Chiều 7/3, tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị”.
Khách mời tham dự Tọa đàm gồm các đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị; Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục biển và Hải đảo Việt Nam, Giám đốc Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam; Văn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Công Dũng - Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết: Môi trường có vai trò quan trọng, tác động hằng ngày, hằng giờ, trực tiếp ảnh hưởng tới sự tồn tại và phát triển của con người. Đặc biệt, ô nhiễm môi trường để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra các bệnh hiểm nghèo, lây lan dịch bệnh, làm mất cân bằng hệ sinh thái... Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường còn gây thiệt hại đến mỹ quan đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và sự phát triển của đất nước.
|
Đồng chí Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm. |
Hiện nay, với quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa, sự gia tăng dân số, cùng với thói quen sinh hoạt và ý thức của con người khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, trở thành vấn đề đáng lo ngại. Bởi vậy, giải quyết vấn đề ô nhiễm, nhất là ô nhiễm chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa tại các đô thị là việc làm cấp bách mà nhiều quốc gia phải đối mặt, trong đó có Việt Nam.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề ô nhiễm hiện nay, Đảng, Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề này thông qua việc đổi mới căn bản các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Cụ thể, chúng ta đã thực hiện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính và một số điều luật trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 gồm các quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa như phân loại rác tại nguồn, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), tăng cường tái chế chất thải nhựa...Bên cạnh đó, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương đã phối hợp cùng với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện nhiều giải pháp thông qua các dự án, các chương trình hành động cụ thể trong đó có chương trình “Đô thị giảm nhựa” trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” - một sáng kiến của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đang mang lại những mô hình hay, thực hành tốt, đem đến các kết quả tích cực được ghi nhận và nhân rộng tại nhiều địa phương.
Các hoạt động của Dự án trong thời gian qua chính là những đóng góp hiệu quả, thiết thực cho việc triển khai Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Bảo vệ môi trường 2020; Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.
Theo đồng chí Nguyễn Công Dũng, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân là vấn đề quan trọng, được Đảng, Nhà nước rất quan tâm chỉ đạo để giúp người dân hiểu rõ vai trò quan trọng của môi trường đối với sự phát triển của đất nước và sự tồn tại của con người. Từ đó, xây dựng nhận thức đúng đắn, hành động thân thiện và văn minh với môi trường.
Với mục đích phát huy vai trò của báo chí trong công tác truyền thông, phổ biến các giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu chất thải nhựa tại các đô thị, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị”.
Tọa đàm nhằm đánh giá tổng thể và toàn diện về thực trạng công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và những tồn tại, khó khăn và thách thức ở Việt Nam trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất kiến nghị các giải pháp hiệu quả, nhằm mục tiêu quản lý tốt hơn chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời gian tới.
Khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt thải ra môi trường mỗi ngày
Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, đe dọa đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và đưa đến nhiều hệ lụy khác mà con người phải gánh chịu. Trong đó, rác thải rắn sinh hoạt và rác thải nhựa đang trở thành vấn đề nan giải mà nhiều quốc gia phải đối mặt, trong đó có Việt Nam.
|
Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Tọa đàm. |
Ở Việt Nam do sự phát triển của kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số diễn ra mạnh mẽ đã tạo áp lực lớn tới môi trường khi lượng chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa tại đô thị phát sinh ngày càng nhiều. Theo thống kê, Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt một ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị.
Điều đáng nói, chất thải nhựa ở Việt Nam không chỉ phát sinh nhiều, mà đa phần đều bị thải trực tiếp cùng các loại chất thải khác và không được phân loại. Điều này càng gây khó khăn cho công tác phân loại, xử lý tái chế và giảm rác thải nhựa tại các địa phương. Trong khi đó, chất thải rắn là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng ở Việt Nam khi tốc độ gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2021 - 2030 trung bình là 6%/năm.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 70% lượng rác thải sinh hoạt tại Việt Nam hiện nay được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh. Lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh đang hằng ngày gây ô nhiễm cho môi trường đất, môi trường nước và không khí. Vấn đề này trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố lớn. Ngoài ra, trong số 30% được xử lý bằng phương pháp không chôn lấp thì cũng có đến 2/3 là được đốt tiêu hủy bằng các lò đốt rác thủ công, gây khói bụi ô nhiễm không khí. Việc kiểm soát, quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người.
Đứng trước những tác động tiêu cực của chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa tại các đô thị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy khẳng định: Đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trong đó có vấn đề về rác thải; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022; Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022, hướng dẫn triển khai Luật Bảo vệ môi trường; Thông tư số 02/2022/TT- BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên – Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; theo đó xây dựng thực hiện Đề án trọng điểm về tăng cường năng lực quản lý Chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam và xác định lộ trình đến năm 2025 với mục tiêu giảm “Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp trên tổng lượng chất thải được thu gom” xuống 30%.
Thực hiện các chủ trương của Chính phủ về vấn đề môi trường, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương đã phối hợp cùng với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện nhiều giải pháp thông qua các dự án, các chương trình hành động, trong đó có chương trình “Đô thị giảm nhựa” trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”.
Chương trình “Đô thị giảm nhựa” đã được triển khai tại Việt Nam từ năm 2018 nhằm thúc đẩy sáng kiến “Đô thị giảm nhựa” - một sáng kiến toàn cầu của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF). Đến nay đã có 10 địa phương của Việt Nam đã ký cam kết với Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên để cải thiện công tác quản lý, thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt, giảm thiểu chất thải nhựa theo mô hình “Đô thị giảm nhựa”...
Giáo dục ý thức là giải pháp bảo vệ môi trường cho tương lai
Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy, giảm thiểu rác thải nhựa là một trong những hoạt động quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường và không thể tách rời với công tác quản lý rác thải sinh hoạt nói chung. Cùng với đó là việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường. Để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam đó là những giải pháp quan trọng bảo vệ môi trường cho tương lai, phù hợp với Luật Bảo vệ Môi trường Việt Nam 2020”.
|
Các đại biểu dự Tọa đàm trực tuyến “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị”. |
Với mục đích phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong công tác truyền thông, phổ biến các giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu chất thải nhựa tại các đô thị, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và các cơ quan chức năng tổ chức Tọa đàm trực tuyến: “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị”.
Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong công tác truyền thông, phổ biến các giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu chất thải nhựa tại các đô thị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị các nhà quản lý, nhà khoa học, các đại biểu tham dự Toạ đàm tập trung trao đổi, chia sẻ về: Công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị; xây dựng chiến lược truyền thông nhằm tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân về việc phân loại rác thải tại nguồn; làm rõ kết quả, hạn chế, nguyên nhân trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt, việc thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa, chất thải rắn đô thị; chia sẻ những kinh nghiệm trong việc triển khai các hoạt động liên quan đến quản lý rác thải tại các đô thị nói chung và công tác triển khai thực hiện mô hình “Đô thị giảm nhựa” tại Việt Nam; đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị...
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi về: Công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị; kết quả, hạn chế thực hiện việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị; kinh nghiệm rút ra, phương hướng trong thời gian tới để nâng cao sức mạnh việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị; những vấn đề cần đặt ra nhằm nâng cao việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị...