Giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm trong khai thác khoáng sản

Thứ tư, 28/08/2024 21:16
(ĐCSVN) - Đại biểu Quốc hội phản ánh tình trạng ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn... trong quá trình khai thác, vận chuyển khoáng sản gây ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của người dân; đề nghị cần có những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn giải quyết tận gốc vấn đề này.

Chiều 28/8, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu đã cho ý kiến về dự án Luật Địa chất và khoáng sản.
Phải cam kết cụ thể ưu tiên sử dụng lao động địa phương.

 Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) phát biểu ý kiến

Tham gia góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) đề cập đến quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Theo đại biểu,  dự luật quy định "Ưu tiên sử dụng lao động địa phương để thực hiện dự án khai thác khoáng sản và các dịch vụ có liên quan" là chưa đảm bảo tính ràng buộc đối với các doanh nghiệp. 

“Trong thực tế các đơn vị khai thác khoáng sản thường viện dẫn các lý do về sức khỏe, về trình độ chuyên môn để không nhận lao động tại địa phương vào làm việc tại các mỏ, dẫn đến không những không tạo được công ăn việc làm cho người lao động sở tại mà còn tạo sự phản ứng gay gắt từ những người dân chịu sự tác động của việc khai thác khoáng sản, đôi lúc dẫn đến phức tạp về an ninh, trật tự tại địa phương” - đại biểu nêu. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu điều chỉnh lại và đề nghị điểm này điều chỉnh theo hướng: "Tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản có bản cam kết cụ thể việc ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào khai thác khoáng sản và các dịch vụ có liên quan". 

Đại biểu bày tỏ tán thành việc quy định các nội dung nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản được dự thảo nêu ra. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều trường hợp có những diễn biến thật sự gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là đối với các mỏ khai thác đá, xi măng, đất... Những mỏ khoáng sản này lại được khai thác bằng phương pháp nổ mìn gây ra nhiều dư chấn, làm rung chuyển nhà cửa, các công trình trong phạm vi nổ. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn… trong quá trình khai thác, vận chuyển khoáng sản gây ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của người dân trong vùng sinh sống.

Theo đại biểu, một số nơi đã phản ứng quyết liệt bằng cách tìm cách ngăn chặn việc vận chuyển, khai thác dẫn đến mất an ninh trật tự tại những mỏ khai thác khoáng sản. Vì vậy, đề nghị cần có những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn giải quyết tận gốc vấn đề này và không để người dân trong khu vực bị ảnh hưởng khi tiến hành khai thác khoáng sản. 

Tăng cường trách nhiệm của tổ chức khai thác tài nguyên, khoáng sản với các địa phương 

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) tham gia góp ý về quy định liên quan đến cấp giấy phép khai thác khoáng sản quy định. Dự thảo luật đang quy định thời gian khai thác khoáng sản gồm thời gian xây dựng cơ bản, thời gian khai thác, thời gian đóng cửa mỏ được xác định theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản nhưng không quá 30 năm và có thời gian gia hạn nhiều lần, được gia hạn nhiều lần không quá 20 năm. 

Theo đại biểu, điều này không phù hợp, đề nghị cần phải đánh giá tác động rất kỹ. “Nếu quy định như thế này chúng ta vô hình chung sẽ giảm thời gian, có thể có những doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng dừng không được tiếp tục khai thác và lại được gia hạn nhiều lần,  nhiều lần nhưng tổng thời gian gia hạn 20 năm gần bằng tổng thời gian cho phép khai thác khoáng sản là không phù hợp” - đại biểu phát biểu. Điều này có thể sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính, lập hồ sơ mất thời gian và tốn kém cho doanh nghiệp. 

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) phát biểu ý kiến 

Tham gia góp ý, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) cơ bản tán thành với những bổ sung của dự thảo luật về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cá nhân, cộng đồng dân cư nơi có khoáng sản khai thác. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, so với Điều 5 luật hiện hành, dự thảo luật không quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trong báo cáo tổng kết thi hành luật không đề cập kết quả thực hiện trách nhiệm của các tổ chức khai thác khoáng sản.Hiện nay dự thảo luật quy định trách nhiệm của tổ chức khai thác khoáng sản trong bảo vệ môi trường.

Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung quy định mức tối thiểu tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản hằng năm hỗ trợ chi phí đầu tư, nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng, bảo vệ môi trường nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của tổ chức khai thác tài nguyên, khoáng sản đối với các địa phương nơi thực hiện khai thác khoáng sản. 

Liên quan trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, đại biểu nhất trí với phương án giữ nguyên quy định giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản. Bởi cho rằng, quy định như hiện hành đảm bảo phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng về gắn kết chặt chẽ, hiệu quả từ khâu quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác đến chế biến, sử dụng khoáng sản; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch và chống tiêu cực, lãng phí tài nguyên khoáng sản.

Quy định này cũng đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật hiện nay. Chúng ta đang duy trì tính ổn định trong việc phân công trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các bộ, địa phương, theo đó ở đây là việc phối hợp giữa các bộ liên quan trong việc lập quy hoạch. Đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo và có những quy định rõ trong việc tổ chức phối hợp để làm sao quá trình tổ chức thực hiện đạt hiệu quả.

Mặt khác, theo đại biểu, quy định này đảm bảo gắn kết giữa công tác lập quy hoạch với việc tổng hợp thông tin, số liệu, đánh giá và xác định nhu cầu sử dụng tài nguyên, khoáng sản./.

Minh Duyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực