Hà Nội: Gia tăng nhóm tội phạm kinh tế, lừa đảo qua mạng

Thứ ba, 05/07/2022 20:04
(ĐCSVN) – Thời gian gần đây, tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn biến phức tạp. Cùng với đó, tình hình tội phạm 6 tháng đầu năm 2022 mặc dù giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên tiềm ẩn gia tăng ở nhóm tội kinh tế, chức vụ, tham nhũng, lừa đảo qua mạng...
Phó Chánh án TAND TP Hà Nội Đào Sỹ Hùng báo cáo tại kỳ họp. 

Báo cáo tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XVI ngày 5/7 về công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022 của Tòa án Nhân dân (TAND) hai cấp TP Hà Nội, Phó Chánh án TAND TP Hà Nội Đào Sỹ Hùng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, TAND hai cấp TP Hà Nội đã thụ lý 23.163 vụ việc các loại; giải quyết 14.404 vụ việc, đạt tỷ lệ 62,18%.

Cụ thể, về án hình sự, TAND hai cấp đã thụ lý 4.871 vụ/9.643 bị cáo; giải quyết 3.947 vụ/7.253 bị cáo; đạt tỷ lệ giải quyết hơn 81%. Trong đó, đối với tội phạm về tham nhũng, TAND hai cấp TP Hà Nội thụ lý 39 vụ/112 bị cáo bị truy tố về tội phạm tham nhũng; giải quyết 25 vụ/68 bị cáo.

Theo Phó Chánh án TAND TP Hà Nội Đào Sỹ Hùng, thời gian gần đây, tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2022, TAND hai cấp thụ lý 19 vụ/76 bị cáo bị truy tố các tội liên quan đến tín dụng đen; giải quyết 11 vụ/59 bị cáo. Phần lớn các bị cáo đều bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn, đảm bảo hiệu quả răn đe, phòng ngừa chung.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2022, TAND hai cấp thụ lý 45 vụ/50 bị cáo bị truy tố các tội xâm hại tình dục trẻ em; giải quyết 43 vụ/48 bị cáo…

Đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, TAND TP Hà Nội luôn chú trọng đến công tác thông tin, tuyên truyền, bố trí thêm phòng trực tuyến để tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí, phóng viên theo dõi đưa tin kịp thời về diễn biến và kết quả phiên tòa, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022, các trung tâm hòa giải, đối thoại thuộc TAND hai cấp TP Hà Nội tiếp nhận 4.085 đơn khởi kiện; đã tiến hành hòa giải, đối thoại với 3.330 đơn, trong đó có 1.073 đơn hòa giải, đối thoại thành, 389 đơn người khởi kiện rút đơn, 821 đơn không tiến hành hòa giải, đối thoại được, 1.047 đơn hòa giải, đối thoại không thành. Tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành và rút đơn trên tổng số đơn đã giải quyết đạt 43,9%.

TAND hai cấp TP Hà Nội đã giải quyết được nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, được dư luận đồng tình ủng hộ, điển hình như vụ án Nguyễn Quốc Anh và đồng phạm bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai... Những thiếu sót trong công tác xét xử đã được kiến nghị và chấn chỉnh kịp thời nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các loại án của TAND hai cấp TP Hà Nội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, TAND hai cấp TP Hà Nội vẫn còn một số vụ án chậm giải quyết; một số đơn vị vẫn còn chậm triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án…

Trong 6 tháng cuối năm, TAND TP đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản nhà nước, chú trọng công tác thu hồi tài sản, kiên quyết khởi tố vụ án tại phiên tòa nếu phát hiện tội phạm mới và người phạm tội mới.

Phó Chánh án TAND TP Hà Nội kiến nghị Quốc hội rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật như: quy định tại Điều 60 Luật tố tụng hành chính hay thời hạn giải quyết khiếu nại của Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự cho phù hợp thực tiễn...

* Cũng báo cáo tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XVI về công tác kiểm sát 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2022, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) TP Hà Nội Đào Thịnh Cường cho biết, Cơ quan điều tra (CQĐT) đã khởi tố mới 4.197 vụ, Viện KSND phê chuẩn quyết định khởi tố 6.280 bị can, giảm 761 vụ (15,4%), 567 bị can (8,3%) so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, đối với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia đã phát hiện và khởi tố 2 vụ/2 bị can về các tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Nhân dân, tội Tuyên truyền nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Về tội phạm về ma túy, khởi tố 1.529 vụ/2.035 bị can.

 Viện trưởng Viện KSND TP Hà Nội Đào Thịnh Cường báo cáo tại kỳ họp.

Viện KSND đã thụ lý thực hành quyền công tố, kiểm sát việc thụ lý, giải quyết đối với 13.132 tố giác, tin báo về tội phạm; đã ban hành 90.071 yêu cầu xác minh, đã yêu cầu khởi tố 35 vụ án; trực tiếp kiểm sát tại 11 cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra…

Viện KSND hai cấp đã kiểm sát chặt chẽ, phối hợp với CQĐT đảm bảo việc phân loại, xử lý có căn cứ, đúng pháp luật đối với 4.917 người, tỷ lệ bắt giữ chuyển khởi tố hình sự đạt 100%.

Về tội phạm về tham nhũng và chức vụ, đã khởi tố 13 vụ/24 bị can; về tội phạm về kinh tế và môi trường, đã khởi tố 121 vụ/173 bị can; về tội phạm xâm phạm sở hữu, đã khởi tố 1.494 vụ/1.268 bị can, về tội phạm về trật tự xã hội, khởi tố 1.037 vụ/2.777 bị can. Riêng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em giảm, tuy nhiên vẫn diễn biến phức tạp, đã khởi tố 46 vụ…

Theo Viện trưởng Viện KSND TP Hà Nội Đào Thịnh Cường, để thực hiện tốt các mục tiêu và nhiệm vụ của ngành kiểm sát, Viện KSND hai cấp thành phố đã chủ động triển khai các yêu cầu công tác của ngành, của địa phương. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót như: một số chỉ tiêu còn thấp so với cùng kỳ (tỷ lệ giải quyết án tại CQĐT; tỷ lệ giải quyết án hành chính...); vẫn còn xảy ra các vụ án phải trả điều tra bổ sung có trách nhiệm của Viện KSND; án bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm tuyên hủy án có trách nhiệm của Viện KSND.

Đáng chú ý, tình hình tội phạm 6 tháng đầu năm 2022 mặc dù giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên tiềm ẩn gia tăng ở nhóm tội kinh tế, chức vụ, tham nhũng. Bên cạnh đó những ảnh hưởng tiêu cực từ đời sống xã hội và kinh tế cũng là một nguyên nhân dẫn đến các tội phạm liên quan đến trị an, sở hữu, tranh chấp dân sự, hành chính diễn biến đa dạng, phức tạp. Đáng lưu ý, số vụ án hình sự khởi tố mới ở các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh tăng đột biến như Gia Lâm, Sóc Sơn, Hà Đông, Đông Anh.

Do vậy, Viện KSND TP Hà Nội đề nghị HĐND TP chỉ đạo các cơ quan có liên quan tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội trên tất cả các lĩnh vực, thường xuyên thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý.

Đặc biệt, mặc dù đã có nhiều cảnh báo của từ các cơ quan nhà nước, phương tiện truyền thông, tuy nhiên hiện tượng lừa đảo qua mạng, giả danh cơ quan pháp luật, cơ quan nhà nước để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản vẫn xảy ra nhiều, thậm chí cả với những người có trình độ nhất định, số tiền bị chiếm đoạt đến nhiều tỷ đồng. Vì vậy, đề nghị HĐND chỉ đạo các cơ quan có liên quan tiếp tục tuyên truyền rộng rãi đến Nhân dân; các đơn vị cung cấp viễn thông, các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng nâng cao cảnh giác, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp lừa đảo này./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực