Hàn Quốc: Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm cao nhất trong lịch sử
Thứ bảy, 06/04/2024 09:40 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Ủy ban bầu cử quốc gia Hàn Quốc (NEC) cho biết, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong ngày 5/4, ngày đầu tiên của đợt bỏ phiếu sớm bầu Quốc hội khóa 22 của nước này, được ghi nhận là 15,61%. Đây là mức cao nhất trong tất cả các cuộc tổng tuyển cử từng được tổ chức tại Hàn Quốc và cao hơn 3,47 điểm % so với cuộc tổng tuyển cử trước cách đây 4 năm.
|
Điểm bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa 22 tại sân bay Incheon, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN) |
Theo số liệu của NEC cho biết, đã có 6.910.510 trên tổng số 44.280.011 cử tri đã hoàn thành bỏ phiếu trong ngày 5/4.
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm ở Seoul, nơi Vành đai sông Hàn được xem là chiến trường lớn nhất cho cuộc tổng tuyển cử hiện nay, cao hơn 0,22% so với tỷ lệ bỏ phiếu toàn quốc và cao hơn 3,65% so với cuộc tổng tuyển cử trước đó. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm ở tỉnh Gyeongy cũng tăng hơn 3,5% so với cuộc tổng tuyển cử năm 2020.
Khu vực đô thị, nơi 122 trong số 254 ghế nghị sĩ được bầu theo hình thức trực tiếp cũng chứng kiến tỷ lệ bỏ phiếu sớm tăng mạnh. Khu vực Honam, trong đó có tỉnh Nam Jeolla, Bắc Jeolla và thành phố Gwangju, có tỷ lệ bỏ phiếu sớm cao nhất. Trong khi đó, thành phố Daegu có tỷ lệ bỏ phiếu sớm thấp nhất cả nước.
Tổng thống Yoon Suk-yeol đã bỏ phiếu sớm tại điểm bỏ phiếu ở Trung tâm phúc lợi hành chính ở Myeongji, quận Gangseo, thành phố Busan. Trong khi đó, Thủ tướng Han Deok-soo cùng phu nhân Choi A-young đi bỏ phiếu tại Trung tâm cộng đồng Samcheong thuộc quận Jongno ở Seoul.
Các chuyên gia phân tích cho rằng việc năm nay có nhiều cử tri đi bỏ phiếu sớm là nhờ chiến dịch vận động của các đảng phái, cũng như sự thay đổi trong cách nghĩ của người dân. Giáo sư Lee Jun-han chuyên ngành khoa học chính trị và ngoại giao của Đại học Quốc gia Seoul cho biết, trong các cuộc bầu cử trước đây, thường chỉ có các cử tri cấp tiến được vận động bỏ phiếu sớm. Tuy nhiên lần này, đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền theo trường phái bảo thủ cũng đã tích cực kêu gọi những người ủng hộ đi bỏ phiếu sớm, góp phần làm tăng tỷ lệ bỏ phiếu sớm nói chung. Theo Giáo sư Kim Hyeong-jun thuộc Đại học Paichai, từ năm 2017, xã hội Hàn Quốc phân cực rõ ràng hơn giữa hai trường phái cấp tiến và bảo thủ nên cũng thúc đẩy xu hướng cử tri tích cực đi bỏ phiếu hơn./.
Khánh Vân/TTXVN