Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: KS)
Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) giai đoạn 2011 - 2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng cho biết, trong 5 năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng sự nỗ lực của các bộ, ngành, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, tình hình TTATGT có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và trên các quốc lộ trọng điểm có xu hướng cải thiện; vi phạm về chở hàng quá tải trên đường bộ đã giảm mạnh (khoảng 85%); học sinh, sinh viên đã có nhận thức và ý thức tự giác đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện; số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT tiếp tục giảm sâu, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế. Cụ thể TNGT đã giảm liên tục cả 3 tiêu chí về số vụ, số người bị chết và số người bị thương so với giai đoạn trước. Tính từ 2011 – 2015, TNGT giảm trên 50% số vụ (-19,5%/năm), giảm 23,7% số người chết (-7%/năm), giảm 60% số người bị thương (-25%/năm).
Giai đoạn 2011 – 2015, toàn quốc xảy ra 158.125 vụ TNGT (không xảy ra TNGT hàng không) làm chết 48.015 người, bị thương 162.058 người, giảm 34.835 số vụ (-18,06%), giảm 12.393 số người chết (-20,52%) và giảm 46.583 số người bị thương (-22,33%) so với giai đoạn 2006 – 2010.
So sánh giữa năm 2011 (đầu nhiệm kỳ) với năm 2015 (năm cuối nhiệm kỳ): Số vụ TNGT đã giảm 22.603 vụ (từ 44.548 vụ/năm 2011, xuống 21.945 vụ/năm 2015), tương đương -50,7%, (bình quân giảm 19,5%/năm). Số người chết do TNGT đã giảm 2.704 người (từ 11.395 người/năm 2011 xuống 8.691người/năm 2015), tương đương -23,7%, (bình quân giảm 7%/năm). Số người bị thương do TNGT đã giảm 28.829 người (từ 48.734 người bị thương/ năm 2011 xuống 19.905 người/năm 2015), tương đương giảm -59,2%, (bình quân giảm -25%/năm).
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị (Ảnh: KS)
Về tình hình ùn tắc giao thông, Uỷ ban ATGT Quốc gia đánh giá, trong 5 năm qua, với nhiều giải pháp quyết liệt, tình trạng ùn tắc giao thông ở các khu đô thị đông dân cư, các tuyến quốc lộ trọng điểm và tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã được khắc phục, hạn chế. Từ ngày 16/11/2010 đến ngày 15/10/2015, toàn quốc xảy ra 677 trường hợp ùn tắc giao thông kéo dài, xảy ra chủ yếu trên các tuyến quốc lộ trọng điểm và các khu vực đông dân cư, đô thị lớn thuộc các địa phương Thanh Hoá, Yên Bái, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Nam... Nguyên nhân chính do tai nạn giao thông (chiếm 32,22%), do xe hỏng (chiếm 28,3%), do sạt lở, sửa chữa, thi công cầu, đường và lễ hội (chiếm 37,5%). Hiện nay, Hà Nội còn 44 điểm ùn tắc, giảm 34 điểm so với năm 2011; TP Hồ Chí Minh không còn vụ ùn tắc giao thông trên 30 phút, giảm 31 vụ so với năm 2011.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, tình hình TTATGT cả nước vẫn còn những diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn gây nhiều người chết còn ở mức cao, đăc biệt là những vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến kinh doanh vận tải. Trong năm 2015, một số địa phương đã để TNGT tăng lên 10%, số TNGT đường thủy, đường sắt tăng cao cả 3 tiêu chí; tình trạng ùn tắc giao thông đang có hiện tượng tái diễn phức tạp tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm của xe quá tải vẫn còn diễn biến tại các địa phương có nhiều mỏ vật liệu, có đường biên giới; đáng chú ý có hiện tượng xe quá tải nhưng không bị xử lý, phát hiện…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao các địa phương, đoàn thể, các tổ chức, các ban, ngành có nhiều cố gắng để giảm TNGT thời gian qua. Trong đó, các giải pháp đưa ra đã được thực hiện đồng bộ, quyết liệt góp phần giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao bằng khen của Chính phủ
cho các cá nhân và tập thể có nhiều thành tích trong công tác đảm bảo
trật tự an toàn giao thông (Ảnh: KS)
Phó Thủ tướng đề nghị, từ kết quả tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cần đánh giá nghiêm túc những nguyên nhân, hạn chế trong công tác đảm bảo TTATGT để từ đó rút ra được bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như biện pháp để giảm TNGT trong thời gian tới. Phó Thủ tướng lưu ý, chỉ khi nào nhận thức của người dân về ATGT thay đổi thì văn hóa giao thông, TTATGT mới thực sự có chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, các địa phương, các ngành cũng cần thường xuyên tổ chức các buổi tổng kết, đánh giá công tác tuyên truyền, áp dụng khoa học công nghệ, thanh tra kiểm soát, đầu tư cơ sở hạ tầng…từ đó thực hiện mục tiêu kéo giảm từ 5 -10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT trong các năm tiếp theo.
Kết thúc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2016 – 2020 và trao bằng khen của Chính phủ cho các cá nhân và tập thể có nhiều thành tích trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông thời gian qua./.
Kim Sơn