|
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi |
Nhận lời mời của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và thừa ủy quyền của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, ngày 20/10/2020, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi đã tham dự Phiên thảo luận trực tuyến Cấp cao của HĐBA với chủ đề “Đánh giá tổng thể tình hình khu vực Vịnh Ba-tư”. Phiên họp do Ngoại trưởng Nga (nước Chủ tịch HĐBA tháng 10/2020) chủ trì cùng sự tham dự và phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Niger, Nam Phi, Iran và nhiều đại diện các nước thành viên LHQ.
Trong phát biểu, Tổng Thư ký LHQ António Guterres nhấn mạnh vị trí địa chiến lược quan trọng của vùng Vịnh với rất nhiều tiềm năng thuận lợi cho hợp tác, phát triển; tuy nhiên tỏ quan ngại sâu sắc trước những căng thẳng về chính trị, an ninh gần đây tại khu vực, đặc biệt là cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng đang diễn ra ở Yê-men. Tổng Thư ký LHQ kêu gọi các bên liên quan kiềm chế tối đa, tránh đối đầu, giảm leo thang căng thẳng bằng những nỗ lực chung về đối thoại, xây dựng lòng tin, tiến tới thiết lập một cấu trúc an ninh tập thể ở khu vực; đồng thời nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu và việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt làm ảnh hưởng đến công tác cứu trợ nhân đạo, ứng phó với ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Đặng Minh Khôi nhận định Vịnh Ba-tư là khu vực lịch sử độc đáo với nền văn minh đặc trưng và bản sắc văn hóa riêng, có sự hội nhập sâu rộng với thế giới từ nhiều thế kỷ qua. Ngày nay, Vịnh Ba-tư tiếp tục là trung tâm của những chuyển động địa chính trị tại Trung Đông và có tiềm năng kinh tế và năng lượng phong phú để mang lại hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho cả khu vực và thế giới. Tuy nhiên những bất ổn gần đây tại Vịnh Ba-tư nếu không được giải quyết, kiểm soát tốt sẽ gây ra những hệ lụy khó lường đối với những cuộc xung đột đan xen, khủng hoảng nhân đạo khác tại khu vực như ở Si-ri, Yê-men, Li-bi, Pa-le-xtin và Li-băng.
Thứ trưởng nhấn mạnh tất cả các bên liên quan đều có vai trò và trách nhiệm quan trọng để bảo đảm hòa bình và ổn định tại khu vực và cần có những nỗ lực chung để thúc đẩy tuân thủ tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, các Nghị quyết liên quan của HĐBA, các cam kết quốc tế, cũng như cần kiềm chế, không nên có hành động hoặc phát biểu có thể gây căng thẳng và cố gắng thúc đẩy đối thoại, đàm phán để giải quyết bất đồng.
Thứ trưởng cho biết đây là thời điểm phù hợp để xem xét và có những hành động cụ thể để hiện thực hóa ý tưởng về một cơ chế an ninh tập thể tại Vịnh Ba-tư. Tuy nhiên, cơ chế này cần thiết lập phù hợp với hoàn cảnh đặc trưng của khu vực và trên cơ sở các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Việc tiến hành đối thoại về các lợi ích chung đối với an ninh khu vực có thể mở đường và đóng vai trò quan trọng trong giảm căng thẳng và xây dựng lòng tin. Những lợi ích chung đó có thể bao gồm giải quyết xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin, chống khủng bố, buôn bán vũ khí bất hợp pháp, bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, thúc đẩy giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có việc thực hiện Nghị quyết 2231[1] năm 2015 của HĐBA và Kế hoạch Hành động chung Toàn diện[2] (JCPOA) về hạt nhân Iran và hiện thực hóa Khu vực Trung Đông phi vũ khí hạt nhân.
Thứ trưởng nhận định cách tiếp cận an ninh toàn diện sẽ không thể thiếu vai trò của các tổ chức khu vực, ASEAN chính là ví dụ trực quan sinh động với vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh Đông Nam Á. Trên cơ sở đó, cần khuyến khích và tăng cường hợp tác giữa các tổ chức khu vực, tiểu khu vực ở Trung Đông và vùng Vịnh với LHQ, HĐBA trong lĩnh vực ngăn ngừa xung đột, trung gian hòa giải và ngoại giao phòng ngừa trên cơ sở Chương VIII của Hiến chương LHQ.
Kết luận, Thứ trưởng Đặng Minh Khôi khẳng định Việt Nam luôn có quan hệ thân thiện và hợp tác với tất cả quốc gia tại khu vực Vịnh Ba-tư và Trung Đông, cam kết sẵn sàng có những đóng góp ý nghĩa để tạo môi trường thuận lợi cho đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực này./.
[1] Nghị quyết 2231 (2015) được HĐBA thông qua với 15/15 phiếu thuận, theo đó phê duyệt Kế hoạch Hành động chung Toàn diện về hạt nhân Iran (JCPOA), đình chỉ thực hiện 13 Nghị quyết trước đó áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với chương trình hạt nhân Iran, nhưng vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế, kiểm soát (không được coi là cấm vận, trừng phạt) đối với Iran theo các thời hạn nhất định, trong đó các biện pháp kiểm soát, hạn chế về vũ khí được áp dụng trong vòng 05 năm kể từ ngày Nghị quyết 2231 được thông qua (hết hạn vào ngày 18/10/2020).
[2] Năm 2015, sau nhiều nỗ lực đàm phán, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức và Iran ký Kế hoạch Hành động chung Toàn diện về hạt nhân Iran (JCPOA), theo đó LHQ, Mỹ và phương Tây lần lượt dỡ bỏ trừng phạt về hạt nhân với Iran theo lộ trình cam kết, đổi lại Iran đồng ý cắt giảm chương trình hạt nhân và cho phép thanh sát quốc tế.