|
Quang cảnh Hội nghị. |
Sáng 29/6, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố (TP) Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban quý II/2023 với lãnh đạo quận, huyện, thị xã. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối điểm cầu Thành ủy Hà Nội với các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận 2 nội dung: Công tác cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện mức độ hài lòng của cơ quan, tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp thành phố; công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội.
Đến tháng 6/2023, đã giảm 2.385 biên chế viên chức so với năm 2022
Báo cáo về kết quả công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mức độ hài lòng của cơ quan, tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết, 6 tháng đầu năm, thành phố đã có nhiều chủ trương, giải pháp, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, nhất là triển khai các kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá cũng như sơ kết rút kinh nghiệm. Tập trung vào những cơ quan, địa phương, đơn vị được đánh giá thuộc nhóm có chỉ số thấp và có thông tin dư luận phản ánh chưa tốt. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố đã tạo được một số kết quả và có chuyển biến bước đầu trong thực thi nhiệm vụ.
Đến nay, 100% sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành các văn bản, kế hoạch cải thiện, nâng cao các Chỉ số PAR Index, SIPAS giai đoạn 2020 - 2025. Qua kiểm tra của thành phố, các cơ quan, đơn vị đã cơ bản nghiêm túc thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính của công dân; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, đem lại sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với bộ máy chính quyền thành phố.
Cụ thể, về cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông", tính đến ngày 10/6/2022, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố là: 1.875 TTHC; 100% TTHC được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông"; việc tiếp nhận, giải quyết TTHC được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nên đã hạn chế tối đa việc nhũng nhiễu, chậm trễ trong giải quyết TTHC; chất lượng đội ngũ cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất của bộ phận "một cửa", "một cửa liên thông" đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu công việc.
Về cải cách tổ chức bộ máy, thành phố đã hướng dẫn thực hiện tinh giản biên chế, giai đoạn 2022 - 2026 (giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức). Đến tháng 6/2023, đã giảm 2.385 biên chế viên chức so với năm 2022. Đồng thời, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc tuyển dụng, phê duyệt vị trí việc làm, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện đánh giá hằng tháng và tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hợp đồng tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố. Bên cạnh đó, trong cải cách chế độ công vụ, công chức, thành phố đã chỉ đạo, thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 1.154 trường hợp theo quy định phân cấp quản lý cán; kiểm tra công vụ đột xuất 30 đơn vị.
Đối với việc cải thiện mức độ hài lòng của cơ quan, tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp thành phố, chỉ số Hài lòng (SIPAS) năm 2022 của thành phố Hà Nội đạt 80,16%; xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố (năm 2021 xếp thứ 30/63) và là năm thứ 5 liên tiếp, chỉ số Hài lòng của thành phố Hà Nội đạt trên 80%.
Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố (tăng 7 bậc so với năm 2021).
Ngay sau hội nghị công bố chỉ số PAR Index và chỉ số SIPAS của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, UBND TP đã chủ động, kịp thời xây dựng báo cáo phân tích chi tiết kết quả các chỉ số; triển khai Kế hoạch cải thiện, nâng cao các chỉ số PAR Index, SIPAS trong năm 2023; đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt bằng nhiều hình thức phù hợp và sâu rộng.
Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị khoảng 90 - 100%, nông thôn khoảng 80 - 95%
Báo cáo về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Huy Cường cho biết, khối lượng rác thải phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 7.000 tấn/ngày, được phân luồng về tiếp nhận, xử lý tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn và Khu xử ký chất thải rắn Xuân Sơn.
Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường đã được Thành ủy, UBND TP quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả nhất định: Công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố ngày được cải thiện. Tỷ lệ được thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị đạt xấp xỉ 100%, khu vực nông thôn đạt trên 90% (đạt và vượt mục tiêu theo quy hoạch đến năm 2030: Tỷ lệ thu gom khu vực đô thị khoảng 90 - 100%, nông thôn khoảng 80 - 95%). Các cấp chính quyền đã sát sao hơn trong việc quản lý, giám sát trên địa bàn; hạn chế và bước đầu xử lý vi phạm đối với hành vi đổ rác không đúng nơi quy định; triển khai cơ giới hóa trong công tác thu gom, vận chuyển; đôn đốc tiến độ hoàn thành các nhà máy xử lý rác công nghệ hiện đại.
|
Lãnh đạo thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị. |
Nêu khó khăn, hạn chế về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, mặt bằng hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn thành phố không đồng đều nên khó áp dụng đồng bộ về cơ giới hóa công tác duy trì vệ sinh môi trường, khó khăn trong việc xác định vị trí các điểm trung chuyển, tập kết tạm thời. Một số địa phương còn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo đúng phân cấp. Công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm và nâng cao ý thức của cộng đồng chưa được thực hiện thường xuyên. Năng lực của một số đơn vị duy trì vệ sinh môi trường còn chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, công tác tuyên truyền còn chưa hiệu quả. Người dân chưa quan tâm tới việc phân loại rác. Việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh môi trường còn chưa nghiêm, còn tình trạng xả rác bừa bãi.
Dưới sự điều hành của Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh, đại diện các sở, ngành, quận, huyện đã nêu những khó khăn vướng mắc trong việc triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân.
Đáng chú ý, các đại biểu cũng chỉ rõ những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước đối với chất thải rắn sinh hoạt, triển khai Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi do thiếu các hướng dẫn cụ thể về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, các tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý, phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt… Các đại biểu cũng nêu những khó khăn trong công tác thu gom, xử lý rác thải, như: tình trạng đổ trộm rác thải, đốt rác bừa bãi; ý thức của người dân về thu gom và xử lý rác thải còn hạn chế...
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, trong thời gian qua, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện mức độ hài lòng của cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã được thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhằm khắc phục hạn chế, tồn tại, phát huy ưu điểm, quyết tâm tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của hệ thống chính trị toàn thành phố, nêu cao ý chí quyết tâm, khát vọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, vừa qua, tại Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc thành phố.
|
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận hội nghị. |
Với những vướng mắc, hạn chế còn tồn tại, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế về kỷ cương hành chính; Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… nhằm tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của hệ thống chính trị toàn thành phố về kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong xử lý công việc…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp, biện pháp đẩy mạnh công tác CCHC, nhất là khắc phục triệt để tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực, không tham mưu giải quyết công việc, đùn đẩy, né tránh… Ban Cán sự đảng UBND TP tiếp tục quán triệt và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công trên tất cả các ngành, các lĩnh vực các địa phương. Đảng đoàn HĐND TP tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác giám sát việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung công tác cải cách hành chính và Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố.
Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành thành phố, các bí thư, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã cần vào cuộc quyết liệt, chịu trách nhiệm về hiệu quả, chất lượng công tác cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị mình; đặc biệt là thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số PAPI, SIPAS, PAR Index... và triển khai Kế hoạch khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính…
Đối với công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành của thành phố phối hợp chặt chẽ, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành hướng dẫn về phân loại chất thải rắn sinh hoạt làm cơ sở pháp lý để UBND TP ban hành Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và xây dựng và hoàn thiện hệ thống định mức, đơn giá, giá dịch vụ vệ sinh môi trường phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường.
Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội, các quận, huyện, thị ủy chỉ đạo UBND các quận huyện, thị xã nâng cao vai trò, chịu trách nhiệm quản lý vệ sinh môi trường trên địa bàn đúng theo phân cấp; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, đổ trộm, trộn lẫn chất thải… UBND các quận, huyện, thị xã phải đưa tiêu chí lắp đặt thùng rác, bên cạnh các tiêu chí cần thiết khác, vào hồ sơ mời thầu, để tổ chức đấu thầu việc thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn, đồng thời có biện pháp giám sát để việc lắp đặt các thùng rác nơi công công được triển khai trên thực tế…
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP, các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát tình hình quản lý, vận hành các khu xử lý chất thải Nam Sơn, Xuân Sơn; tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo chủ động tiếp nhận, xử lý khối lượng rác thải đến năm 2025; tiếp tục đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đầu tư Nhà máy điện rác Sóc Sơn hoàn thành và đi vào hoạt động chính thức trong năm 2023; hoàn thành Nhà máy điện rác Seraphin vào quý I/2024… Bên cạnh đó, cần hoàn chỉnh nội dung điều chỉnh Quy hoạch chất thải rắn Thủ đô để tích hợp vào điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội; hoàn thành các dự án nhà máy xử lý rác thải: Châu Can (huyện Phú Xuyên), Phù Đổng (huyện Gia Lâm), Núi Thoong (huyện Chương Mỹ)…
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị phân công rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể trong việc chỉ đạo, điều hành; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các nội dung chỉ đạo để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, bảo đảm công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố, hoạt động của các khu xử lý tập trung…/.