Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) sẽ ban hành Nghị quyết mới về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Thứ sáu, 05/05/2017 17:25 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII), khi đề cập đến nội dung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội nghị là ban hành một Nghị quyết mới của Trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII). Ảnh: Phạm Cường
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Trong suốt quá trình đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn xác định đổi mới, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, trong đó cốt lõi là tập trung ưu tiên đổi mới tư duy kinh tế, chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển; coi đây là công việc thường xuyên, liên tục.
Trong 10 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về tiếp tục hoàn thiện thể kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã góp phần quan trọng duy trì tăng trưởng kinh tế, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, đặc biệt là kinh tế phát triển chưa thật sự nhanh và bền vững như mục tiêu, yêu cầu đề ra; chưa tạo được đột phá lớn trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Doanh nghiệp Nhà nước chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể chậm đổi mới và phát triển; kinh tế tư nhân phát triển chưa thật nhanh, bền vững và lành mạnh. Một số loại hình thị trường chậm hình thành và phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận các nguồn lực xã hội chưa bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế. Hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, chất lượng chưa cao và việc tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập. Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, mức độ minh bạch, ổn định chưa cao. Quyền sở hữu tài sản, nhất là quyền của người góp vốn chưa được bảo đảm thực thi đầy đủ. Giá cả một số hàng hoá, dịch vụ thiết yếu chưa thật sự theo nguyên tắc thị trường. Hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả chưa cao; việc tự do hoá thương mại, đầu tư trong một số thị trường, lĩnh vực chưa sát hợp với thực tế phát triển của nền kinh tế...
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Phạm Cường
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nhiệm vụ của Hội nghị lần này là trên cơ sở quán triệt thật sâu sắc Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, kế thừa, bổ sung phát triển Nghị quyết Trung ương 6 khoá X, ban hành một Nghị quyết mới của Trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị tập trung nghiên cứu tài liệu, thảo luận thật kỹ, cho nhiều ý kiến đóng góp, tạo sự thống nhất cao về những nhận định, đánh giá tình hình, nhất là những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân. Từ đó đi sâu phân tích, đánh giá về sự đúng đắn, phù hợp của mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và những chủ trương, giải pháp chủ yếu tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong thời gian tới. Tập trung vào những điểm mới cụ thể hoá về mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo; đặc biệt là về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, nhất là những nhiệm vụ và giải pháp có tính đột phá, góp phần kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về thể chế liên quan đến việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ khoá XII./.
Phạm Cường