Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 sẽ làm những gì?

Thứ tư, 14/04/2021 21:12
(ĐCSVN) - Hội nghị hiệp thương lần thứ ba căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương hoặc ở địa phương giới thiệu ứng cử ĐBQH đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ hai và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH.
Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai . (Ảnh: NK)

Đối với cấp Trung ương: Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam triệu tập, chủ trì trong khoảng thời gian từ ngày 14/ 4/2021 – 18/4/2021 (chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử) để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ở trung ương.

Thành phần tham dự hội nghị cũng tương tự như các Hội nghị hiệp thương lần trước đó gồm: Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận. Đại diện Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ được mời tham dự hội nghị.

Thủ tục tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở trung ương được thực hiện như sau:

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo về tình hình, kết quả tổ chức lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với những người ứng cử, trong đó nêu rõ những trường hợp cần xem xét do có vụ việc cử tri nêu và danh sách người được dự kiến giới thiệu ứng cử ĐBQH. Những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.

Trường hợp đặc biệt là những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng do điều kiện công tác đặc thù ít tiếp xúc với cử tri và Nhân dân nơi cư trú nên không đạt được trên 50% tổng số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị…

Hội nghị tiến hành thảo luận, lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH. Trường hợp không thoả thuận được thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu gồm từ 03 đến 05 người. Trường hợp quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu biểu quyết phải có dấu của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hội nghị hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết.

Hội nghị thông qua biên bản và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH (theo Mẫu số 01/BCĐBQH-MT và Mẫu số 05/BCĐBQH-MT).

Chậm nhất là ngày 23/4/2021 (30 ngày trước ngày bầu cử), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi biên bản Hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam giới thiệu ứng cử ĐBQH đến Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với địa phương: Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hiệp thương triệu tập, chủ trì trong khoảng thời gian từ ngày 14 - 18/4/2021 (chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử) để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND ở cấp mình.

Hà Nội đã tổ chức thành công 436 hội nghị hiệp thương lần thứ 2. (Ảnh: NK) 

Thành phần tham dự hội nghị cũng tương tự như các Hội nghị hiệp thương lần trước đó, gồm: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam cùng cấp. Đại diện Ủy ban bầu cử, Thường trực HĐND và UBND cùng cấp được mời tham dự hội nghị này.

Thủ tục tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND được thực hiện như sau: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương báo cáo về tình hình, kết quả tổ chức lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với những người ứng cử, trong đó cần nêu rõ những trường hợp cần xem xét do có vụ việc cử tri nêu và danh sách người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND.

Danh sách giới thiệu người ứng cử trình Hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải bảo đảm có số dư lớn hơn số dư tối thiểu theo quy định của Luật. Những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.

Trường hợp đặc biệt là những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND nhưng do điều kiện công tác đặc thù ít tiếp xúc với cử tri và Nhân dân nơi cư trú nên không đạt được trên 50% tổng số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị…

Hội nghị tiến hành thảo luận, lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND. Trường hợp không thoả thuận được thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị cử Tổ kiểm phiếu gồm từ 03 đến 05 người. Trường hợp quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì phiếu biểu quyết phải đóng dấu của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hội nghị hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết.

Hội nghị thông qua biên bản và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND (theo Mẫu số 01/BCĐBHĐND-MT và Mẫu số 05/BCĐBHĐND-MT).

Chậm nhất là ngày 23/4/2021 (30 ngày trước ngày bầu cử), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh gửi biên bản Hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Thường trực HĐND, Ủy ban bầu cử cùng cấp; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã gửi biên bản Hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND cùng cấp đến Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp trên trực tiếp và Thường trực HĐND, Ủy ban bầu cử cùng cấp./.

Nam Khánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực