Hạn hán đang diễn ra tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Hạn hán ngày càng khốc liệt
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, tuy lượng mưa ở khu vực Bắc Bộ cao hơn trung bình nhiều năm nhưng khu vực Nam Trung Bộ lại thiếu hụt 30-50%, khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ thiếu hụt 10-20%.
Cùng với đó, những diện tích canh tác lấy nước tưới từ sông, suối (nhờ các đập dâng nhỏ) hoặc canh tác nhờ nước trời có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước ở vụ Đông Xuân 2015 - 2016.
Dự báo trong thời gian tới, từ tháng 10/2015 - 4/2016, lượng mưa ở khu vực Trung Bộ có khả năng thiếu hụt 30-50%; khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ và Bình Thuận có khả năng ở mức thấp hơn 20-40%. Mùa mưa ở các khu vực này khả năng kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm.
Đơn cử như tại Ninh Thuận - tỉnh có thời tiết khô hạn nhất cả nước; hằng năm, tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt cho người dân, nước uống cho gia súc và nước phục vụ sản xuất thường xuyên xảy ra. Từ cuối năm 2014 đến nay, tình hình hạn hán ngày càng gay gắt và diễn ra trên diện rộng. Đây là đợt hạn hán khốc liệt nhất trong 10 năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Tình hình hạn hán gay gắt, kéo dài đã gây ra thiếu nước sinh hoạt cho nhân dân; gia súc chết do thiếu thức ăn, nước uống; nhiều diện tích cây trồng bị thiệt hại, một số diện tích phải dừng sản xuất; người dân một số nơi bị thiếu đói…
Cà Mau cũng là tỉnh có nguy cơ đối mặt với hạn hán, nguy cơ cháy rừng cao. Căn cứ vào tình hình nguồn nước hiện tại và nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương về ảnh hưởng của El Nino, tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn xảy ra đối với tỉnh Cà Mau là rất nghiêm trọng.
Theo Quy hoạch thủy lợi, tỉnh Cà Mau chia làm hai vùng: Nam Cà Mau và Bắc Cà Mau, bao gồm 23 tiểu vùng (Bắc Cà Mau: 5 tiểu vùng; Nam Cà Mau: 18 tiểu vùng) và Vùng Quản lộ Phụng Hiệp do Trung ương đầu tư vào những năm 2000. Trong đó chỉ có tiểu vùng II và III Vùng Bắc Cà Mau thuộc phần lớn 02 huyện U Minh và Trần Văn Thời có diện tích tự nhiên gần 90.000 ha là giữ ngọt tại chỗ chủ yếu là nước mưa và khoảng trên 20.000 ha rừng tràm ở tiểu vùng I và IV thuộc huyện U Minh vùng Bắc Cà Mau.
Những vùng này có hệ thống thủy lợi khép kín để ngăn mặn giữ ngọt phục vụ sản xuất sinh hoạt và phòng cháy, chữa cháy rừng…Do không có nước ngọt bổ sung nên hệ thống kênh các cấp bị khô cạn và nước mặn thẩm thấu vào bên trong khi nắng nóng, hạn hán kéo dài làm ảnh hưởng rất lớn đến các trà lúa Đông Xuân trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đặc biệt, khu vực rừng tràm U Minh Hạ sẽ báo động cháy ở cấp cực kỳ nguy hiểm với thời gian kéo dài hơn và nguy cơ cháy rừng là rất cao.
Đặc biệt, với gần 300 nghìn ha đất nuôi trồng thủy sản, hiện tượng El Nino khiến nắng nóng kéo dài và biên độ triều mùa kiệt dẫn đến hệ thống kênh rạch tại tỉnh này bị cạn dần. Độ mặn nước sông tăng cao trên 30‰ thậm chí là trên 40‰ ở các ao đầm nuôi tôm, kéo theo tôm chết đồng loạt hoặc chậm phát triển (Cà Mau có 297.000 ha đất nuôi trồng thủy sản). Ngoài ra, các cây con nước ngọt sẽ giảm năng suất rất lớn, thậm chí có thể mất trắng…do các vùng này chưa có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, nhất là hệ thống phân ranh mặn ngọt.
Chủ động ứng phó với El Nino
Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng và Thủy văn Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường), biểu hiện của El Nino lần này rất rõ rệt. Trước tiên là tần suất xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới. Mùa bão năm nay, khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương xảy ra bão nhiều nhưng bão vào Biển Đông rất ít. Năm nay trên Biển Đông chỉ xuất hiện 5 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới. So sánh với năm 2013, năm xuất hiện nhiều bão nhất, đến thời điểm này đã có tới 18 cơn bão. Như vậy, số cơn bão năm nay chỉ bằng 1/3 so với năm nhiều nhất.
Bên cạnh đó, nền nhiệt cũng tăng hơn so với trung bình nhiều năm. Hè năm 2015 rất nóng, nhiều kỷ lục nhiệt độ đã được ghi nhận và bị phá vỡ. Trong khi đó, mùa mưa lại bắt đầu muộn và kết thúc sớm, lượng mưa cũng rất ít so trung bình. Các tỉnh miền Trung đang trong mùa mưa (từ tháng 9-12), lẽ ra đến thời điểm này phải mưa nhiều do đang là đỉnh điểm mùa mưa nhưng đến nay lại rất ít. Mùa mưa chính ở các khu vực khác như Tây Nguyên, Nam bộ, Bắc bộ cũng thiếu hụt so với trung bình hai năm liên tiếp. Năm 2014, thiếu hụt 10%, năm 2015 thiếu hụt khoảng 20-40%. Việt Nam, quốc gia nhiệt đới gió mùa với tài nguyên nước ngọt thấp sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi nguồn nước mưa bị hạn chế.
Cũng theo ông Hải, tình trạng hạn hán của Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh miền Trung khác như Khánh Hòa, Phú Yên…cũng có nguyên nhân sâu xa từ mùa mưa trước. Ở các địa phương này, mùa mưa trước do lượng mưa ít nên đã thiếu hụt đến 60% lượng nước mưa. Các hồ chứa nước ngọt không đủ nước để tích trữ. Mùa mưa năm nay lẽ ra sẽ bù lại lượng nước thiếu hụt đó nhưng lại thêm một mùa mưa ít nên khu vực này lại tiếp tục thiếu hụt nước. Hơn nữa, tại các tỉnh miền Trung, bão và áp thấp nhiệt đới đóng góp 40% lượng nước ngọt. Do đó, năm nào khu vực này thiếu bão, năm đó sẽ thiếu nước. Hai năm 2014 và 2015 chỉ có 2 cơn bão ảnh hưởng đến miền Trung nên việc thiếu hụt nước là tất yếu.
Tại hội nghị trực tuyến ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn 2015 - 2016 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì với sự tham gia của đại diện các Bộ, ban, ngành liên quan và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước mới đây, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp để đối phó với tình trạng hạn hán, thiếu hụt nước trên nhiều tỉnh, thành.
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, nguồn nước cần được ưu tiên cho thứ tự các mục tiêu: sinh hoạt, dịch vụ, chăn nuôi gia súc, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất công nghiệp...
Nội dung này cũng nằm trong những giải pháp ưu tiên của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai. Theo đó, cơ quan chức năng, các cấp các ngành cần thực hiện các biện pháp tăng cường tích trữ nước trong các hồ chứa trên cơ sở theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn; kiểm tra, tổng hợp cụ thể nguồn nước các hồ chứa, căn cứ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, phù hợp với khả năng nguồn nước; trong đó, ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao và các khu công nghiệp khi hạn hán xảy ra.
Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần xây dựng kế hoạch tích nước và điều tiết nước các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ du vào những thời kỳ khô hạn. Trước mắt, cần ưu tiên tích nước, kế hoạch phát điện cần căn cứ vào nhu cầu sử dụng nước ở hạ du của cả năm 2016.
Đối với các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn, các cơ quan dự báo, quan trắc cần tổ chức dự báo xâm nhập mặn, chủ động giám sát xâm nhập mặn tại các cửa lấy nước, để hỗ trợ nhân dân lấy nước, trữ nước vào những thời gian độ mặn ở mức cho phép; tăng cường các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm và áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn (SRI, nông-lộ-phơi, nhỏ giọt, phun mưa,…).
Các chuyên gia môi trường cũng cho rằng, giải pháp không kém quan trọng chính là việc đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống kênh mương ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, tăng cường khả năng cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Đồng thời, các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về tình hình khí tượng, thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn, lịch xả nước tăng cường từ các hồ chứa thủy điện, các chuyên đề hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm tiết kiệm nước, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn để nhân dân biết và chủ động phòng, tránh, đồng thời có ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
El Nino, biến đổi khí hậu và các hiện tượng cực đoan là điều tất yếu không thể tránh khỏi. Do đó, việc quan trọng hiện nay chính là tìm ra giải pháp căn cốt giúp người dân ứng phó và phát triển bền vững, lâu dài trước những biến đổi khôn lường của thời tiết hiện nay./.
Bích Liên