Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt "Gò Đống Đa". (Ảnh:TH)Tham dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và TP Hà Nội cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô và cả nước.
Trước giờ khai hội, các đại biểu Trung ương và TP Hà Nội đã thành kính dâng hương, dâng hoa và nghe đọc Chúc văn tại tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung, tôn vinh chiến công hiển hách của người anh hùng áo vải và nghĩa quân Tây Sơn trong trận chiến giải phóng kinh thành Thăng Long, giành quyền độc lập, tự chủ cho dân tộc.
Là Lễ hội đầu xuân nhưng hội gò Đống Đa lại có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khi đây là một lễ hội lưu giữ niềm tự hào, sự quật cường của cả một dân tộc và được tổ chức để tưởng nhớ chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung - người Anh hùng “áo vải, cờ đào” trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Ngoài những nét văn hóa khá tương đồng với lễ hội Tây Sơn Thượng đạo (An Khê - Gia Lai), Tây Sơn Hạ đạo (Bình Định), lễ hội gò Đống Đa có những điểm khác biệt rất độc đáo và hấp dẫn. Từ sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), lễ hội gò Đống Đa được coi là ngày hội Đống Đa truyền thống, trở thành quốc lễ.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Mùa xuân rực rỡ chiến công năm Kỷ Dậu (1789) đã đi vào lịch sử dân tộc và lòng người Việt Nam. Đó là một trong những mùa Xuân kỳ diệu nhất, tiêu biểu cho ý chí quật cường, cho sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết của dân tộc ta, tiêu biểu cho sức sống phi thường, ý chí kiên cường, lòng quả cảm và sự sáng tạo phong phú của dân tộc ta".
Di tích “Gò Đống Đa" được xem như là biểu tượng chiến thắng của quân Tây Sơn; là minh chứng lịch sử cho truyền thống yêu nước, yêu độc lập - tự do ngàn đời của nhân dân ta; là sự khẳng định tinh thần đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường; là bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dâng hương tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: TTXVN)
Trong Chỉ thị số 16 ngày 26/01/1989 của Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ: Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) là một chiến công vĩ đại và hiển hách vào bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta… Chiến Thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và tên tuổi sự nghiệp Quang Trung vĩ đại đã trở thành tấm gương ngời sáng tiêu biểu cho trí tuệ nghệ thuật quân sự Việt Nam, tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Năm 1989, kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Công viên Văn hóa Đống Đa được thành lập trên cơ sở khu vực gò Đống Đa. Năm 2010, nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, di tích gò Đống Đa đã được tu bổ, tôn tạo và xây mới một số hạng mục công trình với tổng diện tích hơn 22.000m² bao gồm các hạng mục: Cổng, gò Đống Đa, Nghi môn, tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung cùng các công trình phụ trợ. Với giá trị đặc biệt tiêu biểu đó, ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1820 xếp hạng di tích lịch sử gò Đống Đa là di tích quốc gia đặc biệt.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn đã tham gia tư vấn, góp ý và xây dựng, hoàn thiện hồ sơ. Đồng thời, cảm ơn nhân dân Đống Đa cũng như đông đảo nhân dân cả nước đã quan tâm gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích, để hôm nay gò Đống Đa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là niềm tự hào của mỗi người dân cả nước và Thủ đô nói chung, nhân dân Đống Đa nói riêng. Đi liền với đó là trách nhiệm, là sự nỗ lực không ngừng của tất cả chúng ta trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.
Tái hiện hình ảnh vua Quang Trung tại sân khấu Lễ kỷ niệm. (Ảnh: TH)
Lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa diễn ra từ 6h đến 21h. Dịp này, TP Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, liên hoan, thi đấu, văn nghệ, thể dục thể thao tại khu vực Công viên Văn hóa Đống Đa.
Gò Đống Đa có tổng diện tích 22.120,8m2, gồm khu tưởng niệm và khu vực gò Đống Đa. Khu tưởng niệm bao gồm hệ thống phù điêu, tượng đài, nhà trưng bày… Nổi bật là tượng đài Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ cao 14,65m, làm bằng chất liệu bê tông cốt thép, nặng 200 tấn, ốp đá hoa cương và phun vẩy rồng. Phía sau tượng đài là hai bức phù điêu mô tả trận đánh của quân và dân ta dưới sự chỉ đạo tài tình của Hoàng đế Quang Trung tấn công thần tốc vào giải phóng kinh thành Thăng Long. Đền thờ Hoàng đế Quang Trung nằm ngay sau tượng đài, kiến trúc hai tầng. Tầng trên là đền thờ, kiến trúc theo phong cách truyền thống với hai tầng mái; tầng dưới là phòng trưng bày hiện vật và các bức ảnh diễn tả cuộc tiến công thần tốc của Nghĩa quân Tây Sơn. Khu vực gò Đống Đa với trung tâm là gò đất tròn phía trên có nhiều cây xanh, đỉnh gò dựng một tấm bia đá có khắc lời hịch của Hoàng đế Quang Trung. Hiện trên gò vẫn còn kiến trúc cổng và dấu tích nền móng của Đền Trung Liệt… |