Tham dự cuộc Tọa đàm có các ông: Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam; Đào Việt Ánh - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam.
Các khách mời tham dự Tọa đàm "Gỡ vướng trong khởi kiện trốn đóng bảo hiểm xã hội". Ảnh: ĐT.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi năm 2014, từ 1/1/2016, tổ chức công đoàn được giao quyền khởi kiện doanh nghiệp, cá nhân nợ BHXH. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm quy định này có hiệu lực, tổ chức công đoàn chưa khởi kiện thành công một vụ nào.
Nguyên nhân được chỉ ra là do vướng mắc về pháp lý, bất cập giữa một số quy định trong các Luật, Bộ luật là: Lao động, BHXH, Công đoàn, Tố tụng dân sự. Bên cạnh đó, năng lực và trình độ đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở hiện nay khó có thể thực hiện việc khởi kiện, tham gia tố tụng...
Chỉ có khoảng 47% doanh nghiệp đóng BHXHChia sẻ về thực trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH hiện nay và khả năng thu nợ, ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, cho biết, tính đến hết quý I/2017, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 14.019 tỷ đồng (bằng 4,95% so với kế hoạch giao thu), tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nợ BHXH là 10.001 tỷ đồng, nợ BHTN 552 tỷ đồng, nợ BHYT 3.466 tỷ đồng.
Ông Đào Việt Ánh cũng cho biết thêm, theo số liệu Tổng cục Thuế cung cấp, có khoảng gần 500 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên mới có 235 nghìn doanh nghiệp đóng BHXH, đạt khoảng 47%.
Còn theo Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, toàn quốc có khoảng 15 triệu người lao động làm việc thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tuy nhiên mới có 13 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, chiếm khoảng 86%.
Theo ông Đào Việt Ánh, tình trạng nợ đọng BHXH diễn ra ở tất cả loại hình kinh tế, nhưng tập trung vào khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Nguyên nhân chính là do tính tuân thủ pháp luật BHXH của chủ sử dụng lao động chưa cao, chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, chưa quan tâm đến quyền lợi BHXH đối với người lao động.
Điều đáng lo ngại nhất là hiện nay có khoảng 1.400 tỷ đồng nợ BHXH từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn. Số tiền này được theo dõi trên hệ thống sổ sách đã hơn 10 năm. Đây là dạng “nợ treo” hầu như không thể thu hồi và quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp này cũng bị “treo” chưa được giải quyết. Đến hết ngày 31/12/2015, trong số 1.400 tỷ đồng tiền nợ có 193.661 người lao động bị ảnh hưởng đến quyền lợi.
Vì sao việc khởi kiện bế tắc?Sự chồng chéo và khoảng trống về pháp luật thực hiện BHXH được cho là nguyên nhân chính khiến khởi kiện bế tắc. Để tổ chức công đoàn khởi kiện và được toà án chấp nhận thụ lý vụ án khởi kiện, cần phải căn cứ vào Bộ luật Tố tụng dân sự, thế nhưng Luật BHXH có hiệu lực từ 1/1/2016, Bộ luật Tố tụng dân sự thì ngày 1/7/2016 mới có hiệu lực. Tiếp theo đó, Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ 1/7/2016, nhưng phải tạm dừng để chờ tới Kỳ họp Quốc hội tới đây cho ý kiến. Quan điểm của các vị khách mời về sự bất cập này đều cho rằng, trước đây, khi cơ quan BHXH là người khởi kiện đơn vị nợ BHXH để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thì việc khởi kiện thực hiện theo thủ tục vụ án dân sự. Khởi kiện là một trong những biện pháp thu hồi nợ hiệu quả của ngành BHXH.
Còn hiện nay, theo Luật BHXH và Luật Công đoàn thì công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp (với những đơn vị, doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở) có trách nhiệm đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện ra Tòa.
Tuy nhiên, việc khởi kiện đòi hỏi phải do công đoàn cơ sở khởi kiện hoặc phải có giấy ủy quyền của người lao động. Đây là một khó khăn khiến việc khởi kiện của tổ chức công đoàn chưa phát huy hiệu quả.
Ngoài ra ở nhiều nơi, còn có tình trạng công đoàn cơ sở không dám đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn cấp trên khởi kiện. Người lao động lại càng không dám ủy quyền cho tổ chức công đoàn kiện chủ doanh nghiệp của mình khi bản thân cần có công ăn việc làm. Những nguyên nhân này mang tính hệ thống và là thực tế không thể thay đổi một sớm một chiều.
Trong khi đó, Bộ luật Hình sự năm 2015, Điều 216 quy định về tội trốn đóng BHXH cho người lao động, người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 3 tỷ đồng, phạt tù tới 7 năm. Tuy nhiên, Bộ luật chưa được thi hành nên chưa tạo được sự “răn đe” hiệu quả đối với nhiều chủ sử dụng lao động đang trốn đóng, nợ đọng BHXH.
Vì vậy, BHXH Việt Nam kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, TAND Tối cao nên có những điều chỉnh về chính sách, quy định của pháp luật sao cho hài hòa để có thể bảo vệ lợi ích của người lao động, lợi ích của Nhà nước một cách hiệu quả nhất.
Đề xuất giải pháp khởi kiện hiệu quảNêu quan điểm, đề xuất giải pháp để khởi kiện hiệu quả hơn, bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động, ông Đào Việt Ánh và ông Mai Đức Chính cho rằng, những khó khăn, vướng mắc khi cơ quan BHXH không được quyền khởi kiện đơn vị nợ BHXH hay khó khăn, vướng mắc gặp phải khi tổ chức công đoàn thực hiện khởi kiện đơn vị nợ BHXH đã được BHXH Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam báo cáo kịp thời với Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền.
Cuối tháng 3 vừa qua, tại cuộc họp liên ngành giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam, BHXH Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao và các bộ, ngành có liên quan, vấn đề quyền khởi kiện của cơ quan BHXH, khó khăn khi tổ chức công đoàn khởi kiện đã được thảo luận, xem xét. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành cơ bản nhất trí đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét điều chỉnh quy định pháp luật theo hướng cho phép cơ quan BHXH khởi kiện vụ án dân sự về nợ BHXH.
Căn cứ tình hình khởi kiện trong thời gian vừa qua, các vị khách mời đề xuất, để công tác khởi kiện được thực hiện hiệu quả hơn cần thực hiện đồng bộ các giải pháp gồm:
Thứ nhất: Ngoài việc để tổ chức công đoàn khởi kiện, BHXH Việt Nam cũng kiến nghị các cấp, cơ quan có thẩm quyền cho phép cơ quan BHXH (với tư cách đại diện Nhà nước quản lý sử dụng quỹ BHXH) cũng có quyền khởi kiện đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa, nhằm đảm bảo quyền lợi không chỉ cho người lao động mà còn cho lợi ích của cả xã hội...
Thứ hai: Đề nghị điều chỉnh quy định pháp luật theo hướng cho phép công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được quyền khởi kiện đơn vị nợ BHXH (hiện nay đang quy định cho công đoàn cơ sở thực hiện).
Thứ ba: Tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng của hệ thống cán bộ công đoàn đảm nhiệm công tác khởi kiện; phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH các cấp để nắm bắt thông tin, hỗ trợ thực hiện việc khởi kiện. Nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, tập thể người lao động.
Thứ tư: Đề nghị tổ chức công đoàn phối hợp với cơ quan BHXH các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các đơn vị sử dụng lao động; nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân người lao động./.