Giám sát phải có hiệu lực, những sai phạm phải được xử lý

Thứ sáu, 17/11/2023 16:03
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hoạt động giám sát không chỉ đạt mục đích, phát hiện ra vấn đề, đưa ra các kiến nghị mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát và thực thi các kiến nghị đó một cách nghiêm túc. Những sai phạm phải được xử lý...

Sáng 17/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Hội nghị đã nghe các phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến phát biểu của đại diện các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các địa phương. Qua đó đã tập trung làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan trong các hoạt động giám sát; đồng thời trao đổi, thống nhất về nhận thức, nội dung, công tác phối hợp, các biện pháp để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024. 

Hiệu lực, hiệu quả các hình thức giám sát đều được tăng cường

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là hội nghị lần thứ 3 trong nhiệm kỳ về triển khai chương trình giám sát của Quốc hội. Cách thức tổ chức hội nghị này thực tiễn đã chứng minh cho thấy hiệu quả cao, từ đó thống nhất được nhận thức và hành động để kết quả giám sát ngày càng tốt hơn. 

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc hội nghị (Ảnh: QH)

Đánh giá kết quả nổi bật của công tác giám sát trong năm 2023, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hiệu lực, hiệu quả các hình thức giám sát của Quốc hội đều được tăng cường. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội được duy trì đều đặn, cương quyết làm và làm có kết quả. Việc lựa chọn chủ đề chất vấn, tìm tòi, đổi mới hoạt động chất vấn ngày càng được quan tâm và có những hiệu quả cụ thể. 

Chủ tịch Quốc hội ví dụ, chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu vừa qua, trong 21 lĩnh vực "mênh mông bể sở" như vậy, chúng ta đã đổi mới, sắp xếp thành 4 nhóm lĩnh vực để chất vấn; lần đầu tiên có cả Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng và các bộ trưởng, trưởng ngành đều tham gia trả lời, làm rõ được thực trạng  và nêu ra rất nhiều giải pháp. 

Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục là một điểm sáng trong tổ chức giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được tổ chức nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả. Đơn cử như chuyên đề giám sát 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, lúc đầu nhiều người cũng nói là mới triển khai được vài ba năm thì giám sát có nên không. Hay như năm 2022, khi Quốc hội quyết định tiến hành giám sát tối cao về công tác quy hoạch, nhiều người cũng bảo Luật Quy hoạch mới thực hiện có vài năm thì có nên giám sát không? 

"Tuy nhiên, thực tiễn đã cho thấy, nhờ có giám sát việc thực hiện Luật Quy hoạch mà Quốc hội đã ban hành được Nghị quyết số 61 gần như tháo gỡ hoàn toàn các vướng mắc, các tồn đọng, bất cập về công tác quy hoạch, giải quyết cả những khoảng trống pháp lý. Nhờ đó mà công tác quy hoạch được đẩy mạnh hơn rất nhiều. Nếu không có giám sát của Quốc hội thì không biết là bây giờ công tác quy hoạch đã đến đâu? Với 3 chương trình mục tiêu quốc gia cũng tương tự như vậy, khi Quốc hội quyết định giám sát là đã tạo chuyển biến rồi, trong quá trình giám sát tạo ra chuyển biến rất lớn. Quốc hội cùng với Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện 3 Chương trình hết sức quan trọng này", Chủ tịch Quốc hội cho biết. 

Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá, hoạt động tái giám sát, giám sát những vấn đề sau giám sát được quan tâm nhiều hơn, theo đến cùng các vấn đề. Điểm mới trong hoạt động này là bên cạnh việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các nghị quyết giám sát chuyên đề, nghị quyết về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn gửi báo cáo giám sát đến các cơ quan chức năng của Trung ương để xem xét. Đảng đoàn Quốc hội cũng chắt lọc những nội dung, nhất là những vấn đề kiến nghị về chuyên đề giám sát để Báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan trong khối nội chính có liên quan. 

"Nhiều đồng chí nói hiệu lực, hiệu quả của giám sát như thế nào? Thì đây chính là một nội dung chúng ta đã làm, đang làm và sẽ làm tiếp chứ không phải giám sát, ban hành nghị quyết là coi như xong. Giám sát phải có hiệu lực. Tốt thì phải được biểu dương, nhân rộng mô hình tốt, người tốt, việc tốt. Những sai phạm thì phải được xem xét, xử lý. Những vấn đề có khuyết điểm thì phải được kiểm điểm trách nhiệm, rút kinh nghiệm. Không thể nói chung chung được", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Quan tâm hơn nữa "hậu giám sát"


Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh bối cảnh của năm 2024 là năm chuẩn bị cho đại hội các cấp, tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, do đó công tác phối hợp phải hết sức cân nhắc để vừa đạt được yêu cầu mục tiêu giám sát, vừa đỡ ảnh hưởng đến địa phương, cơ sở. 

Theo đó, hoạt động giám sát năm 2024 cần tập trung cao độ cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; sẽ ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan Quốc hội; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết liên tịch để tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. 

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: QH) 

Các Đoàn giám sát chuyên đề cần tận dụng tối đa các tài liệu hồ sơ sẵn có về sơ kết, tổng kết, đánh giá những nội dung là liên quan đến vấn đề giám sát, nhất là những nội dung mà trong quá trình thảo luận để thông qua các luật sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp này hoặc là tại kỳ họp. Tập trung vào giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết và nhất là khâu tổ chức thực thi để luật và các chủ trương đi vào cuộc sống và thực hiện nghiêm. 

Đối với các hình thức giám sát khác, tiếp tục nghiên cứu cách thiết tiến hành chất vấn tại các kỳ họp và phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; làm tốt chất vấn giữa nhiệm kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về thẩm tra các báo cáo phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, trên cơ sở sử dụng tối đa các hoạt động giám sát thường xuyên của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, các nguồn thông tin, tài liệu khác.

Về giám sát các văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải sớm báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục công tác tổng rà soát theo Nghị quyết 101/2023/QH15; đặc biệt tập trung vào việc cải cách hành chính, nhất là về thủ tục hành chính.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị quan tâm hơn nữa đến công tác giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát. Tập trung đổi mới, tiếp tục tạo chuyển biến về chất trong hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội. Chú trọng tăng cường giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội gắn với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giám sát của đại biểu Quốc hội. Tăng cường hoạt động của công tác phối hợp với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, hệ thống chính trị ở địa phương...

Hoạt động giám sát không chỉ đạt mục đích, phát hiện ra vấn đề, đưa ra các kiến nghị mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát và thực thi các kiến nghị đó một cách nghiêm túc. Những sai phạm phải được xử lý. Những chính sách chưa hoàn thiện phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn. “Do đó, hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung được xác định là một trong các khâu trọng tâm then chốt để nâng cao hiệu lực hoạt động của Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nói./.

TG

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực