Hãy cùng hy vọng với nỗ lực của chúng ta sẽ không còn bất cứ rào cản, định kiến nào đối với phụ nữ

Thứ năm, 28/09/2017 14:47
(ĐCSVN) – Sáng 28/9, tại TP.Huế, Đối thoại Công - Tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 đã chính thức được khai mạc với sự tham dự và phát biểu chào mừng của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu chào mừng Đối thoại
(ảnh: Đình Tăng)

Cùng tham dự Đối thoại này có đại diện lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với tư cách là Chủ tịch Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017; bà Laskmi Puri, Phó Tổng Giám đốc Điều hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), Cố vấn cấp cao của Tổng Thư ký Liên hợp quốc; các Bộ trưởng, Trường Đoàn và thành viên 21 nền kinh tế APEC; đại diện Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI)…

Phát biểu khai mạc Đối thoại, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: APEC hiện có khoảng 600 triệu phụ nữ tham gia lực lượng lao động, với hơn 60% ở khu vực chính thức, đây là nguồn lực và động lực dồi dào cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, việc tăng cường quyền năng cho phụ nữ và thúc đẩy sự hội nhập đầy đủ của phụ nữ trong nền kinh tế đã trở thành một nội dung nghị sự lớn của khu vực.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc dung, Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế, là một trong ba sự kiện chính của Diễn đàn thường niên về Phụ nữ và Kinh tế APEC, vừa thể hiện sự công nhận của các nhà Lãnh đạo APEC đối với vị trí và những đóng góp to lớn của phụ nữ; vừa là sự coi trọng vai trò, sức ảnh hưởng của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển bao trùm.

Tại Đối thoại năm nay, các thành viên của 21 nền kinh tế APEC sẽ tập trung trao đổi về các vấn đề: Tăng cường sự hội nhập về kinh tế, tài chính và xã hội của phụ nữ; doanh nhân nữ trong thị trường toàn cầu đang thay đổi; thúc đẩy sự phát triển của doanh nhân nữ trong kỷ nguyên số; xây dựng tầm nhìn về nâng cao quyền năng của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế thuộc khu vực APEC và trên thế giới.

Phát biểu chào mừng Đối thoại, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao những đóng góp quan trọng của cơ chế hợp tác về Phụ nữ và Kinh tế APEC trong thời gian qua đối với những thành tựu mà APEC đạt được trong việc duy trì vai trò của Châu Á – Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, thúc đẩy thịnh vượng, tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm. Đồng thời, Phó Chủ tịch nước cũng đánh giá cao chủ đề của Đối thoại lần này là: “Phụ nữ là doanh nhân”. Theo Phó Chủ tịch nước, chủ đề trên tuy ngắn gọn nhưng thể hiện tinh thần quyết tâm, nghị lực vươn lên của các doanh nhân nữ trong thời kỳ mới. 

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chia sẻ: Chuẩn bị bước sang thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21, chúng ta chứng kiến những chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc trong cục diện thế giới và khu vực. Quá trình toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những cơ hội để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế, song cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn, nhất là đối với phụ nữ.

Chúng ta biết Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó đề cao nhiệm vụ bảo đảm bình đẳng giới, đây là khuôn khổ quan trọng để thúc đẩy hợp tác và phát triển trên phạm vi toàn cầu, trong đó nâng cao vai trò và đóng góp của phụ nữ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.

Nhân dịp Đối thoại công – tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC lần này, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc thịnh đã chia sẻ một số đánh giá, suy nghĩ về vấn đề làm sao để nâng cao sự tham gia và đóng góp của phụ nữ nói chung và nữ doanh nhân nói riêng trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng và mong rằng Đối thoại của chúng ta sẽ thảo luận sâu về những vấn đề này.

Trưởng đoàn 21 nền kinh tế APEC tham dự Đối thoại
và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chụp hình lưu niệm (ảnh: Đình Tăng)

Trong đó, Phó Chủ tịch nước đưa ra 5 vấn đề có liên quan như: Tăng cường sự tham gia và đóng góp của phụ nữ sẽ tạo ra những động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; tăng cường sự phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội đối với phụ nữ; tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy nữ doanh nhân tiếp cận với vốn, tài sản, kinh nghiệm và thị trường toàn cầu, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; xác định những định hướng dài hạn trong hợp tác APEC về phụ nữ, đóng góp vào các nỗ lực đẩy nhanh hoàn thành các mục tiêu của APEC (mà chúng ta gọi là mục tiêu Bô-go trong APEC) và quá trình xây dựng các tầm nhìn mới của APEC sau năm 2020.

Chia sẻ với các đại biểu tại Đối thoại, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết: Với Việt Nam, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng hiện nay, phụ nữ Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong lĩnh vực kinh tế đặc biệt là tìm kiếm cơ hội việc làm, tăng thu nhập cũng như phát triển sản xuất kinh doanh, quảng bá sản phẩm của mình.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, năm 2016 Việt Nam có khoảng 1,2 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, chiếm khoảng 2,3% lực lượng lao động. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ thất nghiệp cao hơn so với nam giới.

Một nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Công nhân và công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, năm 2016 có khoảng 80% lao động nữ trên 35 tuổi tại các khu công nghiệp bị sa thải hoặc tự bỏ việc. Tôi cho rằng tình trạng này cũng có thể đang là khó khăn chung của nhiều nền kinh tế khác trong khu vực APEC.

Với cách tiếp cận trên đây, Phó Chủ tịch nước mong muốn trong Đối thoại lần này, các đại biểu và diễn giả sẽ cùng nhau thảo luận sâu hơn để chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp của các nền kinh tế thành viên trong khu vực APEC để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt là trong thời đại kỷ nguyên số.           

Dịp này, Phó Chủ tịch nước kêu gọi: “Hãy cùng hy vọng với nỗ lực của tất cả chúng ta, một ngày nào đó sẽ không còn bất cứ rào cản, định kiến nào đối với phụ nữ; số lượng nữ lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế sẽ chiếm đến 50% và cao hơn nữa”. Trên cơ sở đó đề nghị: Để có thể biến những mục tiêu thành hiện thực, mỗi cá nhân trong xã hội, cả nam giới và phụ nữ, cả khu vực công và khu vực tư đều cần thực sự hiểu về khả năng và vai trò phụ nữ, đều chia sẻ và hỗ trợ phụ nữ, giúp họ có thể đóng góp cho nền kinh tế của quốc gia, dân tộc và cho toàn xã hội. Mỗi nền kinh tế cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế về bình đẳng giới nhằm tạo cơ sở pháp lý và bộ máy triển khai các biện pháp nâng cao quyền năng cho phụ nữ. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế có thể xây dựng các chiến lược, chính sách hỗ trợ và khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội.

Với tinh thần đó, Phó Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng Diễn đàn Đối thoại lần này sẽ đưa ra nhiều khuyến nghị và sáng kiến mới để trình lên Hội nghị các nhà lãnh đạo cấp cao APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11 sắp tới.

Theo chương trình làm việc, Đối thoại sẽ diễn với 4 phiên, gồm: Sự tham gia kinh tế, tài chính và xã hội của phụ nữ- Động lực thúc đẩy tăng trưởng và bao trùm; nữ doanh nghiệp trên thị trường toàn cầu thay đổi; thúc đẩy doanh nghiệp nữ trong kỷ nguyên số và xây dựng tầm nhìn về nâng cao quyền năng phụ nữ của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và thế giới./.

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực