|
Biến thể Omicron tiếp tục lây lan khiến số ca COVID-19 tại một số nước tăng cao. (Ảnh: Reuters) |
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 28/12, đã có 250.858.388 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 25.356.244 ca bệnh đang điều trị, có 25.267.481 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 88.763 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 223 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, hiện ở mức 84.227.979 ca. Trong đó, 1.249.935 ca đã tử vong do COVID-19 và 81.548.775 ca được điều trị khỏi. Trong ngày qua, 3 quốc gia ghi nhận số người nhiễm COVID-19 nhiều nhất châu Á là: Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam và Ấn Độ khi có thêm lần lượt 26.099; 14.872 và 5.908 ca nhiễm mới; và 3 quốc gia có số trường hợp tử vong nhiều nhất là: Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ và Georgia với số trường hợp tử vong lần lượt là 204, 157 và 71 ca.
Với 84.181.250 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 28/12, châu Âu vẫn là khu vực có nhiều ca nhiễm nhiều thứ hai thế giới, trong đó có 1.512.297 ca tử vong và 73.097.376 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 347.396 ca nhiễm và 2.789 ca tử vong mới vì COVID-19. Anh, Tây Ban Nha và Italy là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có thêm lần lượt 98.515; 53.654 và 30.810 ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận trong ngày qua. Nga hiện là nước có thêm nhiều ca tử vong vì COVID-19 nhất khu vực, với 937 ca tử vong mới trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Hungary (436 ca) và Pháp (256 ca).
Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng trong 24 giờ qua, khi có thêm 179.944 ca nhiễm COVID-19 và 576 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 63.646.053 và 1.236.543 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ ba thế giới. Với 177.450 ca nhiễm và 527 ca tử vong mới vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico với con số thống kê lần lượt là 803 ca nhiễm mới và CH Dominica với 478 ca tử vong mới do COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 33.299 ca nhiễm và 200 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 39.510.037 ca và 1.190.882 ca tử vong. Argentina là nước có nhiều ca mắc mới nhất trong ngày qua khi có thêm 20.263 ca nhiễm mới trong khi Brazil là nước có thêm nhiều ca tử vong mới nhất (91 ca).
Tính đến sáng 28/12, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 9.596.042 ca, trong đó có 227.986 ca tử vong và 8.581.194 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 3.417.318 ca nhiễm và 90.829 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 3.778 ca nhiễm và 15 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 956.410 và 723.422 ca nhiễm bệnh cùng 14.832 và 25.538 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 474.666 ca nhiễm (tăng 10.315 ca) và 4.458 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 8 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 10.126 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 312.086 ca, trong đó 2.197 ca tử vong (tăng 7 ca).
Biến thể Omicron tiếp tục lây lan
Đến nay, gần một tháng sau khi biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 được công bố trên toàn cầu, biến thể Omicron tiếp tục lây lan khiến số ca COVID-19 tại một số nước tăng cao và nhiều nước siết chặt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Chính phủ Israel đã yêu cầu các bệnh viện trên cả nước chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình trạng quá tải do biến thể Omicron vẫn có nhiều dấu hiệu tiếp lan truyền, đặc biệt là trẻ em.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đã đẩy mạnh biện pháp tầm soát để sớm phát hiện và ngăn chặn sự lây lan của biến thể này. Chính phủ đã cấp phép xét nghiệm miễn phí tại khu vực lân cận với các địa phương đã xác định có ca nhiễm biến thể Omircon trong cộng đồng. Do đó, người dân tại các tỉnh giáp với Tokyo, Osaka, Kyoto, Fukuoka, Okinawa nếu cảm thấy nghi ngờ mắc COVID-19, sẽ được khuyến khích đến các cơ sở y tế để xét nghiệm PCR và toàn bộ chi phí xét nghiệm được nhà nước chi trả.
Pháp sẽ mở rộng và tăng cường một cách phù hợp các biện pháp đang được thực hiện. Cụ thể, trong vòng 3 tuần kể từ ngày 3/1/2022, các sự kiện quy mô lớn sẽ chỉ được giới hạn ở mức 2.000 người trong nhà và 5.000 người ngoài trời. Các buổi hòa nhạc ngoài trời hoàn toàn bị cấm. Việc tiêu thụ đồ ăn và thức uống trong rạp hát, rạp chiếu phim và trên phương tiện giao thông (kể cả khi đi đường dài) cũng không được phép…
Chính phủ Italy cũng đang xem xét việc rút ngắn thời gian cách ly đối với những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Theo quy định hiện nay, những người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 phải tự cách ly trong 7 ngày nếu họ đã tiêm vaccine và trong 10 ngày nếu họ chưa tiêm phòng. Từ ngày 10/1 tới, thời gian giữa mũi thứ 2 và mũi tăng cường giảm từ 6 tháng, xuống còn 4 tháng. Giới chuyên gia Italy dự báo số ca COVID-19 tại nước này sẽ tăng trong tháng 1/2022 và nước này sẽ bắt đầu tiêm mũi vaccine thứ 4 phòng COVID-19 cho người dân sớm nhất vào tháng 5/2022.
Tương tự, tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) nước này Mỹ thông báo giảm thời gian cách ly được khuyến nghị đối với những người mắc COVID-19 không triệu chứng từ 10 ngày xuống còn 5 ngày. CDC Mỹ khuyến cáo sau thời gian cách ly 5 ngày nói trên, mọi người nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác trong 5 ngày tiếp theo để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, cơ quan này cũng cập nhật khuyến nghị về thời gian cách ly đối với những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19, hoặc đã tiêm được 6 tháng liều vaccine theo công nghệ mRNA thứ hai, hoặc hơn 2 tháng sau khi tiêm vaccine của Johnson & Johnson loại một mũi./.