|
Quang cảnh hội nghị ở điểm cầu Trung ương. |
Sáng 15/4, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm sau kiểm tra, giám sát (đợt 1) bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội nghị. Hội nghị được truyền hình trực tuyến tới tất cả 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Giám sát chặt chẽ, đúng quy trình
Đến thời điểm này, các công việc của bầu cử cũng như các công việc của MTTQ Việt Nam đã và đang được triển khai chủ động, tích cực. Công tác hướng dẫn và thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử được tiến hành kịp thời. Ngay sau Hội nghị triển khai công tác bầu cử của Hội đồng bầu cử quốc gia, MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai, tập huấn công tác bầu cử ngày 22/1/2021 với hơn 8.500 đại biểu tham dự tại 64 điểm cầu trên cả nước, Hội nghị tập huấn công tác giám sát bầu cử bầu cử ngày 23/2/2021 với hơn 7.600 đại biểu tham dự.
Do công tác bầu cử diễn ra ngay sau Đại hội Đảng các cấp, các chức danh HĐND, UBND các cấp mới được chỉ đạo kiện toàn xong, vì vậy việc tổ chức xây dựng cơ cấu, thành phần đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 rất thuận lợi. Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương được giữ vững; vai trò, chức năng của MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên trong tham gia cuộc bầu cử được thể hiện rõ nét. Vấn đề người tự ứng cử ở các địa phương không nhiều và được ứng cử dân chủ, bình đẳng, theo đúng quy định pháp luật về bầu cử.
Theo ông Ngô Sách Thực, thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bầu cử là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của MTTQ Việt Nam, với mục đích nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức triển khai công tác bầu cử tại các địa phương nhằm phát hiện những khó khăn, vướng mắc, những vi phạm pháp luật về bầu cử để hướng dẫn hoặc đề xuất với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền các biện pháp khắc phục kịp thời, góp phần bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thật sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thật sự là ngày hội của toàn dân.
Vừa qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì tiến hành giám sát đợt 1 tại 16 tỉnh, thành phố. MTTQ Việt Nam các cấp trên toàn quốc cũng đã triển khai hoạt động giám sát một cách tích cực. Ông Ngô Sách Thực cho rằng, kinh nghiệm bước đầu qua giám sát là công tác chuẩn bị phải hết sức đầy đủ, chu đáo. Công tác phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam và các thành viên của Mặt trận phải chặt chẽ, đồng bộ; quá trình triển khai nếu có vướng mắc cần kiến nghị giải quyết ngay.
|
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội nghị. |
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thông tin thêm: Lịch công tác giám sát đợt 1 tiến hành ở 16 tỉnh, thành phố vừa qua của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã được sắp xếp để cơ bản không trùng với lịch các Đoàn giám sát của Hội đồng bầu cử Quốc gia. Qua giám sát của Mặt trận đã phát huy tác dụng, khắc phục ngay những vướng mắc, thiếu sót. Việc hướng dẫn, chỉ đạo, nắm bắt sâu sát là một trong những nguyên nhân góp phần hạn chế khiếu nại bầu cử
Từ kết quả các đoàn giám sát, Phó Chủ tich Ngô Sách Thực lưu ý các địa phương tập trung sớm giải quyết các vướng mắc ở cơ sở ngay sau khi phát hiện, không nên để quá hạn, quá thời điểm, đặc biệt là những nội dung liên quan đến điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu HĐND.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp một số ý kiến nhằm phát huy ưu điểm, triển khai tốt hơn hoạt động giám sát bầu cử của MTTQ Việt Nam các cấp trong thời gian tiếp theo. Với tinh thần trách nhiệm, thảo luận dân chủ, các đại biểu đã tập trung đánh giá, rút kinh nghiệm, nêu những điểm khó khăn, bất cập trong triển khai các nội dung về công tác bầu cử của MTTQ Việt Nam.
Theo đó, các đại biểu đề nghị, tổ chức tập huấn cho các ứng cử viên nhằm tạo sự tự tin trong công tác vận động bầu cử; Quan tâm đến ứng cử viên là cán bộ trong hệ thống mặt trận trong HĐND các cấp để cán bộ có mặt trong các cơ cấu, thực hiện tốt nhất vai trò của Mặt trận trong hệ thống chính trị; Cần quy định điều kiện để loại ứng cử viên trong Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, khi ứng cử viên đều được 100% ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú bỏ phiếu tín nhiệm; Cần có quy định về việc điều chuyển người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND từ đơn vị bầu cử này sang đơn vị bầu cử khác...
Không để người ứng cử tham gia vào đơn vị bầu cử mà mình ứng cử
Tại Hội nghị, ông Phan Văn Vượng, Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thông tin về kết quả kiểm tra, giám sát (đợt 1) công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên một số mặt về: Việc quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo công tác bầu cử; việc thành lập và hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử; việc thực hiện các quy định về hiệp thương giới thiệu người ứng cử ĐBQH, HĐND; việc lập, tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ ứng cử; việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, phân loại, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bầu cử; công tác tuyên truyền về bầu cử; kết quả kiểm tra, giám sát bầu cử.
Theo đó, công tác chỉ đạo, tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại 16 tỉnh được triển khai khẩn trương, đồng bộ, thống nhất, dân chủ, công khai, đúng luật. Quá trình triển khai đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, phát huy dân chủ trong quá trình hiệp thương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần giới thiệu người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.
|
Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phan Văn Vượng thông tin tại Hội nghị. |
Việc xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác bầu cử trên địa bàn nghiêm túc, kịp thời, đúng quy định của pháp luật; phát huy tốt hình thức Hội nghị trực tuyến từ trung ương đến cơ sở. Các tổ chức phụ trách bầu cử được thành lập đúng quy định; việc lập hồ sơ, tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ ứng cử đảm bảo đúng thời gian; công tác tuyên truyền bầu cử được quan tâm triển khai tích cực, hiệu quả và có nhiều điểm mới, sáng tạo.
Để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, các tỉnh đã có sự chuẩn bị nghiêm túc, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra, giám sát. Tại các buổi làm việc, thành viên Đoàn và đại diện các địa phương trao đổi cởi mở, thẳng thắn; giải đáp, làm rõ những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai tổ chức bầu cử, bảo đảm linh hoạt, phù hợp, đúng quy định của pháp luật về bầu cử.
Tuy nhiên, qua quá trình làm việc, Đoàn kiểm tra, giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ghi nhận một số hạn chế, vướng mắc như vấn đề cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp mới được kiện toàn sau sáp nhập xã, sáp nhập khu dân cư (nhất là sau Đại hội Đảng) chưa có kinh nghiệm tham gia công tác bầu cử nên còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện công tác bầu cử, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, chất lượng tham mưu trong công tác bầu cử, đặc biệt là tại các khu dân cư.
Ngoài ra, một số văn bản hướng dẫn về công tác bầu cử của trung ương xuống tới địa phương còn chậm. Một số tỉnh phát triển, có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy sản xuất; dân nhập cư, người lao động và công nhân đông, gây khó khăn cho việc rà soát lập danh sách cử tri. Cùng với đó là một số địa phương danh sách giới thiệu người ứng cử trình tại các Hội nghị hiệp thương chưa đảm bảo số dư theo quy định, việc này gây khó khăn về dự phòng đại biểu được bầu, nếu có bất trắc xảy ra và làm cho quá trình hiệp thương mang tính hình thức. Một số địa phương đề nghị điều chỉnh cơ cấu, thành phần sát với thời điểm hội nghị hiệp thương lần ba, gây khó khăn cho quá trình tổ chức hiệp thương...
|
Hội nghị được truyền hình trực tuyến tới tất cả 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trong cả nước. (Đây là điểm cầu TP Hà Nội) |
Từ thực tế đó, Đoàn giám sát kiến nghị Hội đồng bầu cử Quốc gia ban hành hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bầu cử trong điều kiện nếu có bùng phát dịch COVID-19 và thiên tai, bão lũ, nhất là đối với việc xác định tư cách, lập, niêm yết danh sách cử tri tại những khu cách ly xã hội, khu chữa bệnh tập trung và bảo đảm các điều kiện cho các cử tri trong các khu vực này thực hiện quyền bầu cử của mình.
Dự kiến, đợt giám sát thứ hai sẽ diễn ra từ ngày 20/4 - 22/5/2021, với việc triển khai 5 Đoàn giám sát công tác bầu cử tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc giám sát tập trung vào việc lập, niêm yết danh sách cử tri; việc lập, niêm yết danh sách những người ứng cử; việc vận động bầu cử; công tác chuẩn bị các điều kiện tổ chức bầu cử...
Phó Trưởng Ban dân chủ- Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, rút kinh nghiệm từ đợt giám sát lần 1, khi thấy một số đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có tình trạng người được giới thiệu ứng cử là thành viên Ban bầu cử cùng cấp, việc này vi phạm quy định tại Luật Bầu cần được rà soát, có biện pháp khắc phục kịp thời. Trong quá trình kiểm tra, giám sát, rà soát không để tình trạng những người ứng cử tham gia vào tổ bầu cử Ban bầu cử thì đơn vị bầu cử mà mình ứng cử.../.