Ban tổ chức hội nghị Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp APEC (SOM 2) tổ chức họp báo.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch SOM APEC 2017 cho biết, Hội nghị SOM2 đã kết thúc tốt đẹp. Hơn 2.200 đại biểu trong nước và quốc tế cùng hàng trăm nhà báo đến từ khắp các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương đã tham dự và đưa tin về 50 cuộc họp APEC. Riêng sáng nay có 250 đại biểu tham dự hội nghị.
Theo Chủ tịch SOM APEC 2017, Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế khu vực có dấu hiệu khởi sắc hơn. Cơ quan nghiên cứu chính sách của Ban Thư ký (BTK) APEC (PSU) dự báo tăng trưởng của khu vực năm 2017 có thể cao hơn mức trung bình thế giới (3,8% so với 3,5%). Trong APEC, các thành viên tích cực triển khai các ưu tiên dưới chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung"”.
Số lượng cuộc họp lần này ít hơn SOM 1 (60 cuộc họp của 4 ủy ban, 34 nhóm công tác), song tầm vóc và quy mô các hoạt động lại lớn hơn, nội dung cũng nhiều hơn. Đặc biệt, chúng ta đã tổ chức nhiều hoạt động quan trọng, tác động tới định hướng hợp tác dài hạn của APEC, gồm: Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai (16/5); Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số (15/5); Hội nghị Mạng lưới các Trung tâm nghiên cứu APEC (12-13/5).
Việt Nam cũng đã tổ chức Hội nghị toàn thể Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương PECC, một cơ chế phối hợp chính sách hàng đầu ở khu vực, và là 1 trong 3 quan sát viên của APEC.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Đăng cai tổ chức các hoạt động APEC lần này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, coi châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có các cơ chế hợp tác ở khu vực như Diễn đàn APEC, là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình.
Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam rất quan tâm đến các hoạt động lần này và đã đến tham dự nhiều hoạt động: Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu chỉ đạo Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai; Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu định hướng Hội nghị toàn thể Hội đồng PECC; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu định hướng Đối thoại chính sách cao cấp về đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.
Lãnh đạo nhiều bộ, ngành cũng đã tham dự, chủ trì nhiều hoạt động.
06 bộ, ngành (Công Thương; Ngoại giao; Lao động, Thương binh và Xã hội; Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ; và Bộ Xây dựng) đã đảm nhận vai trò chủ tịch/đồng chủ tịch các ủy ban, nhóm công tác hoặc chủ trì các hoạt động (phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, phụ nữ và kinh tế, mạng lưới các trung tâm nghiên cứu APEC, khoa học - công nghệ, đô thị hóa bền vững…).
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: Hội nghị SOM 2 và các hoạt động liên quan đã đạt được một số kết quả chính sau:
Thứ nhất, các thành viên ủng hộ mạnh mẽ sự cần thiết duy trì vai trò của APEC là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực, là cái nôi (incubator) của các ý tưởng hợp tác, liên kết khu vực, vì thịnh vượng chung của châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị nhất trí tiếp tục thúc đẩy việc hoàn tất các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020.
Các đại biểu nhất trí việc thực hiện các Mục tiêu Bogor cần gắn với việc tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người dân và doanh nghiệp được tham gia đóng góp và thụ hưởng các thành quả của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực, và góp phần vào các nỗ lực toàn cầu về phát triển bền vững. Đồng thời, APEC cần nâng cao khả năng thích ứng và tính sáng tạo, trong bối cảnh cách mạng công nghệ lần thứ tư phát triển mạnh mẽ.
Thứ hai, Hội nghị hoan nghênh Đối thoại chính sách cấp cao về phát triển nguồn nhân lực diễn ra ngày 15/5 đã thông qua Khuôn khổ phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.
Đối thoại là sáng kiến của Việt Nam nhằm góp phần vào các nỗ lực của APEC về phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, chất lượng, đáp ứng các yêu cầu mới công nghệ số đặt ra đối với thị trường việc làm ở khu vực. Đối thoại cũng góp phần vào việc triển khai các chiến lược của APEC về tăng trưởng chất lượng. Đối với Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực để thích ứng với kỷ nguyên số cũng là một ưu tiên trong các chiến lược phát triển.
APEC đã xác định các biện pháp chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, kỹ năng, đào tạo, tái đào tạo cho người lao động trong kỷ nguyên số. Đây là một trong những kết quả quan trọng đầu tiên ở cấp Bộ trưởng của Năm APEC Việt Nam 2017.
Thứ ba, các quan chức cao cấp cũng đã nghe báo cáo tóm tắt về kết quả Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai, là sáng kiến Việt Nam đồng tổ chức với Ban Thư ký APEC quốc tế và Hội đồng PECC.
Hoạt động này rất thiết thực góp phần vào việc triển khai chỉ đạo của các nhà Lãnh đạo APEC tại Hội nghị cấp cao Lima năm 2016 về việc tiếp tục tiến hành các thảo luận bàn về tương lai của APEC. Đây cũng là việc làm rất kịp thời góp phần thúc đẩy hoàn tất các Mục tiêu Bogor, chuẩn bị cho Diễn đàn APEC bước vào thập kỷ phát triển thứ tư và củng cố vai trò của APEC trong cục diện đang định hình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Toàn cảnh buổi họp báo
Kết quả của Đối thoại cùng các khuyến nghị của PECC là cơ sở để các quan chức cao cấp thảo luận các bước chuẩn bị cho việc hình thành tầm nhìn cho APEC hướng tới năm 2020 và những năm sau đó. Vấn đề này sẽ tiếp tục được báo cáo lên các Bộ trưởng phụ trách thương mại của APEC cho ý kiến vào ngày 20-21/5 tới.
Thứ tư, một nội dung mới được thảo luận tại Hội nghị lần này là đề xuất về thúc đẩy phát triển bao trùm trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội.
Đề xuất nhằm góp phần triển khai Tuyên bố của các Lãnh đạo APEC tại Hội nghị cấp cao Lima, Peru năm 2016 và các kế hoạch dài hạn của APEC về tăng trưởng chất lượng, kết nối, cải cách cơ cấu, tạo thuận lợi cho kinh doanh….
Sáng kiến này của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều thành viên do đáp ứng kịp thời quan tâm của nhiều thành viên về bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng một cách đồng đều các lợi ích của tăng trưởng và liên kết kinh tế trong bối cảnh bất bình đẳng, khoảng cách phá triển, khoảng cách số có xu hướng gia tăng. Sáng kiến một lần nữa thể hiện tính thiết thực của hợp tác APEC, nguyện vọng chung của các thành viên hướng tới hình thành một cộng đồng APEC phát triển bền vững và bao trùm.
Thứ năm, Hội nghị cũng nghe các ủy ban, nhóm công tác báo cáo tiến triển trong việc xây dựng một số văn bản hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành (doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững; cải cách cơ cấu; tạo thuận lợi cho thương mại điện tử, kinh tế mạng).
Các đại biểu cũng được cập nhật tiến độ triển khai các chương trình, kế hoạch hành động dài hạn của APEC về cải cách cơ cấu, kết nối, nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ, đều góp phần vào việc nâng cao tính năng động và sự gắn kết giữa các nền kinh tế APEC.
Thứ sáu, các đại biểu cũng dành thời gian thảo luận công tác chuẩn bị, cả về tổ chức và nội dung, cho các hoạt động lớn cấp Bộ trưởng của APEC sắp tới, gồm: Hội nghị các Bộ trưởng APEC phụ trách Thương mại (19-20/5); Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững (18-19/6 tại Hạ Long); Tuần lễ về An ninh lương thực và Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu (tháng 8 tại Cần Thơ); Đối thoại chính sách cao cấp về phụ nữ và nền kinh tế (tháng 9 tại Huế).
Trong dịp này, nhiều sáng kiến và hoạt động nâng cao năng lực đã được các thành viên triển khai trên các lĩnh vực đô thị hóa, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, tăng cường tham gia của phụ nữ vào một số ngành nghề, an toàn thực phẩm…
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng: Tựu chung lại, các kết quả của Hội nghị SOM 2 đã góp phần quan trọng thúc đẩy triển khai chủ đề và các ưu tiên của Năm APEC 2017, tạo những cơ sở ban đầu để định hướng nội dung và văn kiện sẽ được trình lên các Bộ trưởng và các Lãnh đạo APEC vào tháng 11 tới tại Đà Nẵng.
Hôm nay và ngày mai, tại Ninh Bình cũng diễn ra Hội nghị các quan chức cao cấp APEC về tài chính để chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC vào tháng 10 tới.
Các thành viên APEC và bạn bè quốc tế đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo và tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức và chủ trì của ta. Điều này thể hiện nỗ lực cũng như sự phối hợp ngày càng đồng bộ, hiệu quả giữa các Bộ, ngành, cơ quan của Ủy ban Quốc gia APEC 2017 và đóng góp tích cực của của các Sở, Ban, ngành và người dân thủ đô Hà Nội. Với nhiều hoạt động phong phú, chúng ta đã giới thiệu đến bạn bè APEC vẻ đẹp của thiên nhiên, văn hóa và con người, cũng như tiềm năng thương mại, đầu tư và du lịch của Việt Nam, nhất là của Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước.
Hội nghị SOM 2 và các cuộc họp liên quan đánh dấu nửa chặng đường của Năm APEC Việt Nam 2017. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch SOM APEC 2017 bày tỏ tin tưởng, những kết quả đạt được tại Hội nghị SOM 2 sẽ là cơ sở quan trọng để các thành viên APEC tiếp tục thảo luận ở cấp làm việc cũng như tại các Hội nghị Bộ trưởng sẽ diễn ra trong những tháng tới, đóng góp vào tiến trình hợp tác APEC trong năm 2017.