hiện nay, bên cạnh những vận hội phát triển, mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức gay gắt từ sự phát triển của bản thân mỗi nước và từ môi trường quốc tế, khu vực. Mặc dù vậy, chúng ta hết sức vui mừng nhận thấy trong các cuộc gặp gỡ tiếp xúc, các đồng chí Lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai nước đều thể hiện quyết tâm trước sau như một sẽ làm hết sức mình để làm cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachith chụp ảnh với các đại biểu tham dự Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Lào lần thứ IV diễn ra tại Lào vào tháng 7/2017. (Ảnh: Khánh Lan)
Hai nước đặt ưu tiên cao nhất là cùng phấn đấu tập trung mọi nỗ lực nhằm đưa mối quan hệ hữu nghị truyền thống vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào lên tầm cao mới, với phương châm thiết thực và hiệu quả. Tiếp tục coi quan hệ giữa hai Đảng là then chốt, thắt chặt quan hệ chính trị, tăng cường tin cậy và gắn bó lẫn nhau, coi đây là một trụ cột định hướng trong tổng thể quan hệ hợp tác, đưa các cơ chế hợp tác hiện có giữa hai Đảng, hai Nhà nước tiếp tục phát huy tốt hiệu quả, tăng cường trao đổi các Đoàn cấp cao, trao đổi các vấn đề lý luận và thực tiễn, học tập kinh nghiệm của nhau trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, trong phát triển kinh tế -xã hội, hội nhập quốc tế; tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại ngày càng chặt chẽ, đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả tích cực và giữ vai trò trụ cột trong quan hệ giữa hai nước; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư phát triển thực chất, hiệu quả để trở thành một trụ cột quan trọng và lâu dài trong quan hệ hai nước; tiếp tục đưa hợp tác văn hoá, giáo dục-đào tạo, khoa học-kỹ thuật thu được nhiều kết quả tích cực, giúp đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và lâu dài cho sự nghiệp phát triển đất nước, bổ sung những lợi thế cho nhau trong quá trình đổi mới và phát triển; gia tăng quan hệ hữu nghị và hợp tác hiệu quả giữa nhân dân hai nước, nhất là giữa các địa phương có chung đường biên giới, quan hệ giữa các tổ chức nhân dân, xã hội của hai nước không ngừng phát triển. Việc giáo dục cho nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống và giá trị của quan hệ Việt - Lào có ý nghĩa cực kỳ quan trọng và sẽ được hai bên chú trọng đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.
Nhân dịp này, thay mặt toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm và phối hợp của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhân dịp đầu Xuân mới Mậu Tuất, chúc các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ! Nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, chúc Đại sứ và toàn thể cán bộ nhân viên Đại sứ quán mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công./.