Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội (Ảnh: Thu Lan).
Phóng viên (PV): Trước hết xin trân trọng cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Với vai trò là Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách công tác giám sát của Quốc hội, trong đó có hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí có thể cho biết những đổi mới trong hoạt động chất vấn gần đây của Quốc hội?
Phó Chủ tịch Quốc hội (PCTQH) Đỗ Bá Tỵ: Xin cảm ơn sự quan tâm của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hoạt động chất vấn của Quốc hội.
Theo quy định của Hiến pháp, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, chất vấn là quyền quan trọng, đồng thời cũng là trách nhiệm của đại biểu dân cử thay mặt nhân dân, cử tri đặt câu hỏi đối với những người bị chất vấn, buộc người bị chất vấn phải trả lời trước những vấn đề mà đại biểu, cử tri, nhân dân quan tâm.
Với tính chất là hình thức giám sát trực tiếp, hoạt động chất vấn sẽ có hiệu lực và hiệu quả thiết thực trong hoạt động của Quốc hội. Khác với việc hỏi để biết thông tin và giải đáp thắc mắc, chất vấn là để làm rõ trách nhiệm. Mục đích cuối cùng của chất vấn là để xác định trách nhiệm trong quản lý, điều hành và thực thi pháp luật của Chính phủ, người đứng đầu các ngành, lĩnh vực, phát hiện những điểm còn chưa hoàn thiện, chưa hợp lý, tìm giải pháp để tháo gỡ, khắc phục hoặc thúc đẩy tổ chức thực hiện. Qua chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội, cử tri đánh giá được năng lực, trình độ, sự sâu sát, quán xuyến của người đứng đầu cơ quan nhà nước đối với lĩnh vực được phân công phụ trách, từ đó đánh giá được mức độ hoàn thành nhiệm vụ của những người này.
Cùng với những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, hoạt động chất vấn trong thời gian qua đã có nhiều cải tiến. Cử tri và nhân dân có thể dễ dàng nhận thấy không khí thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm, có tính tranh luận và đối thoại với tinh thần xây dựng cao trong các phiên chất vấn ở những kỳ họp gần đây. Trách nhiệm của đại biểu Quốc hội và người trả lời chất vấn ngày càng cao; việc chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành theo nhóm vấn đề, đa phần câu hỏi và câu trả lời là có chất lượng, ngắn gọn, rõ ràng, hạn chế vòng vo, đúng trọng tâm; công tác tham mưu, chuẩn bị cho hoạt động chất vấn bài bản, công phu hơn... Chất vấn và trả lời chất vấn đã trở thành một sinh hoạt không thể thiếu trong hoạt động của Quốc hội, là nội dung được cử tri và nhân dân chờ đợi, quan tâm nhất trong mỗi kỳ họp Quốc hội.
PV: Đồng chí cho biết để hoạt động chất vấn đạt kết quả cao, chất lượng và hiệu quả cần chú ý những vấn đề gì?
PCTQH Đỗ Bá Tỵ: Chất vấn là vấn đề không mới nhưng hoạt động này luôn cần phải đổi mới, cải tiến nhất là trong điều kiện đang tích cực triển khai thực hiện Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Quốc hội mới, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành quy chế tổ chức thực hiện hoạt động giám sát nhằm quy định cụ thể, chi tiết nhiều nội dung để bảo đảm cho hoạt động giám sát nói chung và chất vấn nói riêng đạt chất lượng.
Hoạt động chất vấn phải bám sát các quy định của Hiến pháp, chức năng, quy trình theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân. Để hoạt động chất vấn được thành công, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, cần thiết phải chú trọng ở tất cả các chủ thể (người chất vấn, người trả lời chất vấn, người điều hành chất vấn) và ở tất cả các khâu (từ lúc chuẩn bị, tiến hành chất vấn và hậu chất vấn). Các nội dung chất vấn phải là vấn đề bức xúc, có tính thời sự, liên quan trực tiếp đến đời sống, an sinh xã hội được cử tri và nhân dân quan tâm.
Khi xem xét lựa chọn vấn đề để chất vấn cần phải xem xét đến các điều kiện khách quan, chủ quan tác động đến hiệu quả việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đối tượng được yêu cầu trả lời chất vấn để từ đó các đại biểu đặt các câu hỏi đúng trọng tâm, người trả lời chất vấn, giải trình đúng vấn đề. Cần xác định rõ mục đích của hoạt động chất vấn là hướng đến mục tiêu xây dựng, làm cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình, bảo đảm sự minh bạch và chế độ trách nhiệm thực thi công vụ. Mỗi câu hỏi là một vấn đề được gợi mở, được tháo gỡ, đi đến cùng sự việc. Mỗi câu trả lời là một phương án, một kế hoạch cụ thể để giải quyết vấn đề một cách trọn vẹn, không vòng vo, né tránh. Cần quán triệt tinh thần chất vấn phải rõ ràng, đi thẳng vào nội dung chất vấn; trả lời chất vấn cần nêu rõ nguyên nhân, giải pháp và thời gian khắc phục những sai sót, hạn chế làm cơ sở cho việc theo dõi, đôn đốc thực hiện vấn đề đã tiếp thu, ghi nhận. Vấn đề chính trong chất vấn là người bị chất vấn có biết về việc đang xảy ra không? Tại sao lại để nó xảy ra? Hướng xử lý như thế nào? Cần phải rút kinh nghiệm ở đâu? Trách nhiệm ra sao? Bên cạnh đó, năng lực điều hành của chủ tọa phiên chất vấn là rất quan trọng.
Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội, không khí chất vấn ngày càng dân chủ, thẳng thắn và hiệu quả hơn. Năng lực và kinh nghiệm của chủ tọa có thể giúp giảm áp lực nghị trường đối với các bộ trưởng, trưởng ngành bị chất vấn. Người điều hành giúp cho phiên chất vấn diễn ra suôn sẻ, là người dẫn dắt và kết thúc nội dung chất vấn. Phần kết thúc đối với từng người bị chất vấn cần cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn để tiện cho việc xây dựng nghị quyết sau chất vấn.
Căn cứ vào kết quả chất vấn và trả lời chất vấn, UBTVQH xem xét, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Tại các kỳ họp gần đây, kết thúc các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đều ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Nghị quyết nêu rõ kết quả phiên chất vấn, yêu cầu đặt ra đối với người trả lời chất vấn; trách nhiệm của người trả lời chất vấn và cơ quan, tổ chức hữu quan; các đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật; trách nhiệm của người trả lời chất vấn thực hiện lời hứa trước Quốc hội và việc giám sát thực hiện.
Để tạo chuyển biến trên các lĩnh vực, nghị quyết cần đưa ra các mốc thời gian hợp lý, trách nhiệm triển khai đối với từng cơ quan, tổ chức. Trong quá trình xây dựng nghị quyết cần chú trọng phối hợp với các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ triển khai thực hiện nghị quyết để bảo đảm nội dung của nghị quyết hợp lý, khả thi. Nghị quyết càng ngắn gọn, rõ ràng thì càng dễ tổ chức thực hiện, thuận lợi cho giám sát. Nghị quyết cũng cần quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu không thực hiện được nhiệm vụ được giao trong nghị quyết.
PV: Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội có thể nói rõ thêm về vai trò của khâu hậu chất vấn?
PCTQH Đỗ Bá Tỵ: Khâu hậu chất vấn là rất quan trọng. Để các hoạt động giám sát nói chung, hoạt động chất vấn nói riêng phát huy được hiệu quả, cần tiếp tục tăng cường khâu hậu giám sát, trong đó chú trọng việc thảo luận, đánh giá về việc triển khai thi hành các nghị quyết về giám sát chuyên đề, nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp cuối của năm giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ, để chất vấn, kiểm tra lại (Luật đã quy định về vấn đề này). Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, có những cải tiến đột phá nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội.
Chất vấn theo nhóm vấn đề là chủ yếu. Đối với 1 chuyên đề có thể có nhiều bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ cùng trả lời, có thể kết hợp chất vấn ngay tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội hoặc thảo luận về các chuyên đề giám sát tối cao. Chú trọng tổ chức thường xuyên và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động chất vấn tại các phiên họp UBTVQH, hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Hoạt động giải trình ở Hội đồng Dân tộc các Ủy ban của Quốc hội thực chất cũng là hoạt động chất vấn. Tuy nhiên cần làm rõ cơ chế chịu trách nhiệm, trình tự, thủ tục, cách thức tổ chức hoạt động này.
PV: Xin cảm ơn đồng chí về nội dung trả lời phỏng vấn. Xin kính chúc đồng chí một năm mới hạnh phúc và thành công!